Rời quê nhà với hai bàn tay trắng, ông Phan Hoàng Dũng (SN 1969, quê xã Duy Châu, Duy Xuyên) chọn mỳ Quảng để lập nghiệp nơi đất khách.
Và đến nay, mỳ Quảng do ông sản xuất đã cung cấp cho hầu khắp Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Phước…
Ông Dũng cân mỳ cho khách. Ảnh: XUÂN THỌ
Ấp ủ ước mơ với mỳ Quảng
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào cuối năm 1993, ông Dũng về lại quê, lập gia đình. Nhưng khó khăn quá, đến năm 1995 ông cùng vợ và con nhỏ dắt díu vào Nam. “Chính xác là ngày 18.5.1995, gia đình kéo nhau vào xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), và nhờ anh trai ruột thứ 4 bảo bọc” - ông Dũng nhớ lại.
Vào Trảng Bom, vợ chồng ông Dũng tính mở lò mỳ Quảng, nhưng do chưa có điều kiện nên bươn chải đủ nghề để tích cóp cho ngày thực hiện ước mơ này. Trong khi ông đi bốc vác, thì bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Dũng, SN 1972, cùng quê xã Duy Châu) đi thu mua ve chai.
Ông Dũng cho biết, thời điểm ông vào Trảng Bom thì người Quảng trong này cũng khá nhiều. Và do ông vô sau, không có đất đai để làm nên nhiều cơ cực hơn. “Căn nhà” lúc ấy của gia đình ông chính xác là một túp lều khoảng 4m2.
“Tích cóp được một thời gian thì vợ chồng anh chị Bốn hỗ trợ cho chúng tôi mở lò làm mỳ. Ban đầu làm mỗi ngày 2 - 3kg, rồi đạp xe đạp đi bán ở gần, coi như là làm quen dần, tích lũy kinh nghiệm để ấp ủ giấc mơ lớn hơn với mỳ Quảng quê mình” - ông Dũng kể.
Cùng với sự chăm chỉ của vợ chồng ông, lò mỳ lớn dần theo thời gian. Đến năm 2000, khi ông gặp một người bạn cùng quê xã Duy Châu và người này kết nối giúp ông để bỏ mỳ cho một số nhà hàng, quán trên Sài Gòn. Ông Dũng bảo đó là bước ngoặt của cuộc đời mình.
“Ban đầu, mỗi ngày chỉ đưa lên Sài Gòn khoảng vài ba chục ký, sau đó tăng dần. Do chưa có điều kiện nên mỳ được gửi lên Sài Gòn bằng đường xe buýt. Mãi đến năm 2016 thì mới sắm xe tải nhỏ, loại 1,5 tấn để vận chuyển cho khách vì thị trường đã nhiều” - ông Dũng cho hay.
“Mới hoàn thành 50% ước mơ”
Đến năm 2004, thêm sự động viên của bạn bè, ông Dũng làm một việc mà lúc này ai cũng nói ông khùng: đó là làm máy tráng mỳ. Ông cho biết: “Tôi thuê kỹ sư về cùng làm. Mỳ liên tục hư, lúc thì dày, lúc thì mỏng, lúc nhão lúc khô, lúc thì không chín, rồi chín không đều… Nhà lúc ấy nuôi 30 con heo, mỳ hư đem cho heo ăn nhiều đến nỗi lúc bán heo, nhiều người chê không mua luôn”.
Trong khi đó, vợ ông thấy không ổn nên nhiều lần khuyên ông dừng. Nhưng ông Dũng không chịu, vì nghĩ sẽ có cách. Nên bên cạnh duy trì cách làm thủ công, ông vẫn tiếp tục thử nghiệm với máy tráng mỳ. Và phải trải qua một năm ròng rã, thì ông với kỹ sư mới hoàn thiện được chiếc máy này.
Thời điểm này, các nhà hàng trên Sài Gòn lấy mỳ của ông Dũng mở thêm chi nhánh, và thêm nhiều quán mới cũng liên hệ lấy mỳ nên số lượng mỳ mà vợ chồng ông đưa lên Sài Gòn mỗi ngày nhiều hơn, lên đến 1,8 tạ mỳ mỗi ngày.
Cùng với đó, ông tiếp tục hoàn thiện máy tráng và cách đây khoảng 2 năm, thì việc tráng và cắt mỳ đều hoàn toàn bằng điện. Còn trước đó thì vẫn phải đun nước bằng củi. Hiện tại, mỗi mẻ máy sẽ cho ra 2 tạ mỳ và có 6 nhân công. Bao gồm 2 thợ chính, 2 người đưa mỳ đi Sài Gòn, Bình Phước và 2 người đưa mỳ trong tỉnh Đồng Nai. Riêng Sài Gòn, mỳ Quảng của ông bỏ hầu khắp các quận, huyện.
Tầm 20 giờ 30 thì bắt đầu làm mỳ, khoảng 1 tiếng sau thì có mẻ mỳ đầu tiên. Dựa vào đặt hàng của khách mà người làm sẽ cân rồi vào bao. Đến khoảng 1 giờ sáng ngày hôm sau thì đưa mỳ lên xe để vận chuyển lên Sài Gòn, Bình Phước cho khách. Còn ở Đồng Nai thì đưa đi trễ hơn một chút.
Ông Dũng cho biết, điều làm nên chất lượng mỳ của ông và được khách hàng tin tưởng, tìm đến đó là bí quyết ở chỗ pha trộn các loại gạo với nhau để tạo ra sợi mỳ không nhão mà cũng không thô cứng.
Ông nói, lò mỳ này đã giúp kinh tế gia đình ông dần ổn định hơn, vươn lên khá giả theo đúng mơ ước của mình khi rời quê vào trong này. “Tuy vậy, với tôi, thành công hôm nay mới chỉ thực hiện được 50% của ước mơ; 50% còn lại là sẽ cố mở thêm cơ sở, làm thêm máy tráng mỳ, mở rộng thị trường... để đưa mỳ Quảng mình đi nhiều nơi hơn” - ông Dũng bộc bạch.
XUÂN THỌ