Nếu không có con người, sông chẳng thể có cuộc đời. Dù đời sông, xét cho cùng cũng là đời người qua bao bận “nặng nhẹ” của trời đất, vẫn ngửa lên bám riết sự sống đến kiệt cùng.
|
Bà Hai - người đưa đò trên bến Ông Đốc. |
Hành trình của chúng tôi, dự định ban đầu chỉ đi theo những tên đất, tên làng “sống đời” với Thu Bồn, nhưng rốt cuộc, khi gặp những con người giữ ký ức của dòng sông Mẹ này, mới thấy sẽ thật thiếu sót khi lãng quên họ. Từng bến sông, đời chợ, từng cây cầu bắc qua dòng sông, đều có nguồn cơn và ký ức...
* *
*
Nắng lấp lóa trên sông. Mùa này, vùng trung du Thu Bồn nước vẫn mênh mang bờ bãi. Lòng sông rộng. Đứng bên này, phía bến đò Giao Thủy, ngó bên tê sông, bóng người như chới với cô độc giữa dòng sông và biền bãi. Chiếc cầu dựng từ thời Pháp còn trơ những thanh gỗ đã mục ruỗng theo thời gian. Cộng sinh với bóng người bước trên cát, hình ảnh chợt gợi lên thứ gì như là xa xôi, như là hoài niệm đã rêu phong bởi dấu chân bị khuất lấp bằng cát. Người đàn bà tên Phụng (Hồ Thị Phụng), mấy mươi năm chung chiêng với ngã ba sông Kiểm Lâm - Giao Thủy, nơi Thu Bồn hợp lưu với Vu Gia, vẫn còn khắc khoải chuyện ngày xưa - chuyện của dòng sông. Bà kể về những buổi chợ đông trên ngã ba sông này, đò từ Hội An ngược nguồn, ghé bến sông bán buôn với người Quảng Huế, rồi lại tiếp tục rẽ sóng băng miết về phía thượng nguồn. Bây giờ chuyện thương mại trên sông đã thưa thớt. Khi cây cầu Kiểm Lâm - Giao Thủy sập nằm sâu xuống đáy sông - cây cầu giờ vẫn còn những dấu tích ở phía bờ bên kia, bà Phụng làm người đưa đò cho khách sang sông. Nghĩa là đã lâu lắm, chừng khoảng trước giải phóng. Nghĩa là nửa đời người lái đò đã gắn với khúc sông quê. Và nghĩa là cả cuộc đời người đàn bà này chưa lần nào qua hết ngã ba sông. “Lớn lên đã chèo đò, cũng không biết răng lại đi chèo đò nữa hè? Mà lấy chồng cũng dỗ chồng xuống ghe ở, thôi thì ngày vài đồng kiếm cơm, chớ lên bờ tui biết làm chi. Nói ổng rứa mà ổng ời thiệt. Rồi sinh con, nuôi con. Con giờ đã lấy chồng lấy vợ”. Bà cứ nhắc tôi, nếu có viết thì đừng kể chi tiết này, “dị lắm, ai đời đi kể chuyện mình”. Nhưng đôi mắt người đàn bà này lại ánh lên niềm vui lạ lùng, khi nhắc chuyện ở sông. Mọi thứ cứ trong veo, hiền lành. Bà kể có ngày bà cứu được cô gái, hình như tự tử, khi vợ chồng lôi được lên bờ thì cô chẳng còn gì trên người, lúc đó cô còn tỉnh, “ông chồng “dị” biểu vợ lấy đại cái chi quấn vào cho cổ, còn cổ chắc cũng dị, vừa mặc đồ vừa hờn trách cứu tui chi. Rồi sau đó, cô này nhận tui làm mẹ, giờ đi nước ngoài rồi”. Bây giờ con đò ở bến sông này đã thay chủ, đò máy xập xình băng nước qua bờ bên kia, khách đi trên sông chẳng mấy chốc mà cập bến. Những lữ khách lỡ chuyến đò đêm ngày trước vẫn cứ cô Phụng ơi hỡi, bởi khách biết, người như vậy đời nào rời bỏ dòng sông. Nhưng bây chừ, cứ bận trưa nào, người ở Quảng Huế cũng thấy người đàn bà này đạp xe về bến sông cũ, cứ ngồi ngó vậy thôi, chứ biết làm gì nữa, đò đã thay chủ, bến đã đổi dòng.
“Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ Con đi đò dọc mẹ liều con hư”. Mà cũng chưa chắc hư, theo cái kiểu trai gái tình tự, bởi lẽ những chuyến đò dọc, ngoài chuyện dành cho kẻ thư thả, nó còn là một hành trình mưu sinh. Người viết bài này, ngày nhỏ, từng rất nhiều lần đi đò dọc, từ Trung Phước xuống Hội An, rồi từ Hội An ngược về. Trên mỗi chuyến như vậy, thường đàn ông chỉ có một người. Còn lại toàn phụ nữ. Phụ nữ nhấp nhô nón lá trên sông, khi không ghé bến thì ngồi xổ tóc ra hong. Hình ảnh đến chừ vẫn còn thao thức. Đàn ông chỉ có việc quay máy nổ cho ghe chạy, đến bến thì vài chung rượu gạo, khề khà tới khi đàn bà giục chuyển bến. Những “nón lá” khi ấy chân không chạm đất, bước thoăn thoắt chỗ này chỗ kia, mua mỗi thứ một ít, để bán cho dân nguồn.
|
Ở ngã ba sông Giao Thủy - Kiểm Lâm. Ảnh: SONG ANH |
Tôi vẫn còn nhớ cặp vợ chồng ở Cẩm Hà (Hội An). Ngày trước, cứ mỗi lần mẹ cho theo ghe cô chú này xuống Hội An, thì cứ phải dừng ở bến Cẩm Hà - giờ bến này đã không còn ghe thuyền neo đậu, bởi nhà 2 người ở đó. Cứ bảo tôi đi cho hết Hội An, hẵng về. Đò đi giờ nào chẳng được. Chiếc ghe là tất cả tài sản của đôi vợ chồng trẻ, khi ấy khoảng 30, đã có tới 4 mặt con. Ghe chất khẳm cá, mùi tanh cứ khăn khẳn đầu mũi. Rồi lại còn đồ gốm, mua từ bà con Cẩm Hà bấy giờ, rau húng từ Trà Quế. Cứ vậy làm hành trình từ hạ du lên nguồn.
Nhưng bóng nón làm người đi nhớ nhất, lại không phải là một người từ trong ký ức thuở nhỏ. Dù có khi lúc nhỏ, theo mẹ dọc sông buôn bán, có thể đã gặp, nhưng chắc chưa đủ tò mò để khắc ghi vào trí nhớ. Sáu mươi hai tuổi, theo trí nhớ của bà, là gần 50 năm bà biết cầm tay chèo, và hơn 30 năm từ ngày giải phóng bà làm nghề đưa đò trên bến đò Ông Đốc nối liền xã Điện Quang với xã Điện Hồng (Điện Bàn). Trong chặng hành trình hơn 30 năm ấy, nhiều người đã quen mặt, nhiều người chỉ vãng lai một vài lần, nhưng ai cũng đều gọi bà với cái tên bà Hai, riết thành quen, đến nỗi hỏi đúng cái tên của bà là Lê Thị Hương thì ai cũng lắc đầu… không biết. Gần chục năm trước, một người đàn bà ở thôn Đại Cường bị lũ cuốn trôi xuống tận dưới bến đò của bà. Lúc đó tầm 4 giờ sáng, không hiểu điều gì mách bảo mà con trai bà lại thức dậy sớm, ra bến phát hiện, kịp thời đưa vào bờ cấp cứu. Gần đây nhất là vào năm ngoái, một em nhỏ 11 tuổi ở thôn Mỹ Hòa, xã Đại Hồng không may bị đuối nước, nhờ bà kịp thời lái đò ra để anh con trai nhảy xuống cứu. Rồi còn nhiều thiếu nữ lội ra sông tự vẫn, mấy em nhỏ tắm sông bị cuốn trôi… Và vô vàn những việc tốt không tên khác mà bà vẫn thường được người dân hai bờ sông nhắc đến. Bóng nón ấy bây giờ vẫn còn đò đưa ở bến Ông Đốc. Không còn lam lũ chuyện cơm áo, nhưng như một cái nghiệp trót đeo mang, đò bà Hai vẫn ngày ngày đưa người qua sông.
Trong “Hồi ức đò dọc” của Văn Công Hùng, ông có nói rằng, các chủ đò ở bến sông quê phần lớn là đàn bà. “Lúc nào cần cũng xắn quần gò lưng đẩy đò, cũng chèo cũng chống lúc đò vào hoặc ra bến, cũng quay máy nổ như đàn ông… Họ lênh đênh như thế, nhưng một thời nhờ họ mà hàng triệu lượt người không bị cô lập, mà cuộc sống vẫn nở hoa từ những ngày khốn khó nhất…”.
Mỗi dòng sông có ký ức riêng. Với chúng tôi, ký ức Thu Bồn không tới từ những lễ hội dọc dài bến bãi, không phải những bến đò ngang chòng chành, cũng không phải những ghềnh thác hay đáy sông kiệt cùng… Chỉ đơn giản, Thu Bồn là dòng sông Mẹ, dòng sông Cái trĩu nặng những ưu tư, ưu tư ngay cả khi sông tấp nập đò giang, người xuôi kẻ ngược ngày trước, còn bây giờ là những đắn đo về những thúc bách hối hả khiến người như quên đi chuyện chớp bể mưa nguồn…
Theo Báo Quảng Nam.