Anh Phan Thanh Tùng ở thôn An Lạc,
xã Duy Thành bị tai nạn lao động gây chấn thương cột sống và bị liệt hai chân.
Nhưng với nghị lực phi thường anh đã vượt lên bệnh tật, tạo dựng cuộc sống cho
bản thân.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh
Tùng nhìn thấy những đồ dùng trong nhà được sắp xếp, trang trí ngăn nắp, đẹp
mắt, không ai nghĩ là do người bị liệt cả hai chân tự làm.
Sinh ra trong một gia đình khó khăn,
mẹ mất sớm, em gái đã lập gia đình chỉ có anh với người cha già trên 80 tuổi.
Cách đây 9 năm, Phan Thanh Tùng làm một phụ hồ, khi làm việc không may anh ngã
từ trên cao xuống và bị chấn thương cột sống phải nằm một chỗ, hai chân bất
động, sinh hoạt hông thể tự lo được, phải nhờ người cha già chăm sóc.
Anh Tùng nhớ lại, thời gian đầu khi
mới bị tai nạn, gần như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Nhưng thương cha già
hàng ngày phải bỏ công việc đồng áng,
đạp xe kéo theo chiếc xe lăn chở người con tàn tật vừa đi bán vé số kiếm
tiền để chạy chữa cho con vừa để tiện chăm sóc, anh không thể cầm được nước mắt
và quyết tâm muốn vượt lên để làm người có ích. Cũng chính lúc này, có nhiều
nhà hảo tâm tìm đến và giúp anh có được chiếc xe lăn rồi góp tiền để anh chữa
bệnh. Anh kể hồi đó có bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo, bệnh viện Duy Xuyên cùng một số
người khác giúp gia đình anh có được ngôi nhà xây và khu vệ sinh.
Được sự giúp đỡ của mọi người, anh
Phan Thanh Tùng dần hồi phục sức khỏe, có thể đi lại bằng xe lăn. Từ số tiền mọi người giúp đỡ, anh gom
góp nhờ người mua các hàng thủ công mỹ nghệ, móc khóa, đồ chơi trẻ em ngày ngày
ngồi trên chiếc xe lăn đi khắp các chợ bán kiếm tiền phụ giúp cho cha.
Cũng từ nghị lực vươn lên vượt qua
số phận nên nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm biết đến anh nhiều hơn. Năm 2009, anh
được một tổ chức nước ngoài tài trợ một chiếc xe máyba bánh, anh vay thêm 3
triệu đồng nữa để mua card điện thoại đi bán dạo. Có phương tiện, anh mua thêm
hàng đi bán khắp nơi, Thăng Bình, Hội An
và Đà Nẵng. Dịp nhà mạng khuyến mãi, anh dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe ra chợ Cẩm Lệ, Đà Nẵng đi khắp các chợ trên
bán card tới tối mịt mới về. Mỗi tháng kiếm cũng được vài triệu đồng đủ trang
trải cuộc sống hai cha con và lo chi phí điều trị mỗi khi lên cơn đau biến
chứng.
Anh Tùng chia sẻ: “sống là phải làm, mình còn đôi tay mình có
thể làm, trừ khi lâm vào thế khó cần sự giúp đỡ, miễn là mình không nản chí là
có thể vượt qua tất cả”.
Đến nay, cuộc sống của anh đã dần ổn
định, anh còn là hội viện tích cực của hội người khuyết tật huyện Duy Xuyên,
thường xuyên thăm hỏi và động viên những người đồng cảnh ngộ như mình. Với
nhiều người trong Hội người khuyết tật huyện anh Phan Thanh Từng không chỉ là
một người anh mà còn là một tấm gương để mọi người noi theo./.
Tuyết Mai