Nếu ai đã từng rời xa quê hương Nam Phước, nay có dịp trở về thì không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt ở nơi đây. Một vùng đất có diện tích hơn 15km vuông màu mỡ, trù phú nay đã phát triển rõ nét. Nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống giao thông có điện thắp sáng được mở rộng và bê tông hóa hầu hết khắp tận đường làng ngõ xóm. Trường học, trạm y tế, các cơ sở hạ tầng giờ đây đã khang trang, bề thế. An ninh quốc phòng, đời sống nhân dân được đảm bảo, một số khối phố đã được lắp đặt camera góp phần giữ vững an toàn làng xóm. Đặc biệt khu phố chợ Nam Phước là một điểm nổi bật cho chúng ta thấy kinh tế của thị trấn Nam Phước đã phát triển rất mạnh mẽ.
Nhìn sự chuyển mình của thị trấn, nhìn sự nhộn nhịp của quê nhà, mỗi người dân nơi đây rất đỗi tự hào. Bởi vì qua những năm tháng dài nghiệt ngã, cha ông ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, chống chọi với thiên nhiên, chống chọi với kẻ thù xâm lược để giữ vững từng bờ tre, từng cánh đồng, từng tấc đất của quê hương. Máu của nhân dân, máu của những người chiến sĩ kiêu hùng ở nơi đây đã đổ xuống để tô thắm màu cờ cho Tổ quốc vinh quang.
Nói đến Nam Phước là nói đến quê hương, nói đến chiếc nôi của truyền thống cách mạng với lòng yêu nước nồng nàn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nơi đây là đặc khu căn cứ cách mạng, cán bộ và nhân dân Nam Phước đã kiên cường bám trụ, đánh địch giữ làng, tạo nên những chiến công vang dội, những thành tích oai hùng. Một trong những căn cứ cách mạng nổi tiếng mà mọi người dân Nam Phước đều biết đến đó là Di tích Đình Đông.
Làng Đình Đông có từ rất lâu đời, Đình Đông là tên gọi tắt của làng Phụng Châu Đông gắn với ngôi đình nằm ở giữa làng.
Làng nằm trên một khu đất màu mỡ, bằng phẳng và cao ráo, quanh làng cây cối um tùm, con sông Bà Rén chạy dọc theo bờ nam của làng cung cấp nước để bà con thời bấy giờ tưới tiêu ruộng đồng, tắm rửa, giặt giũ...Dòng sông này cũng là hệ thống giao thông đường thủy giữa Đình Đông với các làng lân cận: Tân Mỹ, Mỹ Long. Nơi đây bà con nhân dân quây quần làm ăn sinh sống, chủ yếu là nghề nông, trồng lúa, chăn nuôi, đánh bắt cá....
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, từ những năm 1936- 1939, Đình Đông đã trở thành nơi tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền đường lối của cách mạng, của Đảng, hướng dẫn nhân dân đấu tranh đòi lại sự bình đẳng, đòi lại sự tự do, cơm áo, hòa bình. Theo lịch sử của Đảng bộ Duy Xuyên do Phòng Văn hóa và Thông tin lưu giữ, vào tháng 3 năm 1940, tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập, đồng chí Võ Toàn ( Võ Chí Công) làm bí thư, ông nhận nhiệm vụ về Duy Xuyên trực tiếp đứng điểm ở các xã trong phủ để xây dựng cơ sở cách mạng. Và cũng vào thời điểm này, sau khi ở tù về, đồng chí Trương Chí Cương đã tổ chức và thành lập chi bộ Phụng Tây- Long Xuyên, đồng thời giữ chức vụ bí thư. Làng Đình Đông vẫn tiếp tục được chọn làm địa điểm liên lạc, kết nối từ vùng Tây đến vùng Đông cả huyện Duy Xuyên.
Mặc dù chỉ có tám hộ dân sinh sống, nhưng bà con Đình Đông đã hết lòng che giấu, chắt chiu nuôi dưỡng, bảo vệ các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của ta một cách an toàn. Đình Đông cũng trở thành căn cứ luyện tập võ nghệ, là nơi đêm đêm diễn ra các buổi diễn thuyết về đường lối đấu tranh chống giặc bảo vệ xóm làng của cán bộ ta, và Đình Đông cũng nhanh chóng hòa nhập với cả Nam Phước để đấu tranh cướp chính quyền trong cao trào Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Đình Đông là nơi sinh hoạt của nhân dân, của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân làng Phụng Tây. Nơi đây cũng mọc lên các lớp bình dân học vụ, là địa điểm tuyên truyền đường lối cách mạng, là nơi để nhân dân tập trung đóng góp gạo thóc, tiền của, lương thực. nuôi quân. Và chính nơi này cũng là địa điểm tập kết bí mật của thanh niên chuẩn bị lên chiến khu tham gia cách mạng. Trong những ngày tháng gian khổ này, người dân Đình Đông vừa lao động sản xuất để tự lo miếng cơm manh áo, vừa là chỗ dựa ấm áp vững chắc cho những người yêu nước muốn tìm về với cách mạng, và cũng là vành nôi yêu thương, ngọt ngào của các chiến sĩ lỡ bước hoặc lạc đường.
Sau khi Hiệp định Giơ- ne- vơ được kí kết, hòa bình lập lại, nhân dân Đình Đông bị bọn Mỹ Diệm đàn áp dã man. Chúng đã bắt và tra tấn những người tham gia kháng chiến cũ và những người chúng nghi tham gia hoạt động cho cách mạng. Nhưng với tinh thần bất khuất kiên cường, được các chiến sĩ cách mạng hướng dẫn, chỉ đạo, bà con Đình Đông vẫn giữ vững phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, giữ yên làng xóm. Trong những năm chống Mỹ ác liệt nhất, Đình Đông vẫn là nơi giữ vai trò quan trọng trong việc liên lạc của các du kích, cán bộ của cả tỉnh Quảng Nam. Nơi đây là điểm dừng chân, là điểm hẹn để gặp gỡ, tổ chức các cuộc họp, bàn bạc các nội dung quan trọng về các chiến lược đấu tranh chống lại Mỹ Diệm.
Bà Phạm Thi Lợi thương binh loại 1
Dẫu chiến tranh đã qua đi gần 45 năm nhưng người dân Đình Đông vẫn nhớ rõ mồn một trận đánh ác liệt giữa ta và địch vào trung tuần tháng 5 năm 1967. Bà Phạm Thị Lợi năm nay đã 74 tuổi, đang sinh sống tại tổ 3 khối phố Phước Xuyên, là chiến sĩ du kích và là thương binh nặng 1/4, được gặp gỡ với bà, tôi nhìn thấy niềm tự hào trong đôi mắt sáng ngời của bà về sự chiến đấu ngoan cường của bộ đội ta trong trận chiến Đình Đông. Cụ Trịnh Quảng là người cao tuổi của khối phố Phước Xuyên, năm nay 93 tuổi, tuy vóc người nhỏ bé nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn, hoạt bát. Hiện nay cụ đang sống tại tổ 5 khối phố Phước Xuyên, cụ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại trận đánh diễn ra ở Đình Đông. Cụ kể rằng: “ Ngày hôm ấy, dưới đất thì địa pháo 105 li của địch khắp nơi ở Núi Quế, Cẩm Hà, Ái Nghĩa... nã về đây liên tục, còn trên trời thì máy bay trút bom na-pan dồn dập, bãi tre ven mương Tẩn bị vùi lấp hết xuống hố sâu, thế mà bộ đội của ta vẫn chống trả quyết liệt, anh dũng, kiên cường.
Miếu thờ di tích Đình Đông
“Trận địa thép Đình Đông” (Bài viết của ông Đoàn Xoa) đã làm nức lòng nhân dân, người dân Đình Đông càng tin tưởng hơn vào cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của dân tộc ta. Chính vì lẽ đó mà người dân Đình Đông hết lòng tin yêu các chiến sĩ, cán bộ cách mạng, họ đã không tiếc máu xương, cống hiến công sức tiền của, kể cả những người thân yêu nhất của mình cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Lê Thám, hiện nay là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khối phố Long Xuyên 1, ông được sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống cách mạng tại làng Đình Đông. Ông cho biết, tại Đình Đông có 7/8 gia đình có người tham gia cách mạng. Gia đình ông Trịnh Tới có hai người con là liệt sĩ, đó là ông Trịnh Bé và Trịnh Ân, hiện còn một người con đang sinh sống tại Phước Xuyên, đó là ông Trịnh Trường Tuấn. Gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Sáo có bốn người con đều hi sinh, đó là các Liệt sĩ: Lê Mưu, Lê Chút, Lê Chước và Lê Thị Lai. Ngoài ra còn có gia đình ông Trịnh Võ, ông Phan Chính, ông Trịnh Nhứt, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Luận cũng đã cống hiến cho đất nước những người con trung dũng, kiên cường, họ đã ngã xuống các chiến trường trên mọi miền đất nước. Họ là những liệt sĩ, những chiến sĩ anh hùng, là niềm tự hào của gia đình, của làng Đình Đông, của nhân dân thị trấn Nam Phước. Ông Phan Xuân Hảo, ông Nguyễn Triều là những trí thức yêu nước sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, các ông đã đóng góp không ít công sức cho sự nghiệp cách mạng quê nhà.
Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho bảy mẹ ở Đình Đông. Hằng năm, các tổ chức, các đoàn thể đã đến thăm hỏi ân cần thân nhân của các gia đình ở nơi đây. Ngày 18 tháng 01 năm 2001, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 302/QĐ-UB về việc Bảo vệ quản li Di tích Đình Đông, do bà Hồ Thị Thanh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kí. Đến ngày 21/11/2005, Đình Đông được nhận Bằng xếp hạng Di Tích cấp Tỉnh: Di tích Lịch sử- Chiến thắng Đình Đông do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc kí. Nhân dân thôn Phước Mĩ 2 trước đây, nay gọi là Phước Xuyên, đã trùng tu lại ngôi đình của làng Đình Đông để thờ tự, hương khói các chiến sĩ, bộ đội đã hy sinh ở nơi này. Ông Lê Thám cũng cho biết, hiện nay Nhà nước đang cấp kinh phí để UBND thị trấn Nam Phước tiếp tục nâng cấp, trùng tu, xây dựng “Bia tưởng niệm Đình Đông” theo nguyện vọng của bà con nhân dân Nam Phước.
Chiều 15/8/2019 vừa qua, tôi đến thăm Di tích Đình Đông, tôi may mắn gặp ông Trần Siêm là người dân của địa phương đang thắp nhang trong ngôi đình. Tôi vô cùng xúc động và hi vọng nguyện ước của bà con, nhân dân Đình Đông nói riêng, toàn thị trấn Nam Phước nói chung sớm được thực hiện để Đình Đông là điểm nóng, là địa chỉ Đỏ cho các thế hệ con cháu hôm nay, mai sau và mãi mãi ghi nhớ, học tập, rèn luyện, tiếp tục truyền thống quý báu của cha ông, góp phần xây dựng thị trấn Nam Phước vững mạnh, trở thành đô thị loại IV vào năm 2020 và Đình Đông là di tích lịch sử cách mạng- là địa chỉ đỏ cho bao thế hệ tìm về.
Lê Thị Lý- Khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước