Theo lệ hằng năm, dân làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) lại cùng nguyện cầu bình an viếng Dinh Bà Đá (Dinh Bà Chiêm Sơn) và tổ chức lễ hội Bà vào những ngày 10, 11 và 12 tháng Giêng âm lịch với các nghi lễ truyền thống như: rước kiệu Bà, lễ tế mục đồng và các trò chơi dân gian đặc sắc, hát bài chòi, thả hoa đăng.
Chiêm Sơn là một trong những làng xã được hình thành rất sớm vào thế kỷ XV ở Quảng Nam. Thời kỳ sau lại thêm trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm như văn học dân gian có câu "Chiêm Sơn là lụa mỹ miề / Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng”.
Theo tài liệu còn lưu giữ tại Dinh bà làng Chiêm Sơn thì, ngay từ buổi đầu lập làng người dân dựng dinh thờ vị nữ thần ở Chiêm Sơn, tổng Mậu Hoà với nhiều huyền thoại còn ẩn chứa về một tảng đá hình tượng giống như người đàn bà, dân trong vùng gọi là Bà Đá. Một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu từ làng Chiêm Sơn có ý định thử mang Bà Đá về làng mình. Họ đã chuyển Bà Đá về làng để thờ trong ngôi chùa sau các vị phật, nhưng vừa đi qua ngọn đồi Chiêm Sơn bỗng nhiên dây thừng khiêng bị đứt. Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất không thể nâng lên được nữa. Người dân cho rằng Bà đã quyết định ở ngay đó.
Để thỏa nguyện thiên ý, tám người chăn trâu liền xây dựng một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, hướng ngôi miếu nhìn ra nơi mà họ tìm thấy tảng đá. Dân làng Chiêm Sơn cho rằng Bà Đá là một vị phúc thần luôn luôn phù trợ và tạo phúc cho dân làng, từ xưa đến nay đã nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, côn trùng phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì khỏi. Có lần cả tỉnh bị hạn hán khủng khiếp, dân làng Chiêm Sơn đến khẩn cầu Bà Đá thì tức khắc mưa đã rơi xuống ngay giữa buổi đang làm lễ tế cúng và hương đèn còn đang cháy. Sự linh nghiệm của Dinh Bà Chiêm Sơn còn được lưu truyền nhiều huyền tích dân gian.
Hiện nay, Dinh Bà có một pho tượng cao khoảng 1 mét, tư thế ngồi tự nhiên làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Tượng được tạc vào khoảng thế kỷ XVIII. Năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân, Bà được sắc phong là Thái Dương Phu nhân, đến năm Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh với danh hiệu”Trung Đẳng Thần” (Hai sắc phong này đang lưu trữ tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Năm 1937, Hội Folklore Đông Dương cũng rất quan tâm nghiên cứu Dinh Bà đã gửi công văn cho Đốc học Quảng Nam tại Hội An đề nghị các giáo sư trung học Mỹ Xuyên Đông, Thanh Châu, phủ Duy Xuyên báo cáo về lịch sử, văn hóa, lễ hội ở Dinh Bà Thanh Chiêm (các báo cáo bằng tiếng Pháp lưu trữ tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Với những tài liệu hiện nay, có thể khẳng định rằng Dinh Bà Chiêm Sơn là một trong những nơi tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu - Mẹ xứ sở mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác trong tỉnh Quảng Nam: Bà Thu Bồn (Duy Xuyên), Bà Chợ Được (Thăng Bình), Thất vị nữ thần ở Điện Bàn... Tín ngưỡng dân gian này đã từng song hành theo bước chân cư dân Việt ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào phương Nam, để rồi vừa tích hợp đa nguồn vừa tiếp thu tín ngưỡng thờ nữ thần của người bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm Pa cổ để biến thể trở thành tín ngưỡng của làng xã Việt Nam mà Dinh Bà Chiêm Sơn mà một minh chứng.
Hằng năm nhân dân làng Chiêm Sơn và vùng lân cận tổ chức lệ Bà, lễ vật cúng tế do dân làng sắm sửa gồm cơm, thịt heo và trái cây, ngoài các lễ vật ấy bắt buộc phải có 1 con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn, còn người dân nào có lòng thành thì dâng cúng một đĩa xôi và một con gà luộc, sau lễ tế toàn bộ các lễ vật được cúng tế đều trả lại cho dân trong làng và bắt buộc phải dùng hết trong ngày. Những người dâng lễ hầu hết là các bô lão trong làng Chiêm Sơn, số lượng ban tế lễ từ 20 đến 30 người, được chọn từ các vị cao niên và có uy tín trong làng. Những ngày diễn ra lễ hội, dân làng không ai bảo ai, từ bô lão, đàn ông đàn bà đến những đứa trẻ đều nô nức tham gia hội làng. Những con gà đá to khỏe nhất được tuyển chọn cho cuộc thi chọi gà.
Những ông đồ trẻ viết câu đối chúc hội, cầu cho mưa thuận gió hòa và những trò chơi dân gian thú vị như ném bóng vào rổ, hô hát bài chòi... Đúng 7 giờ sáng ngày 12 tháng Giêng, lễ rước sắc phong xuất phát tại bến Giá Ngự về Dinh Bà. Đoàn người tế lễ, lính khiêng kiệu, lính hộ tống về Dinh Bà. Lễ hội Bà Chiêm Sơn tổ chức tưng bừng đến hết ngày 12 tháng giêng với các nghi lễ truyền thống: rước kiệu Bà, lễ tế mục đồng và các trò chơi dân gian đặc sắc.
Lễ hội Bà Chiêm Sơn không chỉ có phần tế lễ trang trọng và linh thiêng mà ở cả phần hội cũng được tổ chức với nhiều hình thức phong phú và đa dạng, là một loại hình văn hoá tâm linh của cộng đồng làng xã ở xứ Quảng Nam được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hoá hằn sâu trong tâm thức, trong nếp nghĩ và ước vọng sống của người dân. Thông qua lễ hội này, sự đoàn kết gắn bó của người dân cộng đồng làng xã thêm thắm thiết hơn.
Năm 2007, lễ hội Bà Chiêm Sơn được công nhận Di tích văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Trong tương lai, tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, xã Duy Trinh sẽ hình thành liên kết tuyến tham quan văn hóa lịch sử để du khách đến thăm các di tích. Trong đó di tích Dinh Bà Chiêm Sơn gắn với lễ hội xuống đồng, lễ tế mục đồng... rất độc đáo mà ít nơi ở Quảng Nam còn giữ được, là một nét son tự hào về truyền thống văn hóa làng xã của người dân đất Quảng.
Hoàng Thơ.