Chợ Bàn Thạch có
những con người cực kỳ xuất sắc mà nếu ta lãng quên họ thì coi như ta đã đánh
mất một cuốn từ điển vô giá về chợ Quảng Nam.
Chợ Bàn Thạch ngày ấy thuộc xã Xuyên An (nay là xã Duy Vinh, Duy
Xuyên), nằm trên một doi đất dài giữa hai dòng sông Thu hướng đông và Bà Rén
hướng tây. Cuối chợ là cái cồn tên gọi Cồn Chăm, nối hai thôn Đông và Tây của
xã. Chợ trở thành nơi buôn bán ở thị tứ của sáu xã vùng đông Duy Xuyên nhờ cái
vị thế đặc biệt nằm giữa hai dòng sông của nó.
Chợ gồm có bốn khu, được xây dựng kiên cố trên nền xi măng cao,
lợp ngói; gồm chợ tôm cá, chợ nông sản, chợ chiếu, chợ gạo đậu. Chợ tôm cá nằm
bên hướng sông Thu. Nơi đây vào giác hai giờ chiều, thuyền đánh cá từ biển về
đưa tôm cá tươi rói lên, cân sỉ cho nậu nguồn mua chở xe thồ về cho Duy Xuyên,
Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức. Phần nào bán lẻ thì bà con tiểu thương mua lại
để bán.
Nơi đây khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch, những chiếc ghe bầu Bình Thuận chở
đầy ắp lòng khoang các loại mắm cá lò có, cá mòi, cá nục muối khô về tụ hội,
chờ nậu nguồn xuống mua. Những ông lái ghe bầu lãng mạn đêm đêm chong đèn, một
mình đóng nhiều vai, diễn những tuồng hát bội Địch Thanh ly Thợn, Tiết Nhơn Quý
chinh đông. Diễn thì cầu âu như vậy nhưng kết quả thì lại khả quan. Lâu lâu,
người Bàn Thạch lại nghe trong làng có một bà góa nào đó… mất tích. Hóa ra, bà
cuốn tượng dông theo lái ghe Bình Thuận mà những lời hát bội kia là tác nhân
gây hậu quả vui vẻ cho cả đôi đàng.
Ba khu chợ còn lại cũng có những điều đáng nói. Làng tôi chuyên nghề dệt chiếu
nên chợ chiếu là nơi đông đúc kẻ mua người bán. La liệt nào chiếu trơn, chiếu
vẽ phúc lộc thọ, chiếu nhỏ, chiếu lớn ngập tràn lối đi. Nếu người ta qua chợ cá
nghe mùi tanh tưởi thì vào chợ chiếu lại nghe cái mùi thơm thơm của cọng lác
mới. Chợ gạo đậu bán toàn gạo, nếp và các loại đậu, là khu chợ “nghiêm trang”
nhất. Hấp dẫn nhất vẫn là chợ nông sản. Bác nông dân kia ở Nhơn Bồi hái được
một rổ ổi, chị nọ ở Nồi Rang chặt được một mớ mía, bà ấy bên Trà Nhiêu nhổ một
rổ hành… tất cả đều ra chợ. Tôi là chuyên gia bậc 7/7 chuyên dạo chợ Bàn Thạch.
Ấy bởi vì buổi chiều, mẹ thường cho tôi một đồng. Tôi lùng sục vào khu chợ nông
sản, mua một bó mía hay vài trái xoài ăn vặt. Sách vở nói trẻ con ăn vặt mới
thông minh(!). Tôi nhờ ăn vặt nên sau này thông minh, làm báo viết văn được.
Ha… ha… ha…
Chợ bình thường chỉ đông từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều; ngày tết
thì đông suốt từ 6 giờ sáng cho đến khi đỏ đèn. Ghe thuyền từ hai dòng sông về
đậu sắp lớp thành hai bến đông tây; tiếng cãi nhau dành chỗ đậu ghe inh ỏi. Có
những ghe đến chậm; chủ hàng xin chủ ghe đậu trước cho đi nhờ lên chợ; lỡ đạp
trúng cái… mũi ghe, bị chủ ghe xạc tơi bời. Khi chợ tan, những anh chị quét dọn
đi làm vệ sinh chợ, múc nước sông Thu lên xịt rửa chợ cá. Buổi chạng vạng, chợ
lên đèn, thường là đèn dầu lửa, hiếm hoi lắm mới có một chiếc đèn măng-sông.
Những đêm có trăng, hai dòng sông dát vàng lấp lánh. Đợi nước vừa lớn lên,
thanh thiếu niên trong chợ cầm cần ra sông câu cá.
Tôi mê hai nhánh sông ấy kinh khủng. Vùng sông này là nơi hai dòng
nước ngọt mặn giao nhau, tạo ra nước lợ nên cá hanh, cá hồng về đây rất nhiều.
Với 5 cắc bạc mua mồi tôm, tôi đã có thể câu được cả chục con cá hanh, cá hồng
cỡ bàn tay người lớn. Ngày mới mưa nguồn, nước bạc trên nguồn về khiến bọn cá
xót mắt, phải lủi vào sát bờ kiếm ăn. Trẻ già, lớn bé trong chợ… đổi nghề, ra
hai bờ sông ngồi câu cá, đem theo thau hoặc thùng thiếc để đựng.
Chợ Bàn Thạch có những con người cực kỳ xuất sắc mà nếu ta lãng
quên họ thì coi như ta đã đánh mất một cuốn từ điển vô giá về chợ Quảng Nam.
Đầu tiên là bác Trưởng Nhơn – một người chuyên bán đũa, ống thổi lửa và
cặp nhắc bếp. “Cửa hàng” ông gói gọn trong một cái rổ. Ông đi khắp chợ để tiếp
thị hàng, đồng thời để… trốn thuế hoa chi. Lối quảng cáo của ông huênh hoang,
lối nói dóc thầy chạy, lối nói vè và làm hề rất có duyên; những điều ông Trưởng
Nhơn dạy tôi còn phong phú hơn giáo trình trường đại học. Ông là một nhân vật
mà người Bàn Thạch đều biết tiếng. Sau này đi dạy ở đại học, tôi đều đem bài Vè
nói láo của bác dạy tôi hồi nhỏ dạy cho sinh viên. Các em rất khoái bài này.
Người thứ hai là bác Phó Bảy – bậc thầy câu cá. Hễ ông vác cần đi
là khi về luôn luôn có một vài con hanh, con hồng khoảng ký rưỡi trở lên. Cá
chúng tôi câu lớn lắm chỉ cỡ bàn tay xòe, so với con cá của bác Phó Bảy chẳng
ra làm sao cả. Ông từng câu được bên nhánh sông Thu con cá vược 25 ký. Trình độ
nói dóc của ông cũng thuộc loại “thạc sĩ”, chỉ thua “tiến sĩ” Trưởng Nhơn một
chút thôi. Hễ hôm nào ông vác cần đi câu mà gặp… phụ nữ ngồi tè thì ông quay về
liền. Theo ông, bữa đó là “xui óng cà rò”.
Người thứ ba là ông Ba Thuật, tên đầy đủ là Võ Hữu Thuật – một
lương y. Nhà ông ba đời trung thành với cách mạng. Lính Mỹ đưa tàu chiến lên,
ủi Cồn Chăm ở cuối chợ, mong lấy đường qua sông Bà Rén. Buổi tối, ông huy động
hàng xóm, con cái đem cây cắm, đổ đất lấp lại Cồn Chăm. Cứ vậy ban ngày Mỹ phá,
ban đêm ông làm lại. Cầm cự đến năm 1968, Mỹ đánh bom tan nát chợ Bàn Thạch,
tan nát Cồn Chăm. Ông Ba Thuật vào địa bàn Nha Trang hoạt động. Gia đình ông có
hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều người con của ông là liệt sĩ.
Về âm bản, phải nhắc đến bà L. – một phụ nữ độc thân, bị ho lao,
không có nhà nên phải… chiếm chợ để ở. Tướng bà ốm nhách nhưng tiếng chửi lanh
lảnh, cao vút lên như giọng soprano, bảy xã cũng nghe được. Văn chương chửi của
bà cũng rất bài bản, nào là “Vùa hương bát nước, tam bát vạn san, mèo mả gà
đồng, trôi sông giạt chợ, đi sông chết sông, qua suối chết suối”. Bà qua đời
một cách bất ngờ: mua nửa xị rượu pha với huyết bò tươi uống nói là trị bệnh
lao nhưng lại bị choléra.
Tôi xa chợ Bàn Thạch từ năm 1965. Canh nông từ Hội An bắn qua, phi
pháo Mỹ trên trời dội xuống, đánh chợ Bàn Thạch tan nát không chừa một viên
ngói. Mỹ ủi Cồn Chăm, chia cách chợ Bàn Thạch với thôn Đông. Nước lũ của ba
dòng sông Thu, Bà Rén, Trường Giang hàng năm hội tụ về đó, hốt hết chợ Bàn
Thạch đưa xuống sông. Vậy là chúng tôi mất đi ngôi chợ Bàn Thạch thú vị ngày
thơ ấu. Tôi về mong tìm lại nền nhà của mình ngày xưa, chỉ thấy mênh mông một
màu nước xanh của ba dòng sông hợp lưu.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN