Sinh ra và lớn lên trong một gia đình
nông dân ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn. Sau nhiều năm đèn sách, cô giáo trẻ
Phạm Thị Xuyến, sinh năm 1988 đã thực hiện được ước mơ hoài bão của mình. Năm
2010, tốt nghiệp Đại học sư phạm Đà Nẵng với tấm bằng loại khá, cô xin về dạy
Trường THPT Nguyễn Hiền.
Cô giáo Xuyến vẫn còn nhớ như in, cái cảm giác lo
lắng, hồi hộp của ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề, giảng dạy môn địa lý,
đây là môn học rất là khô khan đối với nhiều học sinh và thời điểm đó trường
còn rất nhiều khó khăn về cơ sở, vật chất. Thế nhưng, với bầu nhiệt huyết của
tuổi trẻ, trách nhiệm của người thầy và lòng yêu nghề, cô giáo Xuyến đã nhanh
chóng bắt nhịp được công việc giảng dạy của mình.
Cô Phạm Thị Xuyến chia sẻ: Với những
kiến thức trong nhà trường chỉ là hành trang ban đầu. Để tiếp cận nhanh chóng
công việc cô luôn học hỏi kinh nghiệm của các thầy, cô đi trước. Môn địa lý là môn học khó, vừa có kiến thức tự
nhiên vừa có kiến thức xã hội lại khô khan. Vì thế, đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong
giảng dạy. Hơn nữa nhiều em học sinh có tư tưởng học lệch, chỉ chú tâm
đến việc luyện thi đại học không quan tâm nhiều đến môn học hoặc học đối phó,
nhất là học sinh khối 12 ban khoa học tự nhiên, làm cho kết quả học tập không
tốt. Theo cô, thực tế của môn địa lý
chưa đáp ứng nhu cầu về việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai hoặc lựa chọn
được rất ít ngành nghề. Và theo quan
niệm của học sinh và xã hội thì địa lý là môn học phụ, cho nên có sự thiên
lệch trong nhận thức về tầm quan trọng của môn học, không khuyến khích học sinh
học tốt môn địa lý. Vì vậy ngoài việc
động viên khuyến khích các em, giáo viên dạy còn phải làm cho học sinh
thấy được cái hay, cái cần thiết khi học tập môn địa lý để từ đó học
sinh có hứng thú và quyết tâm học tập tốt hơn. Trong mỗi bài
học, cô luôn tìm những mẫu chuyện vui, liên hệ với thực tế và phù hợp với bài
học để kể cho các em nghe nhằm tạo hứng thú cho các em. Để áp dụng được phương
pháp này, giáo viên cần có chuyên môn tốt và phải hiểu biết về kiến thức liên
ngành. Đặc biệt khi dạy về địa lý tự nhiên, cô luôn đầu tư thời gian, tâm sức
để soạn bài giảng đảm bảo lượng kiến thức cần cung cấp cho học sinh. Bên cạnh,
cô thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp với các đối tượng học
sinh thì mới gây hứng thú cho học sinh. Nhờ
vậy, mà qua tiết học của cô đã giúp cho các học sinh tiếp thu bài ngay tại lớp,
nhớ bài lâu hơn và chăm chỉ học môn địa lý nhiều hơn. Nhiều học sinh của trường
chia sẻ, điều các em tâm đắc nhất ở cô Xuyến đó chính là phong cách giảng dạy,
cô giảng bài không có bám sát từng câu, tùng chữ trong sách giáo khoa mà cô dựa
vào nội dung đó rồi tóm lược lại, sau đó giải thích liên hệ với thực tế làm cho
các em dễ hiểu, dễ nhớ và nhiều học sinh rất thich học môn địa lý.
Từ một giáo viên trẻ chưa có kinh
nghiệm, sau gần 5 năm công tác cô giáo
trẻ Phạm Thị Xuyến đã trưởng thành hơn và gặt hái được nhiều thành tích đáng
trân trọng. 4 năm học liền (từ 2010 – 2014) cô được nhà trường phân công dạy
bồi dưỡng học sinh giỏi, cô đã giúp cho học trò của mình mang về nhiều giải
đồng đội và 13 giải cá nhân học sinh giỏi môn địa lý cấp tỉnh và cấp Quốc gia,
gồm 1 giải nhì cấp Quốc gia, 3 giải ba và 9 giải khuyến khích. Với thành tích
này, 4 năm học liền cô Phạm Thị Xuyến đều đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Đánh giá về thành tích dạy học của cô
Xuyến, thầy giáo Nguyễn Ngọc Tám, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hiền nói: “Cô Phạm Thị Xuyến là một trong những giáo
viên trẻ, năng nỗ, tâm huyết với nghề. Trong giảng dạy cô luôn sáng kiến để có
những bài giảng hay; Yêu mến học trò. Những đóng góp của cô tuy là bước đầu
nhưng thật đáng trân trọng và biểu dương khen thưởng./.