Nhờ những định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết trong nhân dân, hành trình đi lên đô thị loại IV của thị trấn Nam Phước đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng…
Mảnh đất thị trấn Nam Phước hiện nay còn lưu dấu cây đa làng Mỹ Xuyên Đông hơn 500 năm, gắn với tên tuổi Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công, sách sử còn lưu danh triều Nguyễn ban tặng 32 đạo sắc phong. Tại khối phố Long Xuyên 1 còn có hai trụ cổng và nền móng của Văn Thánh gắn liền với khoa bảng tiến sĩ Lê Thiện Trị, người đỗ đầu khoa thi Hội lục tỉnh năm Mậu Tuất 1838. Thời đương đại, vùng đất được bao bọc bởi sông mẹ Thu Bồn, sông Bà Rén, vẫn ghi đậm mốc son lịch sử chói lọi làng Tân Mỹ Đông, nơi 85 năm trước Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời, là tiền thân của Đảng bộ huyện Duy Xuyên ngày nay cùng nhiều chiến công lừng lẫy. Ngoài ra, phù sa nhiều con sông bồi đắp Nam Phước thành một vùng đồng bằng trù phú, màu mỡ với đường giao thông thủy bộ vô cùng thuận lợi, là điểm giao lưu kinh tế, văn hóa với mọi miền. Tuy nhiên, so với Vĩnh Điện (Điện Bàn) hay Ái Nghĩa (Đại Lộc) thì tốc độ đô thị hóa ở Nam Phước vẫn còn chậm. Gương mặt phố thị chỉ loáng thoáng dọc quốc lộ 1, dọc tỉnh lộ ĐT610 nhưng còn ngổn ngang. Chính vì vậy, cách đây 5 năm, Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ thị trấn Nam Phước lần thứ XIII đều xác định quyết tâm hoàn thành cơ bản các tiêu chí của một đô thị loại IV vào cuối nhiệm kỳ. Kể từ đó, bằng những bước đi chắc chắn trong việc đầu tư, quản lý đô thị, Nam Phước đã dần vươn mình.
Hình hài một đô thị trẻ đã dần hiện ra. Ảnh: THÀNH SỰ
Giờ đây, trên hành trình thiên lý Bắc - Nam qua Nam Phước, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khu phố chợ bề thế, hiện đại mọc lên tạo điểm nhấn cho đô thị. Cũng từ đó, người dân địa phương bắt đầu làm quen, chào hỏi nhau bằng tên đường, tên phố. Ông Văn Bá Thanh - Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, quy hoạch, định hướng đô thị loại IV cũng là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Theo đó, không gian thương mại sẽ tập trung ở chợ Nam Phước, đô thị trọng tâm được phát triển tại khu vực điểm giao đường dẫn cầu Bà Rén với quốc lộ 1, phát triển hỗn hợp, theo các trục phát triển thương mại, dịch vụ văn hóa. Không gian cảnh quan ven sông Thu Bồn, Cầu Chìm, Bà Rén sẽ được kết nối bằng tuyến đường từ chân cầu Câu Lâu cũ về phía Cầu Đen đến Cầu Chìm rồi đi dọc vùng đất ven sông gắn liền các khu dân cư đô thị với đặc điểm làng xóm, nhà vườn, khu công viên trung tâm, khu vườn hoa ven sông, khu vực phát triển du lịch… Đó chính là sự khác biệt riêng có của đô thị Nam Phước. Ông Thanh nói: “Đến thời điểm này, Nam Phước đã đạt 73,25/100 điểm của 49 tiêu chí đô thị loại IV. Địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản đáp ứng các tiêu chí là đô thị loại IV”.
Theo ông Trịnh Sơn Hải - Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước, xây dựng đô thị phải đặt trong sự phát triển của các địa phương lân cận, trong mối quan hệ liên kết vùng để tạo cơ sở định hướng mở rộng không gian đô thị và hỗ trợ nhau trong xây dựng, phát triển. “Việc đưa Nam Phước trở thành đô thị loại IV không phải bất chấp tất cả, không phải biến một vùng đất trở thành khối bê tông khổng lồ, khô cứng mà phải đặt trong không gian hài hòa, đó là không gian xanh, sạch, văn minh, hiện đại; gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, người dân thị trấn phải có nếp sống văn hóa đô thị” - ông Hải chia sẻ.