Việc thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng
Ngãi khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó việc nổ mìn phá đá và bụi
mù mịt ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là tại xã Duy Trinh. Trong khi
đó, giá trị đền bù quá thấp khiến người dân vô cùng bức xúc. Chuyên mục bảo vệ
môi trường là bảo vệ sự sống của mỗi chúng ra tuần này phản ánh.
Nhà dân chi chít các vết nứt do ảnh hưởng từ việc đánh mìn. Ảnh: Thanh Trần.
Hai
ngày qua, hàng trăm hộ dân thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh tạm thời về lại nhà sau
khi kéo vào tập trung tại hầm đường bộ Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi
để cản trở thi công. Nguyên nhân là đơn vị bảo hiểm do chủ đầu tư thuê đưa ra
mức giá đền bù nứt nhà dân trong quá trình nổ mìn thi công hầm quá thấp, chỉ đủ
mua 1 cây kẹo mút. Ông Lưu Thái, ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh chỉ tay lên tường nhà
mới xây cách đây mấy năm, nước mắt chảy dài. Ông cho biết, bất kể sớm, trưa,
chiều, tối, có khi là nửa đêm, đơn vị thi công vẫn cho nổ mìn với lượng thuốc nổ
khá lớn khiến nhà cửa rung chuyển. Người dân bấm bụng chịu đựng vì nghĩ rằng,
đây là công trình trọng điểm quốc gia. Đến khi nhiều người thấy nhà mình bị nứt
ngang, nứt dọc trên tường mới kiến nghị thì chủ đầu tư lại thuê một đơn vị bảo
hiểm kiểm định sơ sài, tự ý đưa ra dự toán bồi thường một cách "định
tính”. Ông Lưu Thái ngậm ngùi: “Nứt hết rồi. Cả nhà tui nứt hết trơn, nếu mùa
mưa bão đến, nhà tui sụp luôn. Mà đền bù chỉ có 500.000 đồng, ai chịu nổi, mà
nhà tui làm 25 triệu đồng. Cho nên, làm sao đền bù cho xứng đáng, không đòi hỏi
là làm 25 triệu đồng phải bồi thường 25 triệu đồng”.
Theo bảng
giá đền bù các hộ dân bị nứt nhà do thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh mà công ty Bảo hiểm PVI tại Đà Nẵng đưa ra lần
đầu, có nhiều hộ được đền bù dưới 50.000 đồng. Cá biệt, hộ ông Lưu Ba được
thông báo mức giá đền bù chỉ có 1.667 đồng. Bà Nguyễn Thị Bảy, vợ ông Lưu Ba
cho biết, khi nhận được thông báo mức giá đền bù do đơn vị bảo hiểm đưa ra, gia
đình bà bị “choáng”. Theo bà Bảy, đền bù như vậy là xúc phạm đến danh dự gia
đình vì mang tiếng là được đền bù nhưng chỉ đủ mua 1 cây kẹo cho cháu. Do đó,
vợ chồng bà Bảy cùng nhiều hộ dân trong xóm kéo vào hầm không cho đơn vị thi
công tiếp tục nổ mìn thông hầm. Bà Nguyễn Thị Bảy không chấp nhận kiểu đền bù
như đùa: “Tôi ăn nhín nhịn thèm làm được cái nhà. Tôi vay 8 triệu đồng, giờ còn
nợ 6 triệu đồng, mà tính đền bù quá tệ”.
Trước phản
ứng của người dân, Công ty Bảo hiểm PVI tại Đà Nẵng đưa ra bảng danh sách tính
toán khắc phục mới đối với các hộ dân thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh. Theo đó,
tổng giá trị dự toán khắc phục cho 110 hộ dân được nâng từ gần 130 triệu đồng
lên hơn 312 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
Duy Xuyên cho biết, quá trình khảo sát nhà dân, huyện có cử cán bộ cùng đi với
Công ty Bảo hiểm PVI. Theo đó, trách nhiệm của huyện là xác định khối lượng,
còn đơn giá đền bù do Công ty Bảo hiểm thực hiện. Sau khi đơn vị bảo hiểm lập
xong dự toán, không gửi cho cơ quan chính quyền cấp huyện và xã kiểm tra trước
khi thông báo cho dân. Mà đơn vị bảo hiểm trực tiếp thông báo cho dân và dân
cho rằng, mức giá đền bù như vậy là quá thấp và không đồng tình. Hiện nay,
huyện đang làm việc với đơn vị thi công và Bảo hiểm để xác định lại mức đền bù
hợp lý cho nhân dân và sẽ họp dân công bố cho dân biết, lấy ý kiến nhân dân”.
Trước những
bức xúc của người dân, ngày 21/5, đơn vị bảo hiểm đã cử người xuống thôn Chiêm
Sơn, xã Duy Trinh kiểm định lại mức độ thiệt hại để đưa ra mức đền bù hợp lý.
Tuy nhiên, những việc làm của Công ty Bảo hiểm trước đó đã ảnh hưởng đến tiến
độ thi công công trình trọng điểm quốc gia này. Sự vô cảm, thiếu trách nhiệm
của đơn vị bảo hiểm và nhà thầu đã gây mất niềm tin trong nhân dân./.