Bùi Tiến Tuấn (sinh 1971 tại Hội An, hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) là một trong số ít họa sĩ đương đại tạo được ấn tượng thú vị trong giới thưởng lãm, sưu tập tranh lụa hiện nay. Trong những nét thú vị có tính căn bản nhất, đó là việc anh dùng lụa truyền thống của làng Mã Châu để kể câu chuyện đương thời của phái nữ thị thành.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Ngoài vài chục triển lãm nhóm trong nước và quốc tế, Bùi Tiến Tuấn đã có nhiều triển lãm cá nhân như: Những hình nhân trên đường phố (2007), Lụa (2009), Phù phiếm (2011, 2012, 2014), Sợi chỉ đỏ (2013), Hơi thở nhẹ (2017, 2018). Anh cũng xuất bản sách nghệ thuật Hơi thở nhẹ, dày gần 200 trang, nhìn lại hành trình 10 năm cầm cọ chuyên nghiệp (2007-2017).
Hiếm hoi
Bùi Tiến Tuấn cho biết từ khoảng năm 2009 đến nay, anh đã vẽ hàng trăm mét lụa Mã Châu, bên cạnh hàng trăm mét lụa từ các nguồn khác. Có dịp so sánh về vật liệu, anh cho biết lụa Mã Châu tạo được hiệu ứng màu và bề mặt riêng, có chiều sâu đặc biệt về thị giác. Chính vì vậy, khi vẽ cũng cần cách xử lý khác, không thể theo phương thức và kỹ thuật sẵn có.
Hàng trăm bức tranh từ lụa Mã Châu của Bùi Tiến Tuấn đã theo chân các nhà sưu tập đi khắp năm châu. Có lẽ anh là họa sĩ hiếm hoi “chuyển thể” thành công lụa Mã Châu từ lĩnh vực may mặc sang lĩnh vực hội họa.
Tác phẩm Tiểu thư trong váy hoa của Bùi Tiến Tuấn.
Lý do vì sao chọn vẽ trên lụa Mã Châu? “Lụa Mã Châu chịu thử thách lớn trước lụa Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21, nhiều người phải đóng khung cửi, làng nghề đìu hiu. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản hay là mình ghé Mã Châu mua ít lụa về vẽ, biết đâu người ta thấy còn có người mua lụa thì còn dệt lụa. Sau đó tôi về dạy khoa lụa tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM một số năm, đây cũng là dịp để giới thiệu lụa Mã Châu đến với sinh viên. Sau này thấy lụa Mã Châu hồi sinh, tôi cũng có chút vui lây, biết đâu có phần đóng góp nhỏ nhoi của mình trong đó”- Bùi Tiến Tuấn chia sẻ.
Tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn cũng rời xa các chủ đề quen thuộc của tranh lụa truyền thống như đình chùa, thôn xóm, cây đa, bến nước, mục đồng, khói lam chiều… để đi vào phái nữ thị thành. Họ là những chủ thể đã dời bước khỏi nhà máy, công trường để đến với đời sống thời trang, hưởng thụ hơi phù phiếm.
“Người phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn là một đoạn tuyệt với phần lớn những lối miêu tả về phụ nữ trước đây trong tranh lụa, kể từ các trường mỹ thuật Đông Dương, Gia Định và Huế, cho tới các họa sĩ gần đây. Không còn nữa những vẻ đẹp lý tưởng quá vãng. Không còn nữa trạng thái tĩnh hoặc thụ động bằng những tư thế ước lệ - mà thước đo vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam vốn là sự nền nã, tức là lấy tính nết đứng đắn, thùy mị và sự kín đáo làm vẻ đẹp cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Giờ các nàng bước ra khỏi không gian xưởng vẽ, ra thế giới hiện đại bên ngoài, chốn phồn hoa đô thị hào nhoáng và cám dỗ” - nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng nhận định.
Còn với diễn viên Hồng Ánh thì: “Cảm giác khao khát, tò mò nhưng chẳng cần sở hữu, chiếm đoạt là điều quan trọng nhất mà những phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn đem lại cho người xem. Vì thế mà tranh anh luôn mang cảm xúc tích cực, tươi vui cho người treo, khác với nhiều bức tranh lụa trước đây, thường mang cho ta cảm giác… buồn thê thảm. Buồn từ câu chuyện, bố cục, tạo hình cho tới màu sắc, ánh sáng”.
Muốn canh tân phải đủ bản lĩnh
Gần gũi với Bùi Tiến Tuấn từ nhỏ, lúc còn là cậu học trò mê vẽ, nhà thơ Phùng Tấn Đông biết rõ hành trình tìm tòi của họa sĩ này, nên gọi lụa là cuộc trở về. Anh chia sẻ: “Về với lụa. Chưa nói đến việc Tuấn đã ứng xử như thế nào về chất liệu để thoát khỏi định phận mượt mà, dịu dàng, thơ mộng, lãng mạn… của chất liệu này, riêng sự miêu tả về con người và sự vật đã có sự khác biệt. Phụ nữ đương đại với những sắc thái nhục cảm đến khó cưỡng, trở thành nguồn mỹ cảm miên man, dẫu cơ hồ cũng rất mong manh, cũng thật phù phiếm trong thế giới vật chất đầy lôi kéo nhưng bất định”.
Nhà nghiên cứu Phạm Long cũng đồng tình: “Những bố cục khá độc đáo, thân mật, thường là cận cảnh, tạo nên tình cảm gần gũi không ranh giới giữa các nàng và ta. Hòa sắc trong tranh êm ả, không màu mè, và luôn có những điểm nhấn thi vị. Bùi Tiến Tuấn thành công trong việc tạo dựng được bầu không khí trữ tình ám ảnh mọi cảnh huống, mọi cử chỉ, đó là điều hiếm gặp ở các họa sĩ ở ta hiện nay, nhất là khi chọn “chiến khu nude” làm nơi thi triển họa pháp”.
Còn với nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng thì: “Tranh của Bùi Tiến Tuấn có khả năng tạo được ấn tượng thị giác ngay lập tức - theo cảm nhận của riêng tôi - là do tính độc đáo về bố cục. Tuấn là người khá cầu toàn trong việc tìm bố cục cho những tác phẩm của mình, vì thế bao giờ anh cũng có nhiều bản phác thảo cho một bức tranh và đã lựa chọn được phương án tối ưu. Từ bố cục cân đối/tràn tranh đến những bố cục lệch/buông, ta vẫn thấy những điểm nhấn - có khi đó là cả một thân thể, có khi đó chỉ là những mái tóc, những bờ môi, những chiếc xịp… - để tạo ra một tổng thể hài hòa”.
Bùi Tiến Tuấn hoàn toàn sở đắc được kỹ thuật và tích lũy đủ năng lượng để đi đường xa. Trong hành trình này, lụa Mã Châu sẽ còn cùng anh viết nên nhiều câu chuyện thú vị.
HIỀN HÒA