A+ A A-

Nâng cấp hạ tầng du lịch

Con đường từ cầu Khe Thẻ vào Khu đền tháp Mỹ Sơn vừa được nâng cấp đưa vào sử dụng, trở thành công trình đầu tiên trong kế hoạch đầu tư hạ tầng dịch vụ tại Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2015 - 2020.
 Điểm nhấn những con đường
alt
Với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, con đường nối từ cầu Khe Thẻ vào di tích Mỹ Sơn được thiết kế bê tông nền sơn màu gạch đỏ đẹp như một dải lụa kéo dài gần 2km chạy ngoằn ngoèo dưới tán lá rừng rợp mát. Kể từ khi hoàn thành nâng cấp đưa vào sử dụng, con đường đã trở thành điểm nhấn trên chuyến hành trình khám phá Mỹ Sơn của du khách. Nhiều khách nước ngoài đã không đi xe mà chỉ đi bộ để lang thang cảm nhận không gian linh thiêng của khu đền tháp.

Có thể nói, việc đầu tư nâng cấp con đường vào tháp ngoài đáp ứng nhu cầu vận chuyển còn mang đến cho khách những trải nghiệm khác lạ khi đến Mỹ Sơn. Thực tế, khám phá Mỹ Sơn không chỉ có đền tháp rêu phong mà còn là không gian lắng đọng trên những con đường. Trong đó, mỗi con đường như một hành trình ngược về quá khứ, nơi những dấu tích ngàn năm vẫn chưa phai mờ trên các điêu khắc tượng, đài. Ngoài con đường chính từ cầu Khe Thẻ dẫn vào tháp còn có thể kể đến những lối mòn nội bộ len lỏi qua từng nhóm tháp hay men theo ven suối, trong đó đẹp nhất phải kể đến con đường từ khu Nhà đôi qua các nhóm tháp K, F. “Nếu việc quy hoạch các tuyến đường tham quan Mỹ Sơn hợp lý sẽ giúp du khách có thể chiêm ngưỡng lần lượt các công trình kiến trúc từ đơn giản đến đỉnh cao nghệ thuật với điểm bắt đầu là khu E, F và kết thúc là nhóm tháp B, C, D” - một cán bộ Ban quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn từng tâm sự. Điều này sẽ góp phần tạo ra một không gian mở kết nối kiến trúc đền đài Mỹ Sơn với cảnh quan sinh thái xung quanh. Đặc biệt, thông qua việc nâng cấp con đường chính vào di tích cũng sẽ tạo điều kiện triển khai một dịch vụ du lịch thân thiện môi trường hơn là chuyên chở khách vào tháp tham quan bằng xe điện, hạn chế những tác động của các phương tiện cơ giới vào ra di tích, góp phần bảo tồn khu đền tháp bền vững trong tương lai.

Nâng cấp hạ tầng dịch vụ   

Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn khẳng định, việc nâng cấp đường vào tháp, xây dựng tuyến tham quan mới gắn với những con đường trong khu di tích chỉ là một trong nhiều hạng mục sẽ được đơn vị đầu tư xây dựng trong năm 2015 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch di sản, phấn đấu năm nay sẽ đón 250 nghìn lượt khách, doanh thu 24 tỷ đồng. Để hiện thực điều này, việc tổ chức sắp xếp lại hạ tầng dịch vụ cũng sẽ được nhanh chóng triển khai như xây dựng hệ thống nhà chờ, bãi đỗ xe; dời cổng soát vé, nhà bán vé ra khỏi khu vực Nhà trưng bày (đến gần Bưu điện Mỹ Sơn); bổ sung thêm 10 ô tô điện, mỗi chiếc 12 chỗ ngồi để vận chuyển khách vào di tích. Cùng với đó, cũng sẽ chuyển một số hoạt động dịch vụ ra bên ngoài cầu Khe Thẻ, phát triển các quầy hàng lưu niệm, ăn uống, lưu trú, mở rộng sang bên kia suối. “Tương lai sẽ thiết kế con đường đi qua bên suối để khi khách tham quan xong sẽ đi ra theo đường này” - ông Hộ cho biết. Dự kiến, các hạng mục này sau khi hoàn thành xong vào tháng 7 sẽ giúp mở rộng không gian trải nghiệm và kéo dài thời gian tham quan cho du khách, giải tỏa áp lực di tích, thu hút cộng đồng cùng tham gia, góp phần nâng cao ý thức cho người dân về du lịch cũng như bảo tồn di sản.

Không phủ nhận, phát triển du lịch Mỹ Sơn thời gian qua chỉ mới tập trung tại vùng lõi di tích, việc mở rộng không gian du lịch ra các vùng xung quanh vẫn chưa thể triển khai mạnh mẽ, chính điều này cộng với tình hình sụt giảm khách chung trong cả nước đã phần nào hạn chế sức hút của thương hiệu Mỹ Sơn. Thống kê quý I cho thấy, lượng khách đến Mỹ Sơn đã giảm hơn 4,9% chỉ còn 78.259 lượt, dù qua tháng tư khách có tăng lên nhưng tổng 4 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 102.274 khách, giảm 0,6% so với cùng kỳ. “Để thúc đẩy du lịch Mỹ Sơn phát triển chúng tôi xác định phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng trước sau đó mới có thể đưa thêm vào các dịch vụ du lịch; còn thời điểm này dịch vụ chính vẫn chủ yếu là văn nghệ múa Chăm” - ông Phan Hộ cho biết thêm. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Mỹ Sơn còn rất nhiều việc phải làm nhằm biến nơi đây trở thành một trung tâm tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh. Theo hướng đó, Mỹ Sơn đóng vai trò như một “lâm viên” sinh thái thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch văn hóa gắn với sinh thái, cảnh quan vùng phụ cận. “Phát triển sản phẩm du lịch Mỹ Sơn không chỉ dựa trên những gì sẵn có mà cần mở rộng ra các vùng xung quanh để hình thành nhiều sản phẩm như kết hợp với mô hình làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, leo núi Hòn Đền, tham quan làng quê, làng nghề… để tạo ra hướng đi mới, mang đến cho du khách những trải nghiệm khác lạ đối với điểm đến di sản đền tháp này” - ông Hài khuyến nghị.

VĨNH LỘC

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19822626
Hôm nay
Hôm qua
5188
12811