Trong hai ngày 16 và 17 tháng 3 (nhằm ngày 11 và 12 tháng 2 âm lịch) đông đảo người dân làng Thu Bồn (huyện Duy Xuyên) và du khách đã tập trung về lăng Bà Thu Bồn để tham dự Lễ hội Bà Thu Bồn.
Lễ hội Bà Thu Bồn là dịp để người dân địa phương bày tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của Bà cho dân làng được bình an, ấm no. Theo người dân trong làng, Bà Thu Bồn là công chúa vua Mây, khi bị bao vây Hoàng Thành, nhà vua và công chúa cỡi ngựa chạy lên Phường Rạnh để tránh nạn. Trên đường đi, 2 người bị ngã ngựa chết, xác công chúa trôi về làng Thu Bồn, dân làng vớt xác Bà mang đi chôn. Năm đó, làng Thu Bồn có bệnh dịch đậu mùa, Bà linh ứng nhập hồn cho thuốc cứu người thoát dịch.
Các bô lão trong làng thực hiện nghi lễ dâng hương lên Bà Thu Bồn.
Cũng có chuyện kể rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng người Chăm, Bà bị giặc giết chết, xác Bà trôi về làng Thu Bồn, nhân dân vớt xác bà đem đi chôn. Năm đó vùng Thu Bồn hạn hán mất mùa, nhân dân đói khổ cơ hàn, Bà linh ứng về giúp dân chống đói, từ đó mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, người dân vùng sông nước Thu Bồn ăn nên làm ra hơn, khi gặp sóng to gió lớn được Bà che chở, bảo hộ…
Hội thi “Nữ công gia chánh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duy Tân tổ chức.
Gói các loại bánh truyền thống để dâng cúng Bà Thu Bồn.
Trò chơi đi cà kheo.
Hô hát bài chòi.
Lễ hội Bà Thu Bồn gồm phần lễ và phần hội với rất nhiều hoạt động như: lễ rước sắc phong Bà; lễ đại tế; lễ rước nước; chơi các trò chơi dân gian; đêm hội lửa thiêng; thả hoa đăng trên sông Thu Bồn; thi đấu võ thuật cổ truyền; biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam…
Chế biến ẩm thực Chăm.
Mang bánh vào lăng để dâng lên cúng Bà Thu Bồn.
Đoàn rước sắc phong Bà.
Ngay từ sáng sớm, bà con đã kéo nhau về tại lăng Bà Thu Bồn để tham dự lễ hội, từng đoàn người vào dâng hương và lễ vật.
Tại phần hội, bà con tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, hát bài chòi, thi đánh bóng chuyền, hội thi nữ công gia chánh, đua thuyền… Không khí diễn ra rất sôi nổi, ngập tràn tiếng cười, bà con nhiệt tình tham gia các trò chơi trong sự đoàn kết, yêu thương của tình làng nghĩa xóm.
Ông Hồ Ngọc Tuấn (Chủ tịch UBND xã Duy Tân – Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn năm 2019) cho biết: “Ngoài những nghi lễ truyền thống, Ban tổ chức luôn tạo sự mới mẻ trong phần hội qua từng năm, vừa để thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con vừa để quảng bá được lễ hội truyền thống của địa phương đến với đông đảo du khách thập phương”.
Cũng theo ông Tuấn, điểm mới của lễ hội Bà Thu Bồn năm nay là có sự xuất hiện lần đầu tiên của các hoạt động như: thi đấu võ thuật cổ truyền; biểu diễn lân sư rồng và biểu diễn dân ca kịch Quảng Nam.
Tuy có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, song tất cả đều có chung đặc điểm nổi bật: Bà là một cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài óng ả, Bà là hiện thân của lòng yêu thương con người, làm cho dân an quốc thái, là biểu tượng của đạo đức, là tình đoàn kết các cư dân và các dân tộc trong vùng, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai địch họa và đói nghèo.
LÊ VĨNH