Từ lợi thế của một vùng đất năng động trong quá khứ
và kết quả đạt được trong xây dựng, phát triển quê hương từ sau ngày giải
phóng, Duy Xuyên đã xác định lối đi cho tương lai một cách vững chắc.
Ươm mầm đô thị
Thị
trấn nhỏ bé với những ngôi nhà vàng võ, nhếch nhác tháng năm chỉ còn là ký ức.
Hai dãy phố dài chưa đầy 2km đã bắt đầu tập trung đông đúc cửa hàng kinh doanh
buôn bán, đủ các loại biển hiệu đầy màu sắc và đa dạng hàng hóa. Sự thay đổi âm
thầm thay cho thị trấn buồn tẻ ngày cũ bằng những căn nhà mới xây mọc đầy trên
khu phố chợ, dọc đường ĐT610.
Người
Duy Xuyên vốn lưu dấu trong thân tâm dòng máu đô thị. Lịch sử đã từng ghi lại
rằng khi tuyến đường xe lửa, xe hơi chạy suốt Bắc - Nam hoàn thành từ những năm
1930, nhiều thương nhân ở Thi Lai, Mã Châu, Chợ Chùa, Hà Nhuận, Bàn Thạch, Trà
Nhiêu… đã mở rộng kinh thương ra đến Hà Nội, Sài Gòn, trở thành những chủ nhà
buôn lớn. Tầng lớp tiểu thương, tiểu thủ công ngày càng phát triển. Thị trường
mua bán trong phủ Duy Xuyên nhộn nhịp với những trung tâm mua bán như chợ Chùa,
chợ Vạn, chợ Giỏ, Hàm Rồng, La Tháp… tấp nập hàng hóa lên những thương thuyền
về phố lớn. Hàng lụa, lãnh quê xứ này nổi tiếng đến tận Sài Gòn, Nam Vang,
Hương Cảng và quốc tế. Thời ấy đã có khá nhiều khu công nghiệp mọc lên trên
vùng trung và tây Duy Xuyên với nghề dệt, khai khoáng. Vì thế, chẳng có gì lạ,
khi khu phố chợ mới ra đời, đã kéo nhiều người nhập cư, nhập thị, xây dựng, mở
cửa buôn bán, dù mức giá đất đắt không kém gì các đô thị lớn quanh vùng. Hình
ảnh mật độ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng cỡ lớn có mặt dày đặc trên
các đường phố chính của thị trấn là minh chứng rõ nét nhất cho sự giàu tiềm lực
từ dân chúng và sức hấp thụ vốn lớn của nền kinh tế địa phương trong việc mở rộng
sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - Nguyễn Công Dũng cho hay,
thị trấn Nam Phước sẽ được xây dựng thành một đô thị động lực, phát triển
thương mại, dịch vụ; giảm dần số hộ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi diện tích
canh tác kém hiệu quả sang đất chuyên dùng, đất dân cư và thực hiện các dự án
giãn dân. Chính quyền sẽ chủ động tìm nguồn lực, liên kết đầu tư, kiến thiết hạ
tầng đô thị.
Chọn hướng đi
Sự
nhộn nhịp, sinh động của thị trấn chỉ là một trong những mảng màu sáng của bức
tranh đa sắc Duy Xuyên. Một phác đồ xây dựng đô thị hay phát triển nông thôn
đang được tiến hành. Cơ sở hạ tầng then chốt đủ để cơ bản trở thành một huyện
công nghiệp. Hình ảnh dễ thấy nhất là giao thông đã kết nối thông suốt từ miền
biển lên rừng. Nhà máy, công xưởng mở ra nhiều tại các cụm công nghiệp từ tây
sang đông đến nỗi địa phương không có đủ nhân lực để cung cấp. Hình ảnh mỗi năm
sau tết hàng nghìn thanh niên chen chúc lên những chuyến xe qua thị trấn hành
phương Nam tìm kế sinh nhai đã trở thành hoài niệm. Dự báo cuối năm 2015, tỷ
trọng giá trị các ngành công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp của Duy Xuyên
sẽ là 53 - 35 - 12 với tổng giá trị sản xuất 10.100 tỷ đồng. Ông Nguyễn Công
Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói, ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch
vụ là hướng đi đúng của Duy Xuyên trong vòng 5 năm qua. Định hướng này có thể
kéo dài cho đến năm 2020.
Tương
lai xán lạn của Duy Xuyên là điều không cần phải bàn cãi trước những gì đã thấy
sau hàng loạt đổi thay trên chính mảnh đất này. Kiến giải cho sự thành công của
Duy Xuyên, ông Dũng cho rằng lợi thế của địa phương nhờ đầu tư kết cấu hạ tầng
đồng bộ, giao thông thông suốt. Các vùng đều có đủ đất sạch để thu hút đầu tư.
Tất cả kế hoạch và dự phóng tương lai của vùng đất này đều được triển khai, bám
sát theo chiến lược đầu tư đã được hoạch định. Dự án cầu Cửa Đại sắp thông xe,
cầu Giao Thủy, các tuyến đường Mỹ Sơn - Nông Sơn, Trà Lý - Hòn Tàu sẽ hoàn
thành vào năm 2017, dự báo mở ra nhiều cơ hội phát huy tiềm lực địa phương,
nhất là thương mại, dịch vụ. Sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã
đến lúc chạm trần, nên buộc phải thay đổi nhãn quan phát triển. Theo kế hoạch,
từ năm 2020 trở đi, thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch sẽ trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tất cả dự án, chương trình, ngay cả định
hướng phát triển ngành công nghiệp, nông nghiệp, kiến thiết thị tứ, thị trấn
cũng nhằm phục vụ cho định hướng nền kinh tế xanh này. Tuy nhiên, ông Dũng cũng
thừa nhận, khó nhất của địa phương chính là không biết tìm đâu ra nguồn lực để
thực hiện hóa ý tưởng đầu tư, bởi không bao giờ có đủ mọi cơ chế, chính sách,
nguồn lực và điều kiện cần và đủ để giải bài toán phát triển.
Tâm Ca
T