A+ A A-

Khởi nghiệp từ giáo dục

          Đối với nhiều cô gái như Hoàng Thị Sinh (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), dường như bỏ làng quê, đồng ruộng vào khu công nghiệp làm công nhân là sự lựa chọn tốt nhất để tự lo cho cuộc sống bản thân, nhưng con đường ấy chưa hẳn là đã thoát khổ, thoát nghèo...

          Nghị lực vươn lên

         Chị Hoàng Thị Sinh (áo dài đỏ, vị trí thứ 2 từ trái qua)

Chị Hoàng Thị Sinh (thứ 2 từ trái qua). Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG         

         Năm 18 tuổi, như bao cô gái cùng làng, chị Sinh tạm gác chuyện học hành đi làm công nhân tại Đà Nẵng. Suốt 1 năm bám trụ với nghề may công nghiệp vất vả, ngoài chuyện ăn uống thiếu thốn, ở trọ chật hẹp còn phải tăng ca liên tục khiến sức khỏe tụt dốc, chị Sinh không thể tiếp tục cuộc sống bấp bênh thực tại. Nhận thấy chỉ có tiếp tục đi học mới là cơ hội để thay đổi, chị định hướng lại con đường cho mình.

         Đặt kế hoạch làm lại từ đầu, chị Sinh đăng ký chuyên ngành kế toán tại Trường Đại học Mở Hà Nội, hệ vừa học vừa làm. Để có tiền đi học, chị làm thêm cùng lúc nhiều công việc như phát tờ rơi, phục vụ quán ăn, nhân viên buồng phòng khách sạn, nhân viên kinh doanh... Thời gian không lên lớp, chị đến các trung tâm nhận dạy kèm. “Cực lắm, nhiều lúc muốn bỏ nhưng biết chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời nên gắng sức” - chị Sinh nói.

        Các bé được trải nghiệm thá»±c tế tại vườn rau của trường 

Các bé trải nghiệm tại vườn rau của cơ sở mầm non Hoàn Trí - nơi chị Sinh làm chủ. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG         

         Trải nghiệm đủ công việc, tiếp xúc nhiều dạng người, học hỏi được nhiều cái hay và sự khắc nghiệt từ môi trường làm việc đã dần thay đổi chị. Từ một cô gái rụt rè, ngại nói, ngại tiếp xúc, chị dần giao tiếp tốt, cởi mở hơn và bắt đầu có sự quan sát. Thời gian làm việc cho một trung tâm gia sư, chị tìm hiểu nhu cầu bổ sung kiến thức của học sinh, phụ huynh. Nhận thấy nhu cầu về giáo dục thì luôn luôn phát triển, chị bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trung tâm gia sư của riêng mình.

         Khi phong trào viết chữ đẹp rộ lên, nhu cầu rèn chữ của học sinh ngày càng nhiều nhưng chưa thực sự có lớp học chuyên về rèn viết chữ đẹp, chị Sinh lặn lội ra Hà Nội theo học khóa viết chữ đẹp. Sau đó về mở lớp. Rất nhiều học sinh theo học lớp của chị đã có thành tích tốt trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp quốc gia, vì thế lớp học thu hút rất đông học viên. “Bất cứ một nghề nghiệp nào cũng đòi hỏi sự yêu thích và gắn bó mới có thể hiệu quả được. Riêng với nghề này, yêu thích trẻ con và có kiến thức cơ bản về môn học là một yêu cầu bắt buộc” - chị Sinh chia sẻ.

       Các bé tại cÆ¡ sở mầm non Hoàn Trí  luôn được trang bị những kỹ năng cần thiết của cuộc sống  

Các bé luôn được trang bị những kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG         

          Bén duyên nghề dạy học

        Để bổ sung chuyên môn, chị Sinh tiếp tục theo học bằng 2 chuyên ngành sư phạm mầm non. Năm 2007, sau khi hoàn thành tấm bằng đại học, chị thử nghiệm mô hình nhóm trẻ mầm non, và cơ sở mầm non Hoàn Trí (Đà Nẵng) ra đời từ đó. Những ngày đầu rất nhiều khó khăn, vốn ít, non kinh nghiệm từ việc xây dựng giáo án, cơ sở vật chất, quản lý nhân sự… đều là tay ngang. Nhưng bằng tâm huyết, sự quyết tâm, bền bỉ của mình, chị cố gắng học hỏi, triển khai và hoàn thiện dần qua từng ý kiến đóng góp.

          Tổ chức lớp học với định hướng lấy trẻ làm trung tâm để phát triển toàn diện, song song với việc làm tốt công tác nuôi dưỡng các cháu, các cô giáo còn tìm kiếm nguyên vật liệu để sử dụng làm đồ dùng học tập với những công việc gần gũi như quét nhà, nhặt rau, làm bánh... Qua đó giúp trẻ vừa học vừa chơi, bổ sung kiến thức. “Trước đây, tôi luôn phải tìm giải pháp để tối ưu lợi nhuận, bài toán kinh tế phải đặt lên hàng đầu. Bây giờ hoàn toàn ngược lại, bài toán về chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu” - chị Sinh chia sẻ.

          Cùng theo chị Sinh, mở một nhóm mầm non khác với việc kinh doanh, nhất là khi phụ huynh đang có xu hướng đầu tư cho con cái nhiều hơn. Đến nay, cơ sở Hoàn Trí đã khá rộng lớn với quy mô 7 tầng, trong đó 4 tầng làm lớp học; diện tích còn lại được ưu tiên làm không gian vui chơi, vận động cho các bé. Đặc biệt, khu vườn hữu cơ trên tầng thượng diện tích hơn 100m2 được biến thành vườn trồng rau, các loại cây ăn quả, nuôi gà… để hàng ngày các bé được tự do trải nghiệm giúp các cô từ việc bón phân, chăm sóc cây, hái rau.

Đồng thời, bé cũng được thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích như trải nghiệm thiên nhiên, tham gia hoạt động từ thiện ở địa phương, tổ chức hội thi vào các dịp lễ với nhiều trò chơi tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái... Từ đó, tạo niềm vui cho các bé đến trường, góp phần tạo cho trẻ tính mạnh dạn và dần phát triển đồng đều về tư duy, ngôn ngữ, tình cảm.

          Xuất phát điểm từ một cô gái nông thôn, đến nay ở tuổi 36, chị Sinh đã là chủ cơ sở mầm non với hơn 15 giáo viên, nhân viên. “Bản tính người Quảng Nam rất thật thà, chịu khó. Nhờ trải nghiệm thực tế qua nhiều công việc đã cho tôi những kinh nghiệm quý báu. Không ngừng học hỏi với quyết tâm vượt qua thực tại và luôn thay đổi theo yêu cầu công việc, đã giúp tôi có được kết quả ngày hôm nay. Tôi hiểu rằng, không ai khác ngoài sự nỗ lực bản thân mới có thể tạo ra kết quả của chính mình” - chị Sinh đúc kết.

HUYỀN PHƯƠNG

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19805704
Hôm nay
Hôm qua
1077
8748