Chồng mất sớm
để lại hai đứa con thơ dại và người mẹ
già trên 80 tuổi, thường xuyên đau ốm. Gánh nặng gia đình đè oằn lưng đôi vai
người vợ trẻ. Chị Huỳnh Thị Diệp vừa làm mẹ, vừa làm cha của các con, vừa trọn
đạo hiếu với mẹ chồng. Tình yêu thương đã tạo nên sức mạnh phi thường cho chị
lèo lái “con thuyền” gia đình vươn tới. Chưa bao giờ chị cảm thấy cuộc sống của
mình là bất hạnh...
Căn nhà nhỏ của chị Huỳnh thị
Diệp, thôn Câu Lâu Tây xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên đơn sơ mà đầm ấm. Bởi mảng
tường treo đầy giấy khen, bằng khen ghi nhận sự nỗ lực vươn lên của 2 con trai chị
là Đặng Văn Lộc và Đặng Văn Thọ, ai nhìn thấy cũng trầm trồ thán phục.
Nói về hoàn cảnh của gia đình
chị, bà con xóm giềng ai cũng thương và cảm phục về nghị lực sống của chị. “Chị
Diệp khổ lắm, nhà nghèo, chồng mất sớm để lại mẹ già và 2 con dại, một mình chị
ấy bươn chải vẫn nuôi hai đứa con ăn học nên người”, một người hàng xóm tâm
sự.
Chị lập gia đình với anh
Đặng Văn Quang, niềm hạnh phúc lớn nhất đã đến với anh chị khi hai đứa con trai
lần lượt ra đời. Đôi vợ chồng trẻ làm lụng vất vả nhưng cuộc sống gia đình vẫn
quanh năm nghèo khó. Rồi hai người con cũng đến tuổi đi học, dù cuộc sống nghèo
khó nhưng anh chị vẫn cố gắng để các con được đến trường học hành. Thương ba mẹ nghèo vất vả, hai đứa con anh chị đều chăm ngoan và
học giỏi, niềm hạnh phúc gia đình tưởng mãi bền lâu. Nào ngờ, bất hạnh đột
nhiên ập đến khi phát hiện anh Quang mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà nghèo, vừa lo
chạy chữa chồng, chị vừa phải tự mình bon chãi kiếm tiền trang trãi cuộc sống
và cho con ăn học. Bệnh tật quá nặng nên anh Quang đã qua đời
ở cái tuổi 43, trước lúc lâm chung anh chỉ có một ước muốn duy nhất là các con được
tiêp tục đi học. Ngày anh ra đi để lại người vợ và hai đứa con thơ dại đang
tuổi ăn tuổi học, đứa con trai lớn chỉ mới học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 7. Gánh
nặng cơm áo 4 nhân khẩu của gia đình đè lên đôi vai gầy của chị. Mọi việc trong
nhà từ đồng án đến việc kiếm tiền nuôi con rồi cả việc chăm sóc mẹ già và nuôi
con chị đều cáng đáng. Chị Huỳnh Thị Diệp tâm sự: “Lúc chồng tôi mất tôi hầu
như không có thời gian nghỉ, tôi dừng như làm việc gấp đôi gấp ba, ngày 2 buổi
theo các tốp thợ xây trong xã làm phụ hồ; ngoài giờ làm, buổi trưa và chiều tối
tôi tranh thủ cáng đáng 5 sào ruộng, trồng rau, chăn nuôi để có tiền lo cho 2
con ăn học, thuốc men cho mẹ”
Vất vả, khó nhọc là thế nhưng
chị chưa bao giờ có ý định bắt các con nghỉ học. “Đời tôi vất vả rồi nên chỉ có
một ước muốn là các con được học hành đến nơi đến chốn để sau này không phải
khổ nữa”, chị nói. Thương mẹ khó nhọc, vất vả nên hai con Lộc
và Thọ luôn cố gắng vươn lên học rất giỏi. Con Trai lớn Đặng Văn Lộc, suốt 12
năm học đều đạt học sinh giỏi của trường. Lộc còn tham gia thi học sinh giỏi
huyện, tỉnh và đoạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi ở cả hai môn toán và văn.
Làm theo di nguyện của người cha quá cố, năm
2005, con trai lớn Đặng Văn Lộc thi đậu vào Trường Đại học An ninh nhân
dân. Hai năm sau, con trai nhỏ Đặng Văn Thọ cũng thi đậu trường Đại học bách
khoa Đà Nẵng
Các con là niềm vui,
chỗ dựa tinh thần cho chị Thương lúc bấy giờ. Tự hào vì các con đậu
Đại học, nhưng rồi chị lại lo nhiều hơn. Nhà nghèo biết lấy đâu ra tiền cho các
con nhập học. Dù vậy, chị vẫn tha thiết muốn con được học hành. “Các
cháu nó sợ phải bỏ học lắm, ngoài giờ học ra, các cháu đi làm thêm kiếm tiền
trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tôi thương các cháu lắm nhưng cũng chẳng biết
làm sao cả”, chị Thương ngậm ngùi chia sẻ.
Hàng ngày, ngoài công việc
phụ hồ, chị tranh thủ từng giờ từng phút phân chia thời gian để vừa đi dệt
chiếu thuê, vừa phát triển sản xuất, chăn nuôi trong gia đình để xoay sở, đồng
áng và chăm sóc mẹ già, mỗi ngày dành dụm chất chiu từng đồng gửi cho con ăn
học. Người mẹ nghèo khổ ấy dù vất vả cực nhọc đến đâu cũng chỉ có một ước muốn
duy nhất là các con được học hành thành đạt.
Đến nay, hai con trai của chị
Diệp đều đã ra trường có việc làm ổn định, con trai lớn hiện đang công tác tại
công an tỉnh Quảng Nam, con trai nhỏ làm công ty Viễn Thông Đà Nẵng, cả hai đều
đã lập gia đình ổn định cuộc sống.
Hiện gia đình chị không còn
cảnh vất vả như ngày xưa nhưng hoài niệm về những năm tháng tất tả ngược xuôi
lo cho con ăn học của chị đấng để mọi người nể phục và noi theo./.
Tuyết Mai