Nguyễn Dưỡng Hạo hiệu Phúc Am, người huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam, sống vào thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) và Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754 - 1777), đương thời nổi tiếng là một người tài hoa. Ông cùng với vợ là nữ sĩ Phạm Lam Anh cùng sáng tác tập “Chiến Cổ Đường thi”, tập này nay chỉ còn sót lại dăm ba bài.
Tranh thủy mặc “Trúc lâm thất hiền” .Ảnh: BTV
Tuy không có tài liệu trực tiếp viết về thân thế sự nghiệp của ông, nhưng thông qua người bạn lừng danh của ông là ẩn sĩ Ngô Thế Lân ta có thể phác họa đôi nét về ông. Người ta thường nói: “Hãy cho tôi biết anh giao du với ai tôi có thể nói rõ về anh là người thế nào”, điều này có thể đúng với Nguyễn Dưỡng Hạo.
Ngô Thế Lân tự là Hoàn Phác, hiệu là Ái Trúc Trai, ở ẩn tại xã Vu Lai, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong (nay là huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), nức tiếng là bậc cao sĩ đất kinh thành. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục có nói về ông với lòng ngưỡng mộ. Lúc đó quân Trịnh đã chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần đã bỏ chạy vào nam, nghe tiếng Ngô Thế Lân, Lê Quý Đôn với danh nghĩa là người chiến thắng cho người đến mời ông, nhưng Ngô Thế Lân thẳng thừng từ chối, chỉ gửi thư cảm tạ trong đó ông nói rõ lập trường của mình: “lấy sự xu thời cầu cạnh làm hổ thẹn”, khiến Lê Quý Đôn sửng sốt, nhưng không giận mà càng nể phục Ngô Thế Lân hơn. Lê Quý Đôn áng chừng Ngô Thế Lân khoảng 50 tuổi, vậy có thể Ngô Thế Lân sinh khoảng 1726 vào đời Túc Tông Nguyễn Phúc Thụ (1697 - 1738), Nguyễn Dưỡng Hạo là bạn tri âm tri kỷ của Ngô Thế Lân chắc cũng đồng trang lứa. Họ đều là những người
“Mê sách bỏ ăn ngủ
Hào hiệp quên quyền uy
Mắt thấy dân đen khổ
Mà lòng biết làm gì
Tự phụ ngọc đành cất
Giá lành bán có khi”.
(Tự vịnh - Ngô Thế Lân).
Ngô Thế Lân rất yêu trúc vì trúc được ví như đức của người quân tử, ông lấy hiệu là Ái Trúc Trai và làm “Phong Trúc Tập” gồm nhiều bài thơ bày tỏ nỗi lòng và cũng để nói lên ý thoát tục của mình. Ngô Thế Lân gửi gắm đứa con tinh thần này cho Nguyễn Dưỡng Hạo, nhờ đề tựa. Việc Ngô Thế Lân ưu ái dành cái vinh dự đó cho Nguyễn Dưỡng Hạo đã nói lên sự gắn bó mật thiết giữa hai bậc tài danh. Cả hai ông cùng với người bạn thứ ba là Trần Thế Xương, người viết lời bạt cho Phong Trúc Tập, cùng nhau luận bàn về trúc, qua đó ta có thể biết được quan điểm của mỗi người về cuộc sống và cách xử sự của họ.
Quan điểm của Ngô Thế Lân là “Gió là cái vật không có chất mà có hơi, trúc là cái vật có chất mà không có ruột, cho nên trúc nhờ gió mà có tiếng, gió nhờ trúc mà thành vết, cho nên gió đến thì trúc kêu, gió qua thì trúc lặng, gió to thì kêu to, gió nhỏ thì kêu nhỏ. Thế thì kêu là tại gió, chứ không tại trúc. Trúc vốn là hư không vậy”. Theo Ngô Thế Lân, trúc “càng kêu mà càng chẳng biết, cũng là do chỗ vô tâm mà diệu ứng với gió vậy. Tuy thế, nhưng sở dĩ xướng phát thiên cơ, du dương chân vận thì cũng là ở chỗ người nghe nhận lấy thôi, chứ nhã nhặn hay tục tằn, xấu xa hay lành tốt thì có dự gì đến trúc” (Đề từ).
Theo Ngô Thế Lân, gió động hay trúc động là ở chỗ người nghe nhận thấy (hiện tượng) còn trúc vốn hư tâm (bản chất). Gió, tác nhân xã hội biến động làm phát ra tiếng trúc. Tiếng trúc là hiệu ứng của tác nhân biến động xã hội. Tiếng thơ của tác giả cũng như là tiếng trúc, chỉ là phản ứng hiện tượng, còn bản chất tác giả vốn là hư tâm chẳng màng danh lợi, chẳng khác gì “trúc vốn là hư không”, vì vậy tác giả mới sảng khoái reo lên: “Ôi! trúc ơi! trúc ơi! Ta có sở đắc ở trúc đấy”.
Nguyễn Dưỡng Hạo viết tựa cho Phong Trúc Tập cùng lòng ái trúc như Ngô Thế Lân, cũng nhân đấy mà bày tỏ quan điểm của mình, ông viết: “Tiếng của muôn vật thì nhiều lắm, có loại thuộc về tiếng nguyên chất, có loại thuộc về tiếng rườm rà. Tiếng nguyên chất là tiếng của trời, tiếng rườm rà là tiếng của người, cho nên tiếng người thì phân biệt tà chính, mà tiếng trời thì không có chính tà”. Ông phân biệt tiếng có hai loại, loại thuộc bản chất (nguyên chất) là tiếng trời, loại thuộc hiện tượng nhị nguyên là tiếng người. “Tiếng trời thác vào vật tự nhiên, như tiếng thông reo, tiếng chim mùa xuân, tiếng trùng mùa thu, tiếng mưa trên tàu lá chuối, tiếng gió trong bụi tre”, tất cả đều có “phẩm điệu kín đáo, khiến cho người nghe bỗng nảy ra lòng xa xôi như hạc nội, tứ xa xôi như mây ngàn”. Theo ông tiếng người có loại chính và loại tà. Tiếng tà là “ai mà đến thương tâm, vui mà đến say đắm, như tiếng trong dâu trên bộc là tiếng người của người vậy”. Tiếng chính là tiếng “xếp đặt rõ ràng không rối…, đều đặn, đứng đắn là tiếng trời của người vậy”. Đối với ông “trúc không có ý với gió, nhưng gió đến thì trúc động mà sinh ra tiếng; lòng không dung vật, nhưng vật tiếp thì lòng cảm mà thành thơ. Gió đi thì trúc lặng, việc đi thì lòng không”.
Đến đây ta có thể nhận ra Nguyễn Dưỡng Hạo là nhà nho bảo thủ, ông có xu hướng “văn dĩ tải đạo”, văn để phục vụ nhân sinh, đem lại điều hay lẽ phải dẫn dắt con người đến chỗ đoan chính, tình tiết phát ra đúng lúc, không thái quá cũng không bất cập. Ông cho rằng Ngô Thế Lân đã thất bại khi “chán tiếng rườm rà của thói đời, hăng hái đi tìm tiếng nguyên chất của thiên hạ” trong khoảng mười năm mà chẳng được gì chỉ vì đã xa rời đạo Nho để chạy theo đường chủ lưu của Phật, Lão. Thành công chỉ đến với Ngô Thế Lân khi họ Ngô tỉnh ngộ quay về với sáu kinh (đạo Nho). Với bản chất bộc trực của người Quảng, Nguyễn Dưỡng Hạo đã nói thẳng với Ngô Thế Lân “Bác học rộng mà chưa có gạn lọc” khi Ngô Thế Lân định đưa ra thuyết “Tam giáo quan Thái Cực đồ” - không muốn xem Thái cực đồ là của riêng Nho giáo, mà muốn nhìn Thái cực đồ qua nhãn quan của Phật giáo, Lão giáo nữa. Nhưng Nguyễn Dưỡng Hạo là người chủ trương Nho giáo độc tôn, cho rằng Ngô Thế Lân đã mê lầm khi theo chủ thuyết “một nguồn khác dòng” (nhất nguyên dị lưu). Ngô Thế Lân cũng hăng hái không kém khi nhất quyết bảo vệ chính kiến của mình: “Bác muốn đi tìm cái vui chống Phật chăng? sao mà hẹp hòi quá vậy”; “không thể lấy việc có tín đồ làm việc không đúng mà coi là đục được”. Quan điểm của Nguyễn Dưỡng Hạo cũng giống như Hàn Dũ đời Đường hay Trương Hán Siêu thời trẻ đời nhà Trần, phản bác đạo Phật chỉ vì sai lầm của người đi đạo chứ không căn cứ và bản chất của đạo Phật chính truyền.
Cả hai ông, Ngô Thế Lân và Nguyễn Dưỡng Hạo khi cần bảo vệ chính kiến của mình thì họ không ngại va chạm, người nào cũng muốn thuyết phục tha nhân chấp nhận quan điểm của mình. Bề ngoài ai nghe cứ tưởng họ thường xung đột, nhưng nghĩ như vậy chỉ là chỗ người nghe nhận thấy thôi, nghĩa là chỉ nghe được tiếng rườm rà của người, còn họ thì lúc nào cũng là tri âm tri kỷ của nhau “gió đi thì trúc lặng, việc đi thì lòng không”, lòng họ cũng như lòng trúc vì “trúc vốn là hư không”.
Nguyễn Dưỡng Hạo có thể nói là nhà văn có khuynh hướng triết luận hiếm thấy ở đất Quảng thời các vương triều.
NGUYỄN THIẾU DŨNG