Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước, có một lớp thanh niên Duy Xuyên đã coi tương lai của dân tộc là tương lai của chính mình, sẵn sàng dấn thân chấp nhận hy sinh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước. Những chàng trai, cô gái tuổi đời mười chín, đôi mươi ngày ấy, bây giờ đã ở cái tuổi ngũ tuần, thế nhưng họ vẫn không ngừng cống hiến, truyền lửa cho con cháu đời sau về một lý tưởng mà họ đã dành cả thanh xuân và sự sống của mình để theo đuổi.
Các cựu chiến binh, thanh niên xung phong và thanh niên huyện Duy Xuyên chia sẻ câu chuyện xưa và nay. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Ký ức không quên
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Duy Nghĩa, ông Lê Thưởng (hội viên Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên) đã sớm nhận ra lý tưởng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Tham gia du kích địa phương từ năm 1945 và trở thành cán bộ hoạt động bí mật tại cơ sở khi tuổi đời vừa tròn 20, ông tích cực cùng những cán bộ kiên trung xây dựng phong trào cách mạng ở cơ sở. Năm 1958, khi bị chỉ điểm, địch bắt ông về giam giữ tại chùa Bà Giám, nay là nhà văn hóa Thọ Xuyên, xã Duy Châu. Đối đầu với địch là những đòn roi, thế nhưng ông vẫn không chịu khuất phục, bởi ông hiểu rõ rằng khi ông khuất phục thì căn cứ cách mạng sẽ bị lộ và đồng chí, đồng đội của mình sẽ bị bắt, cách mạng sẽ không thành. Ông Lê Thưởng kể: “Khi đó địch đánh từ tối đến sáng, rồi đổ nước xà phòng, bẻ sườn non và dùng mọi hình thức tra tấn. Nó treo bác lên xà gồ đánh mấy bác cũng không khai. Xã Duy Nghĩa lúc bấy giờ cơ sở bị lộ rất nhiều, chỉ còn rất ít cơ sở hoạt động nên bác bác thà chết chứ nếu khai ra sẽ không bảo tồn được cơ sở”.
Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, khi ấy ông Huỳnh Quang Trung (Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong huyện Duy Xuyên) được giao nhiệm vụ làm liên lạc. Trong ký ức của mình, ông Trung vẫn nhớ mãi những ngày gian khổ bom, đạn ác liệt. Có khi ăn không đủ no, nước không đủ uống, phải ăn chồi non của cây để lấy sức chống những trận càn dữ dội của địch lên đất Gò Nổi - Điện Bàn. Gần 5 năm tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Trung - Tây Nguyên, đến năm 1972 ông Trung được chuyển về công tác tại Tổng đội Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi làm công tác vận chuyển, mở đường. Công việc càng trở nên khó khăn, gian khổ hơn khi vào giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông Huỳnh Quang Trung chia sẻ, trên đường chuyển hàng từ hậu cứ ra phía trước cho bộ đội, việc ăn ở của thanh niên xung phong rất khó khăn, gian khổ. “Thời đó chiến tranh rất ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, có điều, anh em thời đó đều là trai trẻ nên rất lạc quan yêu đời, gian khó thì cùng nhau chia sẻ, khi qua gian khó thì cùng nhau ca hát vơi bớt đi gian khổ, giúp chúng tôi phục vụ cho đến ngày thắng lợi” - ông Trung nói.
Công trình cho đời sau
Hòa bình lập lại, ngoài góp sức xây dựng quê hương, ông Huỳnh Quang Trung vẫn tiếp tục hành trình làm sáng tỏ cái chết uất ức của 37 đồng bào chiến sĩ trong cuộc thảm sát Vĩnh Trinh vào đêm 28 tháng Chạp cận Tết Ất Mùi năm 1955. Tìm về với những nhân chứng hiếm hoi trong vụ thảm sát, câu chuyện lịch sử dần được ông Trung làm sáng tỏ. Đó là một kế hoạch vô cùng thâm hiểm và tàn bạo của bọn Quốc dân đảng nhằm đàn áp những cán bộ cơ sở cách mạng ở Duy Xuyên. Ông Trung cho hay, để làm sáng tỏ vụ thảm sát, ông tìm đến thân nhân các gia đình có người hy sinh lần đó, đồng thời kiểm chứng sự việc qua lời kể của một chiến sĩ đã may mắn trốn thoát và câu chuyện của người trực tiếp hành quyết các chiến sĩ của ta. Việc làm sáng tỏ vụ thảm sát góp phần để sau đó xây dựng nên Tượng đài tưởng niệm thảm sát Vĩnh Trinh. Công trình như lời nhắn nhủ thế hệ hôm nay phải làm gì để giữ gìn giá trị bằng xương, bằng máu các liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập hôm nay.
Để có nước tưới mỗi năm cho các xã khu tây huyện Duy Xuyên và phòng lũ, giảm thiểu tác hại từ thiên tai, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, năm 1983 ông Lê Thưởng được giao nhiệm vụ làm chỉ huy trưởng công trình xây dựng đập Thạch Bàn (xã Duy Phú). Bằng sức người, ông Thưởng cùng đồng đội của mình đã xây dựng thành công đập Thạch Bàn chỉ trong thời gian ngắn. Ông Lê Thưởng chia sẻ, đất ở đập Thạch Bàn chủ yếu là đá tảng lớn, thời đó ông và đồng đội phải đục lỗ và đưa thuốc nổ đánh từng lớp đá, có vị trí sâu hơn 10m. “Điều kiện không như bây giờ, chủ yếu là làm thủ công, thế nhưng anh em làm rất nhiệt tình. Chúng tôi đã hoàn thành công trình trước tiến độ và kinh phí cũng giảm hơn nhiều” - ông Thưởng cho hay.
Truyền lửa cách mạng
Hơn 40 năm sau ngày đất nước giải phóng, những công trình mà ông Trung, ông Thưởng góp công xây dựng vẫn tồn tại như một minh chứng lịch sử, một thành quả lớn mà các ông cùng đồng chí, đồng đội của mình để lại cho đời sau. Hôm nay đây, những người lính năm xưa dù đã tuổi cao những vẫn miệt mài cống hiến sức lực của mình cho công cuộc xây dựng quê hương Duy Xuyên. Đối với thế hệ trẻ, ông Huỳnh Quang Trung nhắn nhủ: “Bây giờ đã có độc lập tự do rồi thì phải quý trọng điều đó, đừng ngủ quên mà để mai một ý chí giữ gìn độc lập tự do, như thế sẽ bị kẻ thù lấy đi dễ dàng. Phải biết quý trọng, giữ gìn vĩnh viễn cho thế hệ đời sau. Phải tích cực ra sức học tập, đặt biệt là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta”.
Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên - anh Phan Tự cho hay, từ sự dìu dắt của lớp lớp thế hệ đi trước đã tạo cho thế hệ trẻ hôm nay một môi trường thuận lợi để phát triển. Với những tiền đề quý giá đó, người trẻ hôm nay sẽ viết tiếp những trang sử hào hùng của thế hệ cha ông, góp sức trẻ xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh và kỳ vọng của cha ông đi trước.
THÁI CƯỜNG