1-Kazik được mọi người tụng xưng là chàng hiệp sỹ của những tháp Chàm. Điều ấy quả không sai, bởi như ta biết từ năm 1981 kiến trúc sư Kazik là một trong số những người đầu tiên vào tháp Mỹ Sơn hoang vu. Trong đoàn của ông có 8 người Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại do đụng mìn, thiếu thốn, gian khổ, bệnh tật…đến năm 1991, tức 10 năm sau, Hiệp định Văn hóa Việt Nam- Ba Lan kết thúc, chỗ dựa “hành chính” cuối cùng cho lao động của ông không còn, nhưng ông vẫn tình nguyện bám trụ, miễn sao được sống cùng những ngôi tháp. Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ bộc bạch, nhiều mùa đông buốt giá ông vơ lá, bẻ cây đốt sưởi đằng đẵng đợi bạn bè quyên góp tiếp tế đồ ăn, để người hiệp sỹ không một xu thù lao trụ lại Việt Nam đeo đuổi các cuộc trùng tu những di tích trên dải đất miền Trung. Bằng trái tim mình, Kazik lắng nghe tiếng vọng từ mỗi phế tích, từ lòng đất sâu…ông như người cầm ngọn đuốt soi, làm hiện lên những khuôn mặt lịch sử xa xôi chập chờn trong bóng tối quá khứ…
Kazik với các họa sỹ ở thành phố Đà Nẵng
Ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam nguyên là một lãnh đạo huyện Duy Xuyên kể câu chuyện rất cảm động. Có lần ông lên núi gần khu vực tháp, tình cờ gặp 4 em nhỏ người địa phương kiếm củi. Nhìn cảnh các em nhỏ quay quần giở nắm cơm ghế nhiều khoai sắn chấm muối ăn ngon lành, ông nheo mắt cười với bọn trẻ. Liền sau đó, ông đi nhanh về lán mang đến cho các em bánh và cả suất ăn trưa của mình. Các em tỏ ý ngần ngại, ông ra hiệu đừng lo cho ông. Các em và những người đi cùng cảm động, khóe mắt ươn ướt trước tấm chân tình của ông. Nhiều người còn cho biết, sau câu chuyện ấy và bao câu chuyện tương tự khác ở vùng Mỹ Sơn đã truyền tụng câu chuyện giàu chất huyền thoại về ông, một ông Tây to lớn, hiền từ, tốt bụng. Trước ngày đi xa không lâu, Kazik đã trao cho chính quyền Duy Xuyên bản vẽ thiết kế “Nhà trưng bày văn hóa Chapa Trà Kiệu” kèm theo những lời chỉ dẫn khá sâu sắc và cụ thể….điều này giúp rất nhiều khi triển khai công trình này
Kazik khi tham gia trùng tu di tích Cố đô Huế
Ông Hoàng Châu Sinh cảm nhận, những ngày đầu Kazik đến Mỹ Sơn là những ngày dài gian khó, với tư cách một chuyên gia ngoại quốc nhưng chưa bao giờ ông đòi hỏi một yếu sách nào dù nhỏ nhất trong cuộc sống hay sinh hoạt hằng ngày. Kazik ngày xưa vẫn theo bạn bè như Thái Bá Lợi, Vĩnh Quyền, Đà Linh, Trần Phương Kỳ, Nguyễn Thượng Hỷ…khi gặp gỡ là lang thang quán cóc, làm vài ba xị đế…rồi đàm đạo.2- Một người bạn khác của Kazik kể, Kazik tự nhận mình là con khỉ lớn (Le grand singe de My Son), bởi thân hình vạm vỡ cao to, râu ria xồm xuê. Có lần đang uống bia “góp” với nhau ở khách sạn Phương Đông- nơi dành cho các chuyên gia nước ngoài- thì hết tiền; cuộc vui đang tới mà đột ngột chấm dứt thì còn gì là hứng thú. Thế là rượu gạo, ông bằng lòng cái rụp. Cái lối phát âm ngọng nghịu từ rượu gạo bằng tiếng Việt của anh thật dễ thương, đầy ấn tượng, vừa gần gủi thân thiết, vừa thể hiện sự tế nhị, anh hiểu tình hình thực tại của những người bạn Việt. Chẳng có chút gì ngăn cách giữa Tây – Ta.
Chỉ bằng sự cảm nhận đó thôi cũng đủ để một người Ba Lan như anh trở thành một người Việt Nam “chơi” được! Đến lúc riu liu say, ai cũng muốn về với vùng ngự trị tâm thức, sống trong cảnh giới riêng của mình. Tự do suy tưởng, chiêm nghiệm, mơ mộng bên những tượng đá Chàm. Kazik cũng trở nên lặng lẽ, trầm tư, thỉnh thoảng lấy bút phác thảo, ký họa về những ý tưởng vừa nảy sinh. Anh vẽ trên bất cứ chất liệu nào tiện tay. Lúc hơi “xỉn xỉn”, anh nằm dài trên nền gạch, ngắm nhìn trăng sao. Chỉ ngôi sa lấp lánh xa lắc trên nền trời cao, bất giác anh thốt lên “Tôi giống như một vì sao kia, cô đơn, hạnh phúc”…
Nói về những đóng góp cũng như tình cảm vị kiến trúc sư này dành cho Hội An, nhà văn Thái Bá Lợi nhớ lại, những năm Hội An còn yên tĩnh, chưa có khách du lịch, chưa có đến một khách sạn, rất ít khi gặp người nước ngoài trên phố, Kazik nói với bạn bè, các ông thấy không, hội quán, chùa, nhà ở Hội An dù có mang kiến trúc Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng ta phải nhìn tỷ lệ của nó với con người. Nó không cao lớn như được xây dựng ở các nước ấy. Trong kiến trúc, tỷ lệ quan trọng thế nào ta đều biết. Tỷ lệ kiến trúc Hội An là của Việt Nam, do người Việt Nam xây dựng trên đất Hội An. Yếu tố ngoại lai chỉ làm ta lầm lẫn lúc đầu thôi. Đến thế kỷ 21, khi có đủ điều kiện vật chất, ta có thể tìm được từ những con thuyền đắm. Lúc đó, nhờ khai quật khảo cổ, ta sẽ biết chính xác vị trí của đô thi…Trong một thời gian không xa, những cột điện trong phố cổ không còn nữa, mặt đường nhựa và vỉa hè xi măng được lát gạch trở lại. Phố chỉ có người đi bộ, người bán hàng rong, không có tiếng động cơ. Đến lúc đó chúng ta sẽ cùng cạn ly bên một quán nhỏ góc phố để nhớ về thời xa xưa của đô thị này…thế mà cái ngày ấy đã đến thì ông lại đi xa.
Nói về những đóng góp cũng như tình cảm vị kiến trúc sư này dành cho Hội An, nhà văn Thái Bá Lợi nhớ lại, những năm Hội An còn yên tĩnh, chưa có khách du lịch, chưa có đến một khách sạn, rất ít khi gặp người nước ngoài trên phố, Kazik nói với bạn bè, các ông thấy không, hội quán, chùa, nhà ở Hội An dù có mang kiến trúc Trung Hoa hay Nhật Bản, nhưng ta phải nhìn tỷ lệ của nó với con người. Nó không cao lớn như được xây dựng ở các nước ấy. Trong kiến trúc, tỷ lệ quan trọng thế nào ta đều biết. Tỷ lệ kiến trúc Hội An là của Việt Nam, do người Việt Nam xây dựng trên đất Hội An. Yếu tố ngoại lai chỉ làm ta lầm lẫn lúc đầu thôi. Đến thế kỷ 21, khi có đủ điều kiện vật chất, ta có thể tìm được từ những con thuyền đắm. Lúc đó, nhờ khai quật khảo cổ, ta sẽ biết chính xác vị trí của đô thi…Trong một thời gian không xa, những cột điện trong phố cổ không còn nữa, mặt đường nhựa và vỉa hè xi măng được lát gạch trở lại. Phố chỉ có người đi bộ, người bán hàng rong, không có tiếng động cơ. Đến lúc đó chúng ta sẽ cùng cạn ly bên một quán nhỏ góc phố để nhớ về thời xa xưa của đô thị này…thế mà cái ngày ấy đã đến thì ông lại đi xa.
“Bây giờ tôi hay nhớ Kazik. Ba tháng trước khi Kazik đột ngột qua đời khi đang tham gia dự án trùng tu cố đô Huế, họa sỹ Lưu Công Nhân có thư nhờ tôi sao lục bài bút ký của anh viết về một đêm trăng sao thao thức trong kalan hoang lạnh giữa Mỹ Sơn với Kazik từ năm 1987 và hỏi “Bây giờ Kazik ở đâu?’. Thư pháp đáp của tôi quá muộn để bây giờ có thể báo tin với Lưu Công Nhân rằng Kazik đã về đỉnh núi vàng Meru huyền thoại, nơi lưu trú các thần Champa. Ở đó anh sẽ phục sinh trong hào quang Bảo tồn Visnu…” (Nhà văn, nhà báo Vĩnh Quyền)
3- Sau khi Kazik mất, nhà văn Trần Trung Sáng đã dành những lời lẽ vừa tự sự nhưng cũng thấm đẫm niềm tiếc thương cho một người bạn lớn. “Đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về phương pháp trùng tu của Kazik. Nhưng sau năm 1975, ông là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên của phương Tây đặt vấn đề khôi phục quần thể kiến trúc Hội An và các di tích văn hóa Champa…”. Tại thung lũng Mỹ Sơn, ông đã sống cô độc suốt nhiều tháng với những điếu thuốc Mai, những ly rượu gạo…để thao thức tìm lại dáng vẻ rực rỡ một thời của bao ngôi tháp hoang tàn đổ nát…bàn tay ông đã hâm nóng lại những viên gạch úa màu, mở ra những khám phá bất ngờ trên hành trình tìm về quá khứ. Đam mê , miệt mài nhưng ông vẫn dành thời gian la cà cùng bè bạn ở Quảng Nam Đà Nẵng. Và nhà văn đã tả “Mới thấy bóng dáng dềnh dàng của ông trên con đường nhỏ hẹp của phố cổ Hội An, hôm sau đã gặp ông đang ngồi nhâm nhi ly cà phê trong quán bình dân ở Đà Nẵng. Năm 1990 ông có tranh tham gia triển lãm với hai họa sỹ trẻ Nguyễn Thủy Phúc, Nguyễn Thượng Hỷ. Ai cũng có thể trò chuyện cùng Kazik, bởi vì ông là một người Ba Lan sử dụng một ít tiếng Anh, một ít tiếng Pháp, một ít tiếng Nga, và một ít tiếng Việt…
Kiến trúc sư Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đã lập bàn thờ Kazik trong nhà mình để tưởng nhớ vị kiến trúc sư Ba Lan đã có nhiều đóng góp và đã ngã xuống trong nhiệm vụ cứu nguy cho di tích kinh thành Huế.
Xin mượn lời văn của nhà văn Thái Bá lợi để kết thúc bài viết này, “Ai đã từng gặp Kazik dù chỉ một lần cũng đều hoan hỉ trước cái tâm lành của anh. Anh ra đi, nhưng sự sống của anh qua những công việc anh đã làm cho đất nước này thì còn lại và sẽ không có ai nói lời vĩnh biệt với Kazik”.
Võ Văn Trường