Làng Tỉnh Yên thuộc xã Duy Thu, Duy Xuyên, Quảng Nam. Trong làng hiện nay còn nhiều ngôi nhà cổ bằng gỗ.
Một kiểu nhà có lối kiến trúc nhà, sân, vườn, ao
Trang trí đầu kèo
Vật liệu gỗ dùng để xây dựng được người dân trước đây mua hoặc khai thác chủ yếu từ rừng đầu nguồn Trường Sơn theo đường sông vận chuyển xuôi về. Do nguồn gỗ này ngày trước phong phú nên hiện nay trong nhiều ngôi nhà còn lại nhiều vật dụng bằng gỗ như bàn, ghế, sạp, tủ thờ. Bên cạnh đó, còn có loại vật liệu được người làng sử dụng là gỗ mít, đây là loại cây trồng thịnh hành trong những năm trước đây tại các làng quê trung du Quảng Nam.
Nhà truyền thống nhiều gian, 2 mái
Nhà cổ làng Tỉnh Yên kết cấu kiểu nhà theo lối truyền thống 1 gian 2 mái, 3 gian 2 mái, 5 gian 2 mái. Lối kiến trúc thường trang trí đơn giản gồm nhà, sân, vườn, ao. Mái liền kề, lợp ngói âm dương. Cột kèo, đầu trụ với các kiểu trang trí đa dạng phong phú. Xung quanh nhà thường có hàng rào bằng cây xanh chủ yếu là chà tàu, tre trúc… Sân vườn thoáng mát thường được trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả. Những ngôi nhà cổ này có lịch sử hơn 100 năm. Theo những cụ cao niên trong làng, những gia đình xây dựng những gian nhà cổ trước đây thuộc thành phần có của ăn của để, thường rơi vào những gia đình làm nghề thuốc Bắc, phú nông… Điều đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh, ngôi làng gần như không bị bom đạn nên những ngôi nhà cổ này không bị tàn phá.
Giếng cổ Chăm
Làng nằm bên dòng sông Thu hiền hòa. Trước đây người dân trong làng đa số làm nghề sông nước nên hình thành vạn Tỉnh Yên. Từ bến sông này người dân xuôi thuyền lên nguồn xuống bể khai thác sản vật và buôn bán trao đổi. Vạn Tỉnh Yên cùng với các vạn đò khác dọc sông Thu trước đây đã hình thành nên con đường sông một thời sầm uất của vùng đất Quảng Nam. Năm 2004, nhà nước có chính sách di chuyển dân sống dưới vạn lên bờ ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp.
Trong làng hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa liên quan đến nền văn hóa Champa, Việt như giếng cổ Chăm, di tích Dinh Ông nơi phát hiện có dấu vết kiến trúc tháp Chăm với hiện vật bò thần Nandin (hiện trưng bày tại nhà văn hóa thôn) miếu thờ thần hoàng, rãi rác những di tích đá, gạch của dấu vết các công trình kiến trúc Champa...
Ngày nay, từ tỉnh lộ 610 du khách đến làng bằng cách đi hết con đường lộ đến vị trí nơi sông và núi gặp nhau là đến đất của làng. Thiên nhiên xứ đất này đã tạo nên những bãi biền bờ cây xanh ngát. Du khách cũng có thể bắt gặp những vườn cây ăn trái đã vắng từ lâu ở những vườn nhà xứ Quảng như thị, mít, dâu đất…
Nằm không xa làng, qua những dãy núi nhấp nhô cao thấp là địa điểm quận lỵ Đức Dục trước đây, từ đây ghé thăm sân bay An Hòa, đến thánh địa Mỹ Sơn cổ kính không xa.
Văn Khoa