Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ, nhưng ròng rã hai năm Huỳnh Vũ Dạ Thảo (thôn Thi Thại, xã Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) không tìm được việc làm. Cô gái trẻ quyết định về quê, bắt tay xây dựng sản phẩm bột ngũ cốc do chính tay mẹ mình làm.
Bằng đỏ cũng vất vả
Thảo bên sản phẩm bột ngũ cốc của gia đình mình.
Hai năm trước, , Dạ Thảo tốt nghiệp loại giỏi, chuyên ngành Công nghệ Hóa học - Dầu và khí (ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Cô bắt đầu hành trình tìm việc làm theo đúng ngành đã học. Thế nhưng, loay hoay mãi, Thảo vẫn không tìm được việc làm. Thảo kể: Gia đình thuần nông, đậu đại học và tốt nghiệp bằng giỏi là niềm vui lớn của cả nhà. Tuy nhiên, khi cầm hồ sơ tìm việc, theo đúng ngành học thì luôn nhận được cái lắc đầu vì nhiều lý do.
“Tôi xin vào các phòng thí nghiệm hóa dầu theo đúng ngành học nhưng họ không tuyển vì lý do là… con gái. Xin vào các phòng thí nghiệm của các Cty khác thì họ từ chối với lý do: “Bằng đỏ sẽ không gắn bó lâu dài với Cty”, Thảo kể.
Không xin được việc, Thảo quyết định khăn gói vào TP Hồ Chí Minh tìm cơ hội việc làm. Chốn đô thị phồn hoa, khiến nữ sinh mới ra trường choáng ngợp. Hai tháng đầu tiên không việc làm, với Thảo là cơn ác mộng.
“Có hôm trong túi chỉ còn đúng 10 ngàn đồng, mình phải chạy đi xin làm bốc xếp ở cảng hàng không. Mình nộp hồ sơ khắp nơi nhưng không có kết quả. Thậm chí xin vào làm không công để tự trau dồi họ cũng không nhận”, Thảo ngậm ngùi.
Thảo cùng mẹ nhặt đậu làm bột.
Rồi Thảo xin đi làm công nhân, làm nhân viên bán hàng cho cửa hàng kinh doanh thiết bị thí nghiệm với đồng lương ít ỏi. Khó khăn vất vả, nhưng Thảo vẫn cố gắng bám trụ và không ngừng nuôi hy vọng về một công việc ổn định, đúng sở trường.
Da diết nhớ vị ngũ cốc của mẹ
Thảo kể, trong thời gian làm nhân viên bán hàng ở TP Hồ Chí Minh, Thảo thèm và nhớ hương vị ngũ cốc mà từ bé mẹ đã làm “tẩm bổ” cho các con. Từ quê, thương con, mẹ Thảo gửi bột ngũ cốc tự làm vào cho Thảo “bồi dưỡng”. Thảo mang bột ngũ cốc mời mọi người trong cửa hàng cùng thưởng thức, ai cũng khen ngon. Rồi họ đặt mua thường xuyên và đã gợi ý cho Thảo kinh doanh sản phẩm này. Từ đó, Thảo vừa làm nhân viên bán hàng, vừa tranh thủ những thời gian rảnh rỗi mang bột ngũ cốc của mẹ mời khách hàng dùng thử.
Nhiều khách hàng trong đó có người Quảng Nam ở TPHCM dùng thử, khen ngon và giúp Thảo giới thiệu thêm người mua. Từ đó Thảo bắt đầu với nghiệp kinh doanh của mình. Ban đầu là tiếp thị, giới thiệu mời gọi người quen mua ủng hộ. Sau đó, Thảo tiến đến giới thiệu và quảng bá sản phẩm qua internet, mạng xã hội. Khách hàng của Thảo tăng lên từng ngày.
“Không ai ngờ cô gái dân kỹ thuật như mình lại bén duyên công việc kinh doanh. Khi đã bước vào kinh doanh mình chợt ngộ ra rằng: Không cần đâu xa, nếu biết nghĩ và làm khác thì sản phẩm của mẹ mình làm ra, cũng sẽ đắt khách như bao sản phẩm khác. Nghĩ vậy mình quyết định bỏ phố về quê”.
Để tạo niềm tin, Thảo trực tiếp về quê, cùng mẹ sản xuất ngũ cốc rồi đóng gói mang vào Sài Gòn. Những công đoạn làm bột được Thảo chụp hình, đưa lên trang web, facebook của mình để người dùng tin tưởng. Biết được bột ngũ cốc quê chính gốc, nhiều người đặt mua, nhận làm đại lý cho Thảo. Đơn hàng tăng vụt, bột mẹ làm không đủ để phân phối, Thảo quyết định rẽ lối đời mình.
“Không ai ngờ cô gái dân kỹ thuật như mình lại bén duyên công việc kinh doanh. Khi đã bước vào kinh doanh mình chợt ngộ ra rằng: Không cần đâu xa, nếu biết nghĩ và làm khác thì sản phẩm của mẹ mình làm ra cũng sẽ đắt khách như bao sản phẩm khác. Nghĩ vậy mình quyết định bỏ phố về lại quê”, Thảo tâm sự.
Giấc mơ của cô gái xứ Quảng…
Tháng 3/2015, Thảo khăn gói về quê. Nắm được nhu cầu thực phẩm sạch, Thảo bắt tay sản xuất bột và xây dựng thương hiệu bột ngũ cốc thiên nhiên Cevi của riêng mình. Toàn bộ nguyên liệu: mè đen, gạo lức và các loại đậu để sản xuất ngũ cốc đều được Thảo thu mua của nông dân trong vùng. Bà con vui mừng vì sản phẩm làm ra từ nay không còn lo đầu ra và bị tư thương ép giá nữa.
“Quê mình thuần nông, bà con sản xuất các loại đậu rất nhiều. Nguồn nguyên liệu dồi dào và đảm bảo sạch. Về quê làm bột sạch là vừa giúp mình vừa giúp bà con nông dân quê nhà”, Thảo cho biết.
Xác định để có sản phẩm ngũ cốc sạch, trước tiên nguồn nguyên liệu phải sạch và ổn định, nên Thảo hợp tác với nông dân địa phương cung cấp nguyên liệu tại vườn. Tất cả công đoạn sản xuất sản phẩm, từ lựa đậu, rửa, phơi, rang, xay, đóng gói... đều do người nhà của Thảo đảm trách. Bố mẹ của Thảo nổi tiếng trong vùng về làm bột ngũ cốc, làm bánh ngọt từ bột cũng không ngờ rằng, con gái mình lại quyết đoán như vậy.
Căn nhà của gia đình Thảo trở thành xưởng sản xuất. Nông sản của bà con nông dân, đã làm ra các loại bột và ngũ cốc thơm nức. Tất cả được Thảo đóng gói thành phẩm, xuất đi cho khách hàng và các đại lý. Thảo cho hay, hiện tại ngoài địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngũ cốc Cevi của Thảo đã có mặt ở Quảng Nam và các tỉnh, thành phố như Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng... Mỗi tháng trung bình Thảo xuất đi trên dưới 100 kg bột. Trừ chi phí, Thảo thu lời từ 5 – 7 triệu đồng. Số tiền tuy chưa lớn nhưng với Thảo và gia đình đó là thành công bước đầu.
“ Sắp tới mình sẽ đăng ký thương hiệu sản phẩm để nâng cao uy tín và mở rộng quy mô sản xuất. Mình ước mơ sẽ xây dựng được thương hiệu riêng và sớm đưa được các sản phẩm của mình vào các chuỗi siêu thị lớn. Hy vọng với nỗ lực và sự ủng hộ của gia đình, mình sẽ sớm thành công”, Thảo chia sẻ.
Nguyễn Thành