Biến cố của thuở ấu thơ cướp đi của Phi một chân, nhưng không ngăn được anh bước tiếp cuộc đời mình. Những ngã rẽ đã đi qua, Phi chọn, như một cách trả lời cho chính mình câu hỏi: mình có thể làm được gì? Anh học được cách đứng vững dù chỉ còn một chân, đón nhận những chông gai bằng khao khát sống và một niềm tin tươi trẻ…
Phi dựng và đăng tải video clip lên mạng bằng máy tính cũ trước đây dùng để thu âm. Ảnh: T.C
1. Có vô số những ngập ngừng trong câu chuyện giữa tôi và Lương Phi, chàng thanh niên 29 tuổi ở khối phố Xuyên Tây (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên). Phi hay cười, nhưng đôi lúc, cách anh cười thay cho câu trả lời vẫn phảng phất chút gì trầm lặng. Mà thật. Phi kể, về chuyến đi dài từ Đà Nẵng trở về quê sau ngày tốt nghiệp bằng chiếc xe đạp cà tàng cứ đi một đoạn là tuột xích, rồi sau đó là công việc tạm bợ tại một tiệm in quảng cáo ở quê nhà. Tấm bằng trung cấp công nghệ thông tin không giúp được gì nhiều cho Phi, anh nghỉ, về nhà tìm một cơ hội khác.
Niềm tin mở ra cho chàng trai trẻ, khi anh được nhận vào làm kỹ thuật viên tại một phòng thu âm, sau đó thì được giúp đỡ để có hẳn một phòng thu riêng cho mình. Năm năm dài, di chuyển nhiều địa điểm từ Hội An ra Đà Nẵng, anh lặng thầm với công việc phòng thu âm, tìm niềm vui và có thêm thu nhập, dù ít ỏi. “Đó là quãng thời gian tương đối ổn, nhưng cũng là lúc em thu mình lại nhất, sợ người khác nhìn thấy khiếm khuyết của mình. Từ cấp hai, khi đã mang máng nhận ra được sự khác biệt của mình với bạn bè, cũng là lúc niềm mặc cảm trong em lớn dần. Em mang chân giả, đeo tất cả ngày lẫn đêm, đến khi đi ngủ mới tháo ra vì sợ người ta nhìn thấy. Phòng thu giúp em có được tiền để trang trải, thi thoảng cũng dành dụm được đôi ba đồng, nhưng ngày này qua tháng khác trốn trong phòng thu, em thấy mình hoang phí tuổi trẻ, hoang phí khát khao. Cuộc đời dạy cho em mạnh mẽ, em đã đi qua được chừng ấy năm, và bây giờ, là lúc mình phải khác” - Phi nói. Dấu mốc mà anh chọn là năm 2018, khi Phi quyết định rời Đà Nẵng, về lại quê nhà.
Dù mất đi một chân nhưng Phi vẫn có thể đá bóng, đá cầu, bơi lội, trèo cây như nhiều người. Ảnh: T.C
Những đoạn đời vụt qua trong câu chuyện kể của Phi như cố giấu đi khoảng lặng của riêng anh sau bao trắc trở. Gia cảnh khó nghèo càng làm nỗi tự ti thêm dai dẳng. Nhưng trong chính những ngày tuyệt vọng nhất, Phi tìm thấy một nguồn sức mạnh thôi thúc bên trong chính con người mình. Từ nhỏ, dù mất một bên chân, nhưng Phi đến trường, đi học và chơi đùa y hệt bạn cùng trang lứa, món gì cũng “triển” được, từ đá banh, đá cầu, bơi lội… Như một thứ bản năng sinh tồn mạnh mẽ, anh tìm cách tự lập, tự làm mọi thứ. Mất một chân lấy đi của Phi nhiều cơ hội, nhưng bù lại, dạy cho anh cách kiên cường với những thử thách. Hơn thế nữa, nó còn giúp anh có thêm niềm tin để đối diện những thử thách mới cho chính mình, mỗi ngày. Đó là khi Phi mày mò tìm hiểu về Youtube, về cách kiếm tiền từ việc sản xuất những video clip trên mạng (youtuber - người làm video cho Youtube).
2. Công việc khá mới mẻ này xuất hiện khi Phi còn làm phòng thu âm. Anh thu nhạc cho khách, sau đó đăng tải những đoạn ghi âm bài hát lên Youtube. Có được khoản thu nhập đầu tiên chừng vài chục USD, chàng trai trẻ bắt đầu quan tâm hơn với công việc này, bắt đầu gia nhập những hội, nhóm chuyên về kiếm tiền bằng Youtube để học hỏi. Hè năm 2018, khi đã trở về nhà, Phi bắt đầu sản xuất những video clip đầu tiên. Anh nhờ một người bạn quay lại hình ảnh của mình, bằng điện thoại, và đăng tải lên facebook. Chọn tên gọi “Thánh một chân” theo một trào lưu của Youtube, những video clip ban đầu là hình ảnh về cuộc sống đời thường, những trải nghiệm của chính anh ở làng quê. Lâu dần, anh đặt ra nhiều thử thách hơn, thực hiện những clip công phu hơn về các món ăn đặc sản địa phương do mình tự làm, hoặc những trải nghiệm “khó nhằn” hơn như trèo cây, hít xà đơn, tập tạ, sinh tồn trong rừng…
“Gần 6 tháng trời đeo đuổi việc làm video, chưa đủ những điều kiện nghiêm ngặt của Youtube để có thể kiếm tiền, người trong nhà cũng hoài nghi về công việc mà em đang làm, chưa kể những lời đàm tiếu, dị nghị của hàng xóm về mình đôi lúc cũng làm lòng chùng xuống. Nhưng em lỳ lắm, những điều em tự đặt ra cho mình, từ việc nhỏ đến việc to, đều phải tự dặn lòng mình làm cho bằng được. Làm youtuber cũng vậy. Ở Quảng Nam , số người kiếm được tiền từ Youtube đếm trên đầu ngón tay. Đây là công việc khá mới, và vì thế cũng khá khó, phải kiên trì tìm hiểu, học hỏi, tự làm mới mình để thu hút được người xem. May mắn là gần đây em được một người anh đồng nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều về kinh nghiệm, cách tương tác, đồng thời giới thiệu em trên mạng xã hội để có thể tiếp cận với nhiều người hơn. Khác biệt lớn nhất của em, tới thời điểm hiện tại, là chọn cách sống khác, cách nghĩ khác. Từ chỗ thu mình với những mặc cảm, em xác định phải bước ra, phải sống với chính khiếm khuyết và biến nó thành một dấu ấn của riêng mình. Đó cũng là bài học lớn của cuộc đời mà em học được, kể từ khi chọn lựa công việc này” - Phi bộc bạch.
Tôi để ý, khi kể về công việc hiện tại, ánh mắt của chàng trai trẻ thoát hẳn khỏi vẻ ngại ngùng của lúc đầu gặp mặt. Phi say sưa kể về những kỷ niệm của mình khi thực hiện những trải nghiệm, như lần đầu tiên đi vào chợ… xin tiền mang cho một hoàn cảnh khó khăn, hay lúc cùng bạn vượt hơn 100 cây số ra thăm trường hợp cậu bé “người rừng” ở Huế. Không chỉ là chuyện “ăn, chơi, giải trí” như thường thấy ở những youtuber, Phi có những chuyến đi để sẻ chia, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn mà anh biết. Làm từ thiện, cũng là một cách để Phi vượt qua được mặc cảm của chính mình, tự tin hơn trong giao tiếp. Dù, như anh thành thật, là tới thời điểm hiện tại, kênh Youtube “Thánh một chân” chỉ mới mang về những đồng thù lao đầu tiên sau gần một năm ròng.
3. Phi lấy vợ vào năm 2016, một cô gái cùng quê, hiểu anh từ những dòng tâm sự qua mạng internet đến khi gặp rồi thương. Anh nói, vợ và gia đình vợ đã sẻ chia với anh rất nhiều, luôn động viên và giúp đỡ để anh theo đuổi với công việc mới. Khó khăn vẫn chưa hết. Phải tự mình lên ý tưởng, thực hiện, nhờ người quay video, tự dàn dựng và tìm cách quảng bá kênh Youtube của mình, thay cho một “ekip” chuyên nghiệp như những youtuber khác vẫn làm. Chuyện anh kể, làm tôi nhớ đến Pi, nhân vật trong quyển “Cuộc đời của Pi” của Yann Martel: “Có nhiều người trong số chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một tiếng thở dài. Những người khác chiến đấu chút đỉnh rồi mất hy vọng. Nhưng một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những thất bại phải chịu, bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến tận cùng”. Phi cũng đã bước đi bằng quyết tâm đó, bằng khát khao sống và niềm tin yêu ở cuộc đời. “Làm Youtube mang lại cho em ba điều: thay đổi thái độ sống, có thêm thu nhập, và được sẻ chia nhiều hơn, mang niềm tin và cảm hứng của mình đến với những người cùng cảnh ngộ. Mọi việc đến với em, không bao giờ diễn ra như em vẫn tưởng, nhưng biết làm sao được. Cái gì xảy đến, mình phải đón nhận và chỉ còn cách làm cho nó tốt đẹp nhất, với mình” - Phi tâm sự.
Tôi dành những phút cuối của buổi gặp, để hỏi về biến cố của Phi. Anh lục mớ giấy tờ, lôi ra hai tờ báo. Một tờ Công an Quảng Nam - Đà Nẵng và một tờ báo Quảng Nam - Đà Nẵng, xuất bản tháng 5.1993, kể về câu chuyện đau lòng ngày Phi mới lên 3 tuổi. Một gã tâm thần ở cùng xóm tìm vào nhà em khi cả nhà đang ngủ trưa, sau đó dùng rựa tấn công em, chị gái và mẹ khi đó đang mang bầu em út. Cả ba mẹ con thoát chết thần kỳ nhờ được đưa đi Đà Nẵng cứu chữa tích cực, nhưng riêng Phi, do vết thương bị hoại tử, bác sĩ buộc phải tháo hẳn một bên chân tới tận bẹn. Cuộc đời của em đã khác, từ cái ngày định mệnh ấy. Nhưng, như một quy luật, điều gì không giết chết được mình, chỉ càng làm mình thêm mạnh mẽ. Mạnh mẽ giữa bão dông và những thử thách, như cách Phi đã chọn đứng lên ngay từ khiếm khuyết của mình…
Trong ngôi nhà nhỏ không xa chợ Đình (khối phố Xuyên Tây), có một ước mơ không tắt, bên đời!
Ghi chép của THÀNH CÔNG