Đến thôn Nam Thành, xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên) hỏi thăm mộ Ông Thầy hay mộ Hai Bia thì ai cũng biết nhưng hỏi thêm đó là mộ của ai lại nhận được những cái lắc đầu! Ngôi mộ cổ đơn sơ đắp đất có hai tấm bia chính là phần mộ của thầy giáo Nguyễn Đức Chính, từng làm Tả tham tri bộ Lại dưới triều Tự Đức.
Một vị quan thanh liêm
Mộ Nguyễn Đức Chính ở Duy Trung, Duy Xuyên. Ảnh: Văn Thành Lê
Nguyễn Đức Chính (còn gọi là Chánh) tên tự là Thiện Trai, sinh năm 1802 dưới triều Gia Long, nguyên quán làng Trà Kiệu nay là xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (theo văn bia trên mộ ông). Nhưng không hiểu vì sao tất cả tài liệu viết về ông xưa nay như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí (thời Tự Đức), Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), Quốc Triều hương khoa lục (Cao Xuân Dục), Những ông nghè, ông cống triều Nguyễn (do Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan và Lan Phương), Khoa bảng Quảng Nam dưới các vua triều Nguyễn (Trương Duy Hy và Phạm Ngô Minh) đều cho rằng ông sinh ở làng Thăng Bình, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn.
Lúc nhỏ, Nguyễn Đức Chính nổi tiếng là người thông minh và chăm học. Lớn lên, ông là người có tiếng về văn học, thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831) dưới triều Minh Mạng, làm quan suốt ba triều Minh Mạng (1820 -1840), Thiệu Trị (1840 - 1847) và Tự Đức (1847 - 1883). Con đường hoạn lộ của ông bắt đầu với chức Kiểm thảo sau thăng Hành tẩu ở Nội các tại kinh đô Huế. Nội các là cơ quan hành chính cao cấp trực thuộc nhà vua, đóng trong Tử cấm thành, có nhiệm vụ giúp vua thu thập tin tức, nghiên cứu tình hình và soạn các văn bản để trình lên vua xem trước khi ban hành. Nhờ làm việc mẫn cán và có tài về văn học, ông được thăng Hàn lâm viện thị độc. Tháng 12.1840, ông được cử giữ chức Lang trung ở bộ Binh, rồi thăng lên Tá lý (còn gọi là Biện lý) bộ Binh, sau đó được cử ra Bắc làm Bố chánh Hải Dương. Năm 1846, dưới thời Thiệu Trị, ông được thăng Tham tri ở bộ Binh, sau đó được bổ ra làm Tuần phủ Hà Tĩnh.
Cuối tháng 2.1848, dưới thời Tự Đức, ông được nhà vua gọi về Kinh để chuẩn bị tham gia lễ tế Nam Giao - lễ trọng của triều đình. Tháng 4.1848, ông được thăng hàm Thự thị giảng học sĩ, giữ chức Tham biện ở Nội các. Tháng 8.1848, sau lễ tế Nam Giao, ông được nhà vua giữ lại kinh đô và bổ làm Tả tham tri bộ Lại (tương đương chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ ngày nay - Hàm Tòng nhị phẩm văn ban). Tháng 3.1849, nhân dịp mới mở nhà Kinh diên ở điện Khâm văn trong vườn Cơ hạ, tức là nơi nhà vua thỉnh thoảng đến nghe giảng kinh sách của thánh hiền, Nguyễn Đức Chính được sung làm 1 trong 4 vị Nhật giảng quan đầu tiên của nhà vua. Ông cũng được vua Tự Đức chọn làm Phụ đạo dạy cho các hoàng tử. Cuối năm này, ông được nhà vua cử làm Phó Chủ khảo khoa thi Hội tại kinh đô. Ông mất vì bệnh ngày 17.9.1849, khi đang còn tại chức và ngay nhiệm sở ở Huế, hưởng dương 49 tuổi (Sách Đại nam liệt truyện cho rằng ông mất vào tháng 2.1850). Thấy gia cảnh ông thanh bần nhà vua liền cấp cho 20 tấm lụa và 400 quan tiền để đưa về quê an táng. Sau khi qua đời, vua Tự Đức tưởng nhớ công đức của ông - một trung thần, có công lớn với triều đình lại nổi tiếng thanh liêm nên đã truy tặng ông tước “Trung thuận đại phu táng trị doãn thái thường tự thiếu khanh”.
Ngôi mộ “Hai Bia”
Phần mộ cụ Nguyễn Đức Chính hiện ở tại thôn Nam Thành, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (thường được người dân gọi là mộ “Ông Thầy” hay mộ “Hai Bia”). Đó là ngôi mộ đất bình thường rất đơn sơ, nhìn vào không ai nghĩ đấy là nơi yên nghỉ của một thầy giáo có nhiều môn đồ thành danh, một vị đại thần từng đảm nhận những chức vụ quan trọng trong triều, được nhà vua kính nể về tài năng và đức độ. Điều đặc biệt là ngôi mộ hiện còn hai tấm bia khá lớn và cổ kính. Tấm thứ nhất, có ghi 12 chữ: “ĐẠI NAM THÁI THƯỜNG TỰ THIẾU KHANH NGUYỄN PHỦ QUÂN CHI MỘ” do 6 người con của ông là Nguyễn Đức Nguyên, Nguyễn Đức Ấn, Nguyễn Đức Mỹ, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Đức Kiệm, Nguyễn Đức Ân phụng dựng vào năm Kỷ Dậu - 1849, khi ông vừa mới mất. Nằm phía sau tấm bia này có một tấm bia lớn hơn với kích thước 1,2 x 1,4m bằng sa thạch do 96 người tự nhận là môn sinh của Nguyễn Đức Chính dựng vào năm Canh Tuất - 1850, ghi tiểu sử và ca ngợi tài năng và đức độ của thầy: “Ngài là người có tài trí thông minh, có trình độ học vấn rất rộng lớn, đức độ và tài năng cách biệt với người thường nên ít có người sánh kịp”. Trong số 96 môn đồ tham gia dựng bia này có tiến sĩ Phạm Phú Thứ - Thượng thư bộ Hộ, phó bảng Phạm Tánh - Hành tẩu Nội các, 7 cử nhân và 2 tú tài. Ngoài ra còn 2 thơ lại (nhân viên hành chánh ở các phủ huyện), 1 phó tổng và 54 sĩ nhân (người có học nhưng chưa đỗ đạt).
Nhờ hai tấm bia này mà con cháu tộc Nguyễn Đức đã tìm lại được phần mộ của tổ tiên; người đời sau biết thêm nhiều điều về một danh nhân của quê nhà. Đặc biệt là biết được trước khi đỗ đạt và trở thành một vị quan thanh liêm, mẫn cán, Nguyễn Đức Chánh từng là một thầy giáo uy tín có đông đảo học trò theo học trong đó có nhiều người thành danh. Tấm bia cũng nhắc nhở thế hệ sau nhiều điều về đạo đức của người thầy và những bài học về đạo thầy - trò. Ngôi mộ và hai tấm bia cũng cho thấy thời nào cũng vậy một người làm quan dù giữ những chức vụ cao, có vai trò quan trọng nhưng nếu sống thanh liêm đều chịu cảnh thanh bần! Cho đến nay ngôi mộ mới được phát hiện và chỉ là một ngôi mộ đất đơn sơ ít người biết là vì chiến tranh ác liệt, dòng họ Nguyễn Đức bị mất hết gia phả. Mặt khác do những vênh lệch của các tài liệu cũ về quê quán của ông, trong khi ngày trước vì kỵ húy nên trên bia mộ không ghi rõ tên thật.
Cả hai tấm bia đều bị nhiều vết đạn nên nhiều chữ không còn, nhiều chữ bị mờ, việc đọc được toàn văn trên bia rất khó. Năm 2003, gia tộc Nguyễn Đức và Phòng Văn hóa - thông tin huyện Duy Xuyên đã nhờ ông Nguyễn Đình Bình (ở xã Duy Sơn) đọc và dịch lại toàn văn hai tấm bia trên. Hiện nay ngành văn hóa huyện Duy Xuyên đang xúc tiến lập hồ sơ đề nghị công nhận ngôi mộ của danh thần Nguyễn Đức Chính là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Sách Đại Nam liệt truyện viết: “Đức Chính là người thanh bạch thẳng thắn, trải khắp trong ngoài, làm việc chu đáo cẩn thận”. Còn nhà nghiên cứu Phan Thuận An viết về Nguyễn Đức Chính: “Ông là một con người có được nhiều đức tính cao quý, một nhân cách mẫu mực của mọi thời đại. Huyện Duy Xuyên nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung, rất đáng tự hào về nhân vật lịch sử này của quê hương mình”.
Lê Thí