A+ A A-

"Đi là để sẻ chia"

      Đó là ý tưởng của chàng sinh viên Nhật Bản Kojima Takayuki khi thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe đạp.
    Sự cố hư xe dọc đường khiến Kojima Takayuki đến thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) trễ hơn dự định 30 phút. Mười giờ đúng, chàng sinh viên vẻ rắn rỏi với nước da đen nhẻm bụi đường dừng chân tại UBND thị trấn Nam Phước giữa tiếng cười và những cái bắt tay thân mật của người dân địa phương. Chiếc xe đạp màu đen vượt qua hơn 1.500km đường chở theo nào là áo quần, dụng cụ sửa xe, đồ ăn, nước uống… đã gãy chắn xích, đầy bụi. Cuộc giao lưu diễn ra trong 30 phút ngắn ngủi đủ để “hâm thêm” bầu nhiệt huyết để Kojima Takayuki tiếp tục hành trình. Cả bà Usada Reiko, Thư ký Hội hữu nghị Nhật - Việt TP.Kawasaki cùng Kojima Takayuki say sưa hát trong tiếng vỗ tay hào hứng của học sinh và người dân địa phương. Họ đội nón lá của làng chằm nón Mỹ Xuyên (Nam Phước) nổi tiếng một thời thân mật chụp ảnh lưu niệm cùng quan khách địa phương và 17 trẻ em nghèo vừa nhận xe đạp do Hội hữu nghị Nhật - Việt TP.Kawasaki trao nhân cuộc hành trình.
 
alt 
Takayuki chụp hình lưu niệm cùng trẻ em nghèo nhận xe đạp do Hội hữu nghị Nhật - Việt
TP.Kawasaki trao. Ảnh: NH.PHONG
      Kojima Takayuki vốn là sinh viên năm thứ 4, khoa Chính trị Trường Đại học Luật và chính trị Tokyo (Nhật Bản). Anh bắt đầu thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh bằng xe đạp kể từ ngày 24.10.2014. Ý tưởng “đi là để sẻ chia” là hành trang tinh thần mạnh nhất để sinh viên này đi hết con đường thiên lý Bắc - Nam nhằm làm quen với con người, tìm hiểu phong tục, tập quán, tham quan danh lam thắng cảnh Việt Nam và thực hành tiếng Việt. Takayuki nói rằng, để thực hiện ước mơ này, anh đã có nhiều tháng năm vừa học, vừa làm, tiết kiệm tiền để trang trải và tra cứu bản đồ các địa danh cần đến, lập kế hoạch chu đáo và chi tiết cho hành trình ngàn dặm dài ngày này. Mỗi ngày, có khoảng 60 - 100km đường đã trôi ngược phía sau xe đạp Takayuki. Ngày đi, đêm nghỉ, chỗ trú thân chỉ là những căn nhà nghỉ hay khách sạn mini rẻ tiền dọc đường và anh dự tính cho chuyến đi này sẽ mất hết một tháng. Takayuki kể, anh đã từng đạp xe qua 3 nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, và bây giờ là Việt Nam. Trên những vùng đất đã qua, mỗi ngày anh lượm lặt ngôn ngữ dọc đường, trải nghiệm cuộc sống thực tế và trò chuyện bằng tiếng địa phương cùng người dân bản địa. Sự trải nghiệm này sẽ khởi sự cho ngày anh trở thành một ký giả sau khi tốt nghiệp.
      Lịch sử bang giao Nhật - Việt đã có từ xa xưa. Hơn 400 năm trước, những kiều dân Nhật tha hương đã xây dựng nên 4 khu phố Nhật trên đất Thái Lan, Campuchia, Miến Điện và Việt Nam. Nhưng giờ chỉ còn phố cổ Hội An trường tồn với mưa nắng trần gian để lưu giữ những di chỉ quá khứ của người Nhật. Cây cầu bắc qua một nhánh sông Hoài có tên “Lai Viễn Kiều” và hàng chục ngôi mộ của các thương gia Nhật Bản nằm rải rác trên các cánh đồng Trường Lệ, Cẩm Châu… vẫn được người dân địa phương chăm sóc, hương khói. Không ít người Nhật đến phố đã tham dự vào một con đường kỷ niệm, chu du qua nhiều điểm, di tích liên quan đến di sản tiền nhân của họ để lại. Đó là vết dấu rêu xanh trên đình cũ Cẩm Phô, Chùa Cầu hay Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Lịch sử - văn hóa và những lễ hội giao lưu văn hóa thường niên Việt - Nhật tổ chức vào tháng 8 mỗi năm, kể từ năm 2003. Mối bang giao của quá khứ tiếp tục được thắp lửa bằng những tình nguyện viên Nhật Bản từng sang Hội An hợp tác, bảo tồn nguyên trạng phố cổ từ năm 1998. Sự đóng góp đáng kể của người Nhật tại Quảng Nam chính là việc tham gia sự nghiệp bảo tồn, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị di tích Hội An. Bắt đầu từ năm 1993, một dự án hợp tác về bảo tồn các công trình cổ ở Hội An, nhất là bảo tồn các di tích kiến trúc gỗ… đã tạo dựng thành phố này một khuôn mặt mới. Hợp tác Nhật - Việt đã kịp thời giải nguy cho một số di tích quan trọng trong phố cổ bằng chuyển giao phương pháp trùng tu, bổ sung kiến thức, ý thức và kinh nghiệm cho chính quyền, cơ quan quản lý và những người thợ lành nghề để dựng một Hội An trở thành “báu vật” không chỉ của riêng Quảng Nam.
       Ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Quảng Nam nói, cuộc hành trình của Kojima Takayuki và 17 chiếc xe đạp do Hội hữu nghị Nhật - Việt TP.Kawasaki tài trợ là một trong nhiều món quà mà những trẻ em nghèo hiếu học Quảng Nam được nhận trong 10 năm qua, là kết quả, dấu ấn của tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng được nâng cao. Bà Usada Reiko chia sẻ, đã 6 năm nay bà chọn Hội An sinh sống. Quán cà phê “cộng đồng” của bà ở phố cổ rất mong đón những người khách Duy Xuyên đến trò chuyện, tham quan… bằng xe đạp mỗi ngày. Takayuki cho biết, anh không hứa hẹn gì nhưng chắc chắn chuyến đi và những cuộc giao lưu đầy cảm động tại Việt Nam ghi đầy trong các sổ tay của anh ta sẽ có cơ hội đến với những người Nhật anh em thông qua những du ký dọc đường sẽ có dịp đăng tải trên các tờ báo ở Nhật. “Chỉ có tình yêu, sự sẻ chia và sự trải nghiệm về văn hóa của một nước nào đó mới mở ra sự thông hiểu lẫn nhau. Điều đó sẻ giảm thiểu lòng hận thù và chấm dứt những cuộc chiến tranh đáng tiếc…, để tất cả trở thành những công dân toàn cầu xây đắp hòa bình và thịnh vượng chung cho toàn thế giới” - Kojima Takayuki nói.
                                                                                                           NHẬT PHONG
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19853228
Hôm nay
Hôm qua
3287
5651