Vụ hè thu 2015, tình trạng khô hạn, nhiễm mặn có khả năng xuất hiện sớm và kéo dài nhiều đợt. Huyện Duy Xuyên đã chủ động xây dựng các phương án đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Sản xuất vụ mùa gặp khó
Vụ này, ông Nguyễn Viết Sa ở thôn Cù Bàn, xã Duy Châu, xuống giống 2 sào lúa trên cánh đồng Mả Vôi phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ trạm bơm điện Cù Bàn. Nhìn mấy thửa ruộng đã cày phơi ải, ông Sa nói: “Hàng chục năm qua, mỗi khi cần nước đổ ải gieo sạ vụ hè thu thì trạm bơm ấy lại ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng vì dòng chảy trên sông Thu Bồn tụt giảm mạnh và cát bồi lấp nghiêm trọng tuyến lạch chính từ sông vào khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mong sao các cấp sớm đưa ra giải pháp lâu dài để bà con yên tâm sản xuất”. Đâu riêng ông Sa, nhiều hộ dân khác ở địa phương cũng đang thấp thỏm âu lo khi vụ lúa hè thu đã chính thức bắt đầu gieo trồng từ ngày 15.5. Ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho biết, trước đây trạm bơm điện Cù Bàn đảm nhận việc cung ứng nước tưới cho gần 100ha đất lúa và hoa màu ở các thôn Lệ An, Lệ Nam, Cù Bàn, Cổ Tháp nhưng do thường xuyên hoạt động èo uột nên địa phương đành phải cắt 40% diện tích chuyển sang tưới bằng nguồn nước từ hồ chứa Vĩnh Trinh. “Trong 10 ngày qua, trạm bơm đành phải “đắp chiếu” vì mực nước trên sông Thu Bồn xuống quá thấp và con lạch chính dẫn nước vào bể hút bị cát bồi lấp nặng. Chính quyền địa phương khẩn trương lập phương án nạo vét khơi thông dòng chảy” - ông Hải chia sẻ.
|
Nhiều địa phương ở Duy Xuyên tập trung bê tông hóa kênh mương để phục vụ sản xuất hè thu 2015. Ảnh: HOÀI NHI |
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, địa phương hiện có 7 hồ chứa, 25 đập dâng, 40 trạm bơm điện và hàng trăm cây số kênh mương dẫn nước tưới cho hơn 3.800ha lúa, gần 2.000ha hoa màu các loại trong vụ hè thu. Hiện tại, các hồ chứa Thạch Bàn, Vĩnh Trinh, Phú Lộc đều tích đủ nước, sẵn sàng phục vụ sản xuất. Thế nhưng, thời tiết diễn biến bất lợi thì nhiều khả năng sẽ có gần 1/3 diện tích bị khô hạn. Trong đó, đáng lo nhất là hơn 220ha lúa trên các cánh đồng thuộc thôn Trà Kiệu Tây (xã Duy Sơn) và Tĩnh Yên (xã Duy Thu) đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng. Cùng với khô hạn, nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào trạm bơm điện 19.5 ở xã Duy Phước trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, ngoài việc đảm nhận nước tưới cho gần 350ha đất canh tác của địa phương, trạm bơm này còn “gánh” luôn 50ha lúa ở xã Duy Vinh. Ông Ba nói: “Hiện nay, nắng nóng liên tục xuất hiện khiến mực nước sông Thu Bồn và các hồ chứa tụt xuống thấp, khiến nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu vào nội địa”.
Nhiều giải pháp linh hoạt
Suốt một tháng qua, với nguồn kinh phí tỉnh cấp hơn 300 triệu đồng, huyện Duy Xuyên huy động tối đa phương tiện, máy móc đắp đập bổi ngăn mặn tại Cầu Đen nhằm đưa nước ngọt vào sông Bến Giá để đảm bảo nguồn nước cho trạm bơm Xuyên Đông (Nam Phước) hoạt động. Qua đó, chủ động phục vụ tưới cho 600ha lúa của 2 xã Duy Phước, Duy Vinh và thị trấn Nam Phước. Cạnh đó, trạm bơm Xuyên Đông cũng hỗ trợ tưới cho hàng trăm héc ta lúa, hoa màu khác thuộc trạm bơm điện 19.5 và 2.9. Theo phương án đã lập, trường hợp mặn xâm nhập sâu vào trạm bơm 19.5 thì Chi nhánh Thủy lợi Duy Xuyên sẽ đưa nước từ trạm bơm Xuyên Đông xuống sông Đào. Đồng thời nạo vét và tu sửa, bảo dưỡng trạm bơm chống hạn Cầu Thấn để bơm nước trực tiếp lên kênh chính 19.5. Ngoài ra, địa phương cũng chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để lắp đặt một số trạm bơm lưu động phục vụ tưới cho những vùng cuối kênh. Khi các đập dâng cạn kiệt nguồn nước, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất - kinh doanh tổng hợp Duy Sơn 2 sẽ tiến hành lắp đặt các máy bơm dã chiến tại khu vực Ba Truông ở thôn Chiêm Sơn và đào đắp 300m kênh mương nhằm tưới bổ sung cho các diện tích lúa tại 3 cánh đồng Hóc Khóm, Hóc Dung, Đồng Thị; sử dụng nguồn nước từ hồ chứa Phú Lộc chống hạn cho những diện tích lúa đang phụ thuộc vào đập Đồng Quảng, Đồng Eo, Cây Da…
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, địa phương đã chi gần 1,2 tỷ đồng để phục vụ cho công tác chống hạn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp huyện cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại tất cả phương án và nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống hạn; phân công cán bộ đứng điểm ở những vùng nguy cấp để chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp đối phó. Ngoài ra, huyện cũng hướng dẫn nông dân chuyển đổi một số diện tích đất canh tác lúa khó khăn về nưới tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, tập trung vận động bà con nông dân ra quân đắp bờ, phát dọn kênh mương thông thoáng để tránh tình trạng thất thoát nguồn nước tưới”.
Hoài Phi.