Trời Thạch Bàn trong xanh em có thấy.
Những đám mây chàm lơ lửng níu người qua.
Nếu như con người ta có những khoảnh khắc mà ngoại cảnh bỗng chừng như lên tiếng làm xôn xao nội tại dấy lên bao niềm xao xuyến, thì với tôi, khoảnh khắc ấy chính là lúc này đây. Lúc mà từng đám mây núi lang thang ửng sắc chàm pha đủ các hình thù từ những ngọn núi: Lôi Giáng, Hòn Đền, Hòn Ngang, cho đến tận cái chóp núi Chúa chon von xa mờ kia, hốt nhiên tơ trời mỏng mảnh từ những chốn ấy la đà dạt trôi xuống lòng hồ như biết soi bóng mình trong đáy nước.
Hồ Thạch Bàn. ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Vậy là trên đường đi cứu trợ các thôn xóm vừa qua bị thiên tai lũ lụt tàn phá ở miền tây của huyện Nông Sơn - Quảng Nam, những dặm biếc mây trời non nước trên vùng hồ chứa Thạch Bàn nằm kề sát bên đường 610 này đã cám dỗ mê hoặc chúng tôi. Vâng, không thể không dừng chân dăm phút để thưởng ngoạn cái cảnh vừa tịch lặng hoang liêu nhưng cũng vừa hư ảo chập chùng với cơ man những “áo chàm pha mây thấp thoáng la đà”.
Hồ chứa Thạch Bàn nằm ở phía tây khu di tích Mỹ Sơn do người Pháp xây dựng cách nay cũng đã non một thế kỷ. Tất nhiên là từ sau bao cuộc chiến tranh tàn phá đổ nát, hồ Thạch Bàn cũng như bao công trình thủy lợi xưa cũ khác đã được nâng cấp mở rộng. Khác với hồ chứa Vĩnh Trinh nằm ở phía đông khu di tích Mỹ Sơn ở vào vị trí khoảng cách khá xa tỉnh lộ 610 chạy dọc giữa lòng huyện Duy Xuyên, hồ chứa Thạch Bàn ở vào vị trí liền kề nằm sát bên con đường. Từ vài năm nay con đường này, quãng nối từ Mỹ Sơn vượt qua đèo Phường Rạnh dẫn tới Nông Sơn đã được mở rộng, xây dựng lại, bê tông trải phẳng phiu lượn lờ êm ái theo bờ nam con sông Thu Bồn. Dường như cái dặm biếc mà tôi mới vừa phát hiện ra nơi đây, nó không chỉ vuông vắn trong hồ chứa Thạch Bàn, hay là bí ẩn như đền tháp Mỹ Sơn dưới kia, mà còn trải dài khắp núi đồi phía tây dằng dặc theo hữu ngạn của dòng Thu Bồn.
Đứng trên bờ con đập trông ra mênh mông mặt hồ phẳng lặng, nhìn càng xa tít tắp đến chân núi bao quanh, chừng như cảnh vật nơi đây không thực nữa rồi. Ngay những hòn đảo nhỏ nhấp nhô trong mây khói kia cũng không thực. Sự thanh vắng của buổi sáng đầu mùa đông đến nỗi không một mống tăm cá xao động. Nhưng cũng từ sự thanh vắng đó, lại dễ dẫn dắt trí tưởng con người ta đắm mình trong cái thế giới siêu thực “nước non Hời” đầy ắp các vị thần. Chẳng phải như ở thánh địa Mỹ Sơn các vị thần Vishnu, Shiva, Dvarapala... dày mấy lớp rêu xanh đất nung đá tạc. Ở Thạch Bàn mây nước thăm thẳm thế này đây, từ mây nước đấy hiện lên bóng dáng của thần Varura (thần nước), thần Agni (thần lửa), thần Vayu (thần gió). Nào tôi có hiểu biết gì xứ sở này đâu, vậy mà tuồng như trong vi vút gió bay qua, thần Kala (thời gian) như diễn dịch với tôi một hiện hữu của sự sống thanh vắng hoang tàn, để rồi từ cõi thanh khí ấy mọc lên một ngọn tháp thơ “Điêu tàn” đẹp ma mị như dám thách thức cả bể dâu.
Mà nào có phải riêng gì tôi đâu, những người sinh sống lâu năm nơi đây cũng cơ man truyền thuyết, cũng có khi là những chuyện kể nhuốm màu hoang đường. Nào những nhánh trầu vàng, buồng cau vàng thuở xưa người Chàm chôn sâu trong lòng đất, hoặc dưới ánh trăng khuya người ta còn bắt gặp đàn gà con chạy theo mẹ sáng lấp lánh ánh vàng hời. Thực hư chả rõ thế nào, nhưng văn hóa là sàng lọc cái còn lại, cái làm nên những giá trị tinh thần đắp bồi tạo dựng nên cái đẹp của một vùng đất.
Tôi không nghĩ Mỹ Sơn giờ đây chỉ là những cổ tháp, những phù điêu hay những pho tượng của các vị thần, mà cõi thiêng ấy bây giờ còn là dấu vân tay - những vết trùng tu của Kazimier Kwiatkowsky, còn hơi thở trong tranh “Mây Mỹ Sơn” của cố họa sĩ Lê Khắc Duyệt... Hoặc có thể xa hơn nữa là cõi thơ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Tất cả giá trị đó qua bàn tay quyền năng của thần Kala giữ gìn mà lấp lánh một di sản của nhân loại.
Hồ chứa Thạch Bàn cũng như mọi công trình thủy lợi lớn nhỏ khác khắp mọi nơi, với sức chứa tròm trèm 10 triệu mét khối nước đủ sức tưới tắm xanh tươi những cánh đồng khu tây Duy Xuyên. Nhưng Thạch Bàn - một dải dặm biếc hiện lên không chỉ là một vùng du lịch sinh thái mà còn là truyền thuyết, tâm linh, văn hóa, lịch sử cũng là điều rất thực. Không biết nhãn quan của những nhà làm du lịch có phát hiện ra hết cả một vùng ngoại vi Mỹ Sơn còn ẩn giấu trong lòng nó bao trầm tích. Từ đây nhìn ra hướng bắc không xa là dinh Bà Thu Bồn. Vẫn theo hướng tầm nhìn này còn có khu kỹ nghệ An Hòa - dấu khai phá của người Pháp năm xưa còn lưu lại như một bí ẩn thách thức mọi khám phá mới. Ấy vậy mà lặng lẽ hồ chứa Thạch Bàn - xứ sở của những vị thần không một sủi tăm. Vậy mà chỉ nghe ngàn xưa tiếng gọi câm trong đá.
Ngước mắt nhìn lên đỉnh núi Hòn Đền giữa chập chùng sắc mây chàm bay lõa xõa trông cứ như đỉnh tháp di động giữa trời không. Khoảnh khắc ấy chả biết vọng tưởng những gì, tôi bỗng nghêu ngao mấy câu thơ như gửi cho thần gió vô tận một niềm thăng hoa bất chợt: Trước ngàn năm chúng ta đều trẻ nhỏ/ Con mắt hồn nhiên cắt nghĩa chuyện rêu xanh/ Thần khải nào đây, dấu thời gian mờ tỏ/ Đỉnh tháp gió lùa tiếng hú vọng xa xăm!
NGUYỄN NHÃ TIÊN