Năm 2014 toàn huyện có 8.924 hộ nông
dân sản xuất- kinh doanh giỏi.
Có thể nói tổ chức hội nông dân các
cấp trên địa bàn huyện là nòng cốt khơi dậy tính năng động, sáng tạo và lòng
quyết tâm của hội viên nông dân toàn huyện trong việc tìm tòi, học hỏi cái mới,
áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất-dịch vụ kinh doanh để phát
triển kinh tế gia đình, quyết tâm xóa đói, giàm nghèo, làm giàu chính đáng ngay
tại quê hương mình, gắn với thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng
và Nhà nước; tổ chức tập huấn phổ biến kiến
thức, tổ chức tham quan học tập, hướng dẫn cách làm với việc xây dựng và triển
khai thực hiện các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất ở từng địa bàn,
giúp cho nông dân có điều kiện tiếp cận, ứng dụng nhanh hơn các tiến bộ khoa
học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, 4 năm qua, toàn huyện có
đến 8.924 hộ đạt danh hiệu nông dân sản
xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Nhiều mô hình mới được Hội nông dân
các cấp tuyên dương, được đông đảo bà con nông dân thán phục, và nghiên cứu học
tập làm theo. Trong đó có hộ anh Nguyễn Công Chức ở Thôn Phú Nhuận 3, xã Duy
Tân, nhiều năm liền chăn nuôi với quy mô nhỏ trong khu vườn chật hẹp, khó quản
lý dịch bệnh và làm ảnh hưởng đến môi trường sống của bà con xung quanh. Anh
vay mượn được 500 triệu đồng, thuê 6000m2 đất, xây dựng chuồng trại
chăn nuôi gà và lò ấp trứng. Sau 1 năm hoạt động đã bán được 36.000 con gà con
và 1.500 gà thịt thương phẩm, thu lãi trên 100 triệu đồng. Hộ anh Nguyễn Đình
Chín, ở thôn Trà Kiệu Tây xã Duy Sơn, với mô hình sản xuất đa canh, vừa làm
lúa, màu, trồng rừng vừa phát triển đàn bò đến 17 con, trong đó có 8 con bò
sinh sản, thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Hộ anh Trương Hồng, ở thôn Phước Mỹ xã Duy Phước, kết hợp sản xuất và dịch vụ
nông nghiệp, ngoài sản xuất 2,5 sào lúa, từ năm 2008 đến nay anh đã tận dụng và
thu mua rơm rạ để trồng nấm, sản lượng thu được trung bình 1.200kg/năm. Và làm
dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp với 2 máy cày, 1 máy gặt đập liên hợp. Thu nhập đạt trên 125 triệu đồng/năm. Bình
quân nhân khẩu 31 triệu đồng/năm. Hoặc mô hình cả thôn nuôi bò lai, tổng cộng
trên 500 con, Mô hình chăn nuôi bò lai của nông dân thôn Lệ Bắc xã Duy Châu, bà
con tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp
rất phong phú của vùng đất chuyên sản xuất cây màu, kết hợp với trồng cỏ làm
thức ăn cho bò, nhờ vậy đàn bò trên 500 con ở đây phát triển tốt, nhưng không
ảnh hưởng đến việc trồng trọt của những hộ khác.
Có thể nói hộ nông dân sản xuất kinh
doanh giỏi trong năm qua, là những điển hình làm kinh tế khá phong phú, đa
dạng, vận dụng linh hoạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế đặc điểm của
chất đất, tập quán ở khu dân cư đó để đạt hiệu quả cao nhất trong việc trồng
trọt, chăn nuôi hoặc dịch vụ kinh doanh. Bên cạnh đó, tất cả các hộ được công
nhận sản xuất-kinh doanh giỏi đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của nhà nước; hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân; nhiệt tình
trách nhiệm với các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, hội đoàn thể
phát động; thực hiện có hiệu quả gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc, và luôn
sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ cho bà con lối xóm có hoàn cảnh khó khăn.
Quang
Giác