A+ A A-

Giấu trong màu lụa mối tình Mã Châu

          Mã Châu là làng nghề truyền thống ở Duy Xuyên – Quảng Nam, nằm dọc bờ sông Thu Bồn, nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa còn lưu truyền hai câu thơ: “Mã Châu tơ lụa mỹ miều/ Ban mai mắc cửi buổi chiều giăng tơ”. Sự hình thành phát triển của làng nghề Mã Châu gắn với quá trình khai hoang lập làng và hoạt động kinh tế của người dân xứ Quảng. Sau khi người Việt thực hiện công cuộc “Nam tiến” thì người Chăm bản địa tại đây đã biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm và được thể hiện qua những tấm vải thổ cẩm với họa tiết Chăm đặc trưng. Do vậy, có thể nói làng nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa Mã Châu ngày nay là sản phẩm được kết tinh từ những tinh hoa của hai nền văn hóa Việt – Chăm

          

Biền dâu Mã Châu sau cơn lũ.         

          Làng nghề Mã Châu là sự hợp thành của 4 làng Mã Đông, Mã Tây, Mã Thành, Mã Thượng, nên còn gọi là làng nghề Tứ Mã. Được hình thành từ thế kỷ XVI, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, làng nghề Mã Châu chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Tơ lụa Mã Châu có mặt ở thị trường nhiều nước ở Châu Âu và Đông Nam Á kể từ khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Châu Âu qua cảng thị Hội An. Trong chiến tranh, hầu hết người Mã Châu phải ly quê vào Nam làm nên làng dệt ở Ngã Tư Bảy Hiền – Sài Gòn, số còn lại hoặc trụ bám hoặc ra Đà Nẵng. Trong đó ở làng Cổ Mân, quận Ba, Đà Nẵng có đến 100 hộ định cư, làm nên làng dệt Mã Châu. Tuy nhiên cho dẫu ở đâu, người Mã Châu vẫn giữ được hồn vía của một làng nghề có đến hàng trăm năm tuổi. Người Mã Châu đi đâu ở đâu cũng luôn tự hào và ghi nhớ về công đức của tổ tiên khai nghiệp. Thời khó khăn nhất sau ngày giải phóng, tiếng thoi đưa vắng dần, làng Mã Châu buồn tẻ, không còn một ai ở lại trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thì anh Trần Hữu Phương, Giám đốc Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu, một mình ở lại cố bám víu mảnh hồn làng, nghĩ ra nhiều cách để giữ cho bằng được cái tên làng Mã Châu.  Năm 1978, ngày thành lập, Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu có 300 cổ đông. Tuy nhiên trong hoàn cảnh cạnh tranh với cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt, lâu nay HTX chỉ còn 8 cổ đông, 17 thợ dệt và nhân viên hành chính, anh Trần Hữu Phương vẫn không nao núng. Anh vay mượn người thân, bạn bè để có được nguồn vốn hoạt động. Một thực tế hiện nay ở Mã Châu là người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu nuôi tằm. Vì vậy, từ 5 năm qua, HTX phải mua tơ ở tận Bảo Lộc, Lâm Đồng. Bằng tất cả nỗ lực, HTX tơ lụa Mã Châu đã và đang trụ hạng, làm ra nhiều mặt hàng đẹp về màu sắc, tốt về chất lượng...

        Trong câu chuyện tơ tằm đầy cảm hứng, anh Trần Hữu Phương không giấu được niềm vui khi chính anh đã cùng tập thể làm ra một loại sản phẩm tơ tằm độc đáo là chăn tằm. Loại tấm đắp này có cách làm khá thú vị khi chờ cho đến ngày tằm chín, nghĩa là thời kỳ tằm nhả tơ. Lúc ấy con tằm đang quay quắt tìm ổ để nhả tơ, nhờ vậy tơ sẽ được nhả đều trên thảm. Thay vì cho tằm nhả tơ trong nong, anh cho tằm nhả tơ trực tiếp 2 lớp trên một tấm thảm có kích thước 200 cm x 220 cm dành bán trong nước, 220 cm x 240 cm dành bán ra nước ngoài. So với chăn tằm sản xuất theo công nghệ thì loại chăn tằm làm thủ công như thế này có nhiều ưu điểm hơn đối với người tiêu dùng...

          Qua rồi Mã Châu thời khai khẩn, Mã Châu thời vàng son, Mã Châu thời loạn lạc, Mã Châu hồi sinh. Bây giờ Mã Châu tiếp tục cuộc hành trình hội nhập. Những tấm lụa xinh xắn làm đẹp thêm cuộc đời này có cả ký ức, hiện tại và tương lai. Mã Châu mơ ước một ngày không xa tên mình được xướng lên trên đỉnh cao của thời đại. Ước mơ ấy bước đầu hình thành những ý tưởng qua đề án Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa Mã Châu gắn với du lịch làng nghề do Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu xây dựng hồi tháng 11-2016, đang nằm trên bàn của các nhà lãnh đạo tỉnh. Những lời tâm huyết đã được nói lên, mong mỏi sự đồng cảm và thấu hiểu vì sự sống còn của tơ lụa Mã Châu rằng trải qua biết bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, làng nghề Mã Châu vẫn tồn tại và phát triển. Hình ảnh dâu tằm tơ lụa Duy Xuyên nói chung, Mã Châu nói riêng đã khắc sâu vào thời gian, khó phai mờ. Đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam dâu tằm tơ lụa xứ Quảng cũng được khắc họa như là một chất liệu độc đáo. Trong tác phẩm “Trái tim tôi ở Hội An”, nữ văn sĩ Khánh Linh đã nhắc đến chất phụ gia kết dính các viên gạch với nhau làm nên những đền tháp thế kỷ Chămpa bằng thân tằm nấu chín (không phải tằm non); nhà thơ Tường Linh, người con xứ Quảng ở Sài Gòn nhớ quê hương rằng: Sáng Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối/ Chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa; nhà thơ Võ Bá,  người con của Duy Xuyên thì viết: Mỏng tang tờ lịch trên tay/ Bao điều chưa kịp một ngày đã qua/ Ơn đời bồi bãi phù sa/ Cành dâu ký gửi có ra tơ tằm; từ Hội An, nhà thơ La Trung nhớ Duy Xuyên: Lá dỗ chợt thương mấy độ thân tằm/ Nhả tơ vàng ủ hạt mầm nguyên sơ; bên kia sông Thu, ở làng Gò Nổi hay còn gọi là Phù Kỳ – Điện Bàn nghệ nhân Trần Thu làm nên một tác phẩm điêu khắc gỗ mà đáng chú ý là 2 họa tiết sinh động, giàu hình ảnh, tính khái quát rất cao trong ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình về cái ăn cái mặc. Đó là hạt gạo và lá dâu; còn tôi dẫu không sinh ra trên đất lụa tơ tằm Mã Châu, nhưng chỉ một lần ghé qua đã phải lòng: Ngõ quê tơ lụa vấn vương/ Ngõ lòng ai níu mà thương chân người/ Biền dâu ai giấu nụ cười/ Để tằm ươm mộng tay người xe tơ/ Lụa là mặc áo cho thơ/ Xin em đừng mặc hững hờ lưng thon/ Khổ đôi con mắt mưa mòn/ Trăm bậc đá cũng phải còn ngẩn ngơ/ Về thôi Trà Kiệu trăng chờ/ Cây đa sót lá bơ phờ mắt trông/ Sót trong tôi một bóng hồng/ Gác chuông sót một giọt nồng môi em. Trước bao biến đổi của thời cuộc, sự thủy chung là thước đo lòng người. Cây dâu cũng vậy. Từ trong ruột rà của nó cũng đã chứa chan tình cây và đất, để một ngày dành cho cuộc đời cái sắc tím thủy chung chiết ra từ trái dâu chín. Lương y Lê Văn Long, người con xứ lụa một đời thấu hiểu hơn ai hết về cái giá trị của cây dâu hay nói cách khác cây dâu không chỉ góp phần làm nên cái mặc, giữ hơi ấm cho làng nghề, truyền hơi ấm làng nghề dâu lụa tơ tằm cho mai sau mà còn là loài cây cho ta nhiều vị thuốc. Một thời dâu lụa, một thời tơ tằm đã để lại bao đời người không ít đắng cay, hạnh phúc. Mã Châu vẫn còn đó những giấc mơ hội nhập. Chao ôi cái sợi tơ tằm/ Mãi còn vương vấn tháng năm bưng biền/ Tiếng thoi mang nỗi niềm riêng/ Một bờ gió mỏng thổi nghiêng cái nhìn/ Phù sa mùa lá dâu xinh/ Giấu trong màu lụa mối tình Mã Châu.

HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19803273
Hôm nay
Hôm qua
7394
10160