Sau những mất mát trong chiến tranh, người và đất Duy Xuyên, Quảng Nam đang hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ.
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Theo thống kê của Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Duy Xuyên, từ năm 1968 đến 1975 tại các xã: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Phước, Duy Sơn, Duy Trinh và Duy Thành đã xảy ra 9 vụ thảm sát 206 người dân vô tội. Với những hậu quả gây ra, đã có nhiều tổ chức từ thiện và thanh niên Hàn Quốc trở về Duy Xuyên trong chương trình thanh niên hòa bình Việt - Hàn với mục đích khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Cụ Trương Thị Xuyến, một nạn nhân may mắn thoát nạn trong vụ thảm sát ở xóm Bài, thôn Vân Quật, Duy Thành, Duy Xuyên cho biết: “Năm 2001 những người Hàn Quốc sang thăm và tặng tôi 15 triệu đồng để xây dựng nhà. Chiến tranh cũng đã lùi xa nên những hoạt động này phần nào an ủi những người đã khuất và động viên những người thân trong gia đình chúng tôi”, cụ Xuyến chia sẻ.
Cánh đồng sen Trà Lý
Theo đánh giá của UBND huyện Duy Xuyên, những hoạt động thông qua Tổ chức Nawauri, một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc như xây dựng trường học, làm đường đã minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc trong việc hàn gắn những vết thương chiến tranh. Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Bốn cho biết: “Thời gian tới Tổ chức Nawauri đang phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên hỗ trợ xây dựng Trung tâm văn hóa hữu nghị Việt - Hàn để tăng cường mối quan hệ giao lưu, giúp đỡ cho những người con Duy Xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.
Chung tay xây dựng quê hương
Quê hương ngày càng đổi thay
Chiến tranh kết thúc, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, những người con trên mảnh đất Duy Xuyên đã nỗ lực không ngừng để vượt qua những khó khăn, thách thức. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Duy Xuyên Nguyễn Thanh Hải, tính đến thời điểm này, toàn huyện còn 6,8% số hộ nghèo, giảm 16,2% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2014. Huyện có 13 xã, 1 thị trấn nhưng đến nay đã có 5 xã về đích nông thôn mới gồm Duy Hòa, Duy Thành, Duy Trinh, Duy Sơn và Duy Phước. “Huyện cũng đang phấn đấu năm 2018 có 3 xã về đích nông thôn mới gồm Duy Vinh, Duy Trung và Duy Châu. 3 xã còn lại gồm Duy Thu, Duy Phú và Duy Tân sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và về đích nông thôn mới trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, bình quân thu nhập đầu người của toàn huyện năm 2017 đạt khoảng 35,6 triệu đồng/người/năm. Đây là mức bình quân không cao so với nhiều địa phương khác, song so với bình quân thu nhập đầu người của Duy Xuyên cách đây 5 năm là tăng vượt bậc. Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Bốn cho biết, để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Duy Xuyên được HĐND tỉnh ra nghị quyết và UBND tỉnh đồng ý cho thành lập một số cụm công nghiệp và mở các tuyến đường, giúp người dân và doanh nghiệp đi lại dễ dàng, thuận tiện. “Đến nay huyện đã xây dựng được 5 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Tuy An diện tích 100ha; Cụm công nghiệp Đông Yên (xã Duy Trinh 6ha); cụm công nghiêp Lang Châu Nam (xã Duy Phước), cụm công nghiệp Gò Mỹ (xã Duy Tân) và cụm công nghiệp Cồn Đu (xã Duy Châu). Hiện tại huyện đang có chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất ở các cụm công nghiệp của huyện, ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản với nguyên liệu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, ngoài ưu điểm là nằm giáp TP Đà Nẵng và có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, huyện Duy Xuyên cũng đã được kết nối với các địa phương khác bằng việc xây dựng các cây cầu nối với các địa phương như cầu Giao Thủy, nối Duy Xuyên với huyện Đại Lộc; cầu Cửa Đại nối Duy Xuyên với thị xã Hội An và xây dựng đường liên huyện nối Duy Xuyên với huyện Nông Sơn phá thế cô lập trước đây”, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Bốn phấn khởi cho biết.
Hiện Duy Xuyên đang kêu gọi thu hút đầu tư khu nghỉ dưỡng Nam Hội An với diện tích 985,5ha với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD do Tập đoàn Châu Đài Phát (Hong Kong) làm chủ đầu tư. Trong tương lai, khu nghỉ dưỡng này đi vào hoạt động, Duy Xuyên sẽ kết nối với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh như Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và TP Đà Nẵng để khai thác di lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.