A+ A A-

Tấm bia cổ giúp sáng lại sử địa làng Mỹ Xuyên

       Năm 2014, dân làng Mỹ Xuyên Tây  phát hiện lại tấm bia cổ có niên hiệuTự Đức 22 (1869), bị vùi lấp trong vườn đình từ thời “tiêu thổ kháng chiến” năm 1947. Khi các nhân sĩ ở địa phương phiên âm được 50 chữ Hán dễ nhận dạng thì được đăng bài ở Tạp chí Văn hóa Quảng Nam (số 131/2016).  Sau đó, Tiến sĩHoàng Thân (Đại học Đà Nẵng), Thạc sĩ Huỳnh Dõng (Đại học Quảng Nam), Đại đức Thích Đồng  Dưỡng (Chùa Ba Phong)và Nho sĩ Trịnh Ngọc Thanh (Khối phố Phước Xuyên) đã phiên âm thêm được 42 chữ, nâng tổng số chữ đọc được lên 92, còn 10 chữ bị vết bom đạn xóa nhòa.

         Văn bia mở đầu bằng 2 câu thơ: “Đường diệp hoa hạ tổng duy ngâm. Thi hiệp phạn phần Tiền nhân ân”. “Phạn” là cơm, trong ngữ cảnh câu thơ thứ 2 thì “Phạn” được dùng với nghĩa là “sự no ấm” lúc tại thế. Chữ “phần” ở câu thơ thứ 2 có nghĩa là “cái mả cao”, ý chỉ “mồ yên mả đẹp” lúc quy tiên. Câu thứ I cho biết các làng trong tổng Mậu Hòa Trung đều ca ngợi cảnh sắc tươi đẹp của làng Mỹ Xuyên Tây; câu thứ 2 khẳng định dân làng Mỹ Xuyên Tây tri ân ngài Tiền hiền đã hào hiệp sung công toàn bộ điền thổ nên đã cho dân làng sự no ấm lúc sinh cư và được mồ yên mảđẹp khi mãn phần. Ngày xưa ngài Tiền hiền trạch trí nhiều cồn cỏ giữa các xóm như Cồn  Khế, Cồn Lữ, Cồn Đô, Cồn Lộ, Cồn Trên, Cồn Leo… vừa để chăn nuôi trâu bò, vừa làm “mộ địa”. Ngày nay, ân đức của ngài Tiền hiền vẫn còn ẩn hiện ở mỗi thửa vườn, xứ bãi và ở Nghĩa địa Gò Khoai.

       Trong phần văn xuôi, văn bia phản ánh nỗi thống khổ của lưu dân do các cuộc nội chiến thời phong kiến gây ra,… (tế tắc tác tang thương chi thời cục tề hoang lạc chi hà y), ca ngợi nét đẹp nhân văn của người Mỹ Xuyên thông qua việc đùm bọc, chở che cho lưu dân (bổn xã kí tòng hòa liệt vi thực tiến chi) và đạo lí đền ơn đáp nghĩa của dân làng đối với Tiền nhân thông qua việc góp xây Nhà Hội hương...

        

         Tấm bia cổ ở đình Mỹ Xuyên Tây đã trở thành động lực thôi thúc các nhân sĩ trong làng nghiên cứu thư tịch cổ và đi điền dã để tìm hiểu về ngôi làng của mình thời xưa nên đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề gây bất ngờ với nhiều người.

        Sách “cựu” Đại Nam nhất thống chí viết dưới thời vua Tự Đức có ghi tên sông Mãi Xuyên tiếp nước cho sông Lang Châu. Kết quả điền dã cho thấy sông Mãi Xuyên ấy chính là con “sông đào” chảy giữa 2 làng Mỹ Xuyên Đôngvà Mỹ Xuyên Tây, chảy qua cầu Học Xá (chợ Chùa), cầu Bảo Toán (cắm nhầm biển Bàu Vân - vốn ở gần Bến xe Duy Xuyên), quanh vô Diều Gà rồi nối với sông Lang Châu để đổ ra Thu Bồn tại hói Chợ Gò ở đông bắc xã Duy Phước.

         Mộc bản “tân” Đại Nam nhất thống chí khắc chữ Hán trên gỗ thời vua Duy Tân, công bố năm 2009, có ghi: Từ thời Gia Long về trước, nhánh chính của sông Thu Bồn chảy từ Giao Thủy xuống Chiêm Sơn, đến Thi Lai (gần Cầu Chìm) thì chia làm 2 nhánh: Một nhánh chảy về hướng đông bắc theo rìa phía tây làng Mỹ Xuyên, gọi là sông Kỉ Thế, đổ ra sông Chợ Củi (chỗ Cầu Đen); một nhánh theo hướng đông nam gọi là sông Dưỡng Chân (Bà Rén) rồi nhập vào dòng Thu Bồn ở Duy Nghĩa. Mộc bản ghi tiếp: “Minh Mạng sơ tuấn VĩnhĐiện hà, thủy thế hựu tòng tiểu giang xung phóng. Sổ thập niên lai, bạch sa bồi ủng trung châu hiệp, nam ngạn thành lộ, nhi Sài Thị giang thâm quảng toại thành đại giang”. Tham chiếu với sách Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng (Nxb KHXH, 2010, tr. 59) thì thấy rằng từ năm 1822 đến 1825, vua Minh Mạng đã 2 lần ra lệnh đào sông Vĩnh Điện nên nước từ Giao Thủy tuôn chảy về nhánh sông nhỏ ở phía bắc để vừa đổ nước vào sông Câu Nhí (sông Vĩnh Điện) vừa biến sông Sài Thị (Chợ Củi) thành dòng chính của sông Thu Bồn. Còn nhánh chính sông Thu Bồn vốn ở phía Duy Xuyên thì lại bị bồi lấp nhanh chóng, đến thời vua Thành Thái (1889-1907), bạch sa đã bồi lấp lòng sông, tạo nên các gò bãi như Lệ Bắc (Duy Châu), Vạn Buồng (Duy Trinh) và chắc chắn đã bồi lấp dòng sông Kỉ Thế tạo nên các xứ đất tân bồi như Dạng Loan, Gò Gùi, Xác Chè, Thủy Nhai, Bắc Tư Thổ, Sa Học Điền, Giang Tâm,... ở phía tây làng Mỹ Xuyên Tây. Nhiều vị cao niên còn thuộc bài thơ Quê hương của Thông Thoại (một Thông ngôn thời Pháp thuộc, tên là Thoại, nguyên quán ở Mỹ Xuyên Tây) hơn 50 năm xa quê trở về, thảng thốt thành thơ khi thấy sự bồi lấp sông Kỉ Thế:

            Sông xưa nước chảy lững lờ,

         Mà nay sông lấp bao giờ chẳng hay?

             Nào đò Ba Bến là đâu,

          Gần xa chỉ thấy bãi dâu, nổng gò! (còn 8 câu nữa)

        Nhờ sách Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn được phiên dịch và công bố năm 2010 (Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nên chúng ta biết rằng từ xưa đến thời vua Gia Long, làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây  có tỉ lệ đất công điền công thổ cao nhất tổng Mậu Hòa Trung, đồng thời cũng cao nhất trong 3 huyện Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa, trong khi các làng tứ cận với làng Mỹ Xuyên như Hạt Toán, Mỹ Khê cựu, Mỹ Khê Tân, Vĩnh Lại, Trung Lương, Bà Mã Châu, Thi Lai,… đều có 100% đất là tư điền tư thổ. Điều đó chứng tỏ rằng ngài Tiền hiền Lê Quý Công là người giữ vai trò quyết định việc “trưng công” toàn bộ điền thổ để “quân cấp” (quân: bình quân) cho dân làng hết đời này đến đời khác suốt từ thời Lê Sơ cho đến năm 1975. Năm 1988 thực hiện “khoán 10, chia đất bình quân cho nông dân”, thì các nhân sĩ trong làng Mỹ Xuyên cho rằng “Ông Lê Quý Công là “cộng sản” từ hơn 500 năm trước!”

        Tên làng Mỹ Xuyên Tây có ghi trong Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn viết năm 1776 và trong Gia phả hậu duệ họ Mạc ở Trà Kiệu viết năm Dương Hòa 2 (1642). Còn làng Mỹ Xuyên có ghi trong Ô châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An viết năm 1553. Như vậy, làng Mỹ Xuyên đã tách thành Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây trước năm 1642. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), vua Chiêm Thành cử sứ bộ sang nước ta. Vua ta sai Lê Nhữ Lãm hỏi họ rằng: Đồng ruộng xứ Cổ Lũy vốn là đất của ta. Nhân lúc nước ta bị giặc Minh đô hộ, các ngươi cướp lấy để tự vỗ béo mình, tới nay vẫn không nói đến việc trả lại là tại làm sao?” Năm 1435 nhà Lê chỉ hỏi sứ Chiêm Thành về đất Cổ Lũy (Quảng Ngãi) mà không hỏi đất Chiêm Động (Quảng Nam), chứng tỏ vùng đất Chiêm Động đang thuộc quyền cai quản của nước ta, nghĩa là đã có nhiều làng Việt ở đan xen thế da báo với làng Chăm tại Quảng Nam trước năm 1435. Vậy làng Mỹ Xuyên có từ bao giờ?

       Lịch sử ghi rằng đầu thời Lê Sơ (1428-1459) đã xảy ra “quốc loạn”sát hại hàng  loạt công thần như Hữu tướng quốc Trần Nguyên Hãn (1429), Thái úy Lê Văn Xảo (1430),  Đại hành khiển Nguyễn Trãi (1442),… Do đó, nhiều tướng sĩ trong 60 vạn quân đánh Chiêm Thành thời ấy đã ở lại vùng đất Quảng Nam lập nghiệp, trong đó có Chánh Đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công. Văn tế một số tộc ở địa phương có ghi: “Do ngộ quốc loạn, tùng phụ nhi tẩu, đáo lai bổn xứ khai điền lập ấp, thác thổ khai biên.” (do gặp quốc loạn, bỏ chạy theo cha, đến xứ đất này khai hoang lập ấp, thác thổ khai biên). Vì thế, có thể chấp nhận tương truyền rằng làng Mỹ Xuyên được thành lập trong giai đoạn đầu của thời Lê Sơ, cách nay đã ngót 600 năm.

          Nét đặc trưng của đình Mỹ Xuyên Tây  là thờ Tiền hiền ở bàn thờ chính, còn Thần Nông được thờ ở miếu nhỏ trong vườn đình. Thủy tổ các tộc Đặng, Cao, Trương, Trần, Trình, Phạm, Võ, Văn, Nguyễn,… giúp ngài Tiền hiền lập làng, gọi là “hậu hiền tiền thứ”, còn Thủy tổ các tộc nhập cư ở các thế kỉ sau gọi là “hậu hiền hậu thứ”, đều được thờ ở bàn “Hậu hiền”; những người có công giúp dân làng no ấm hoặc làm rạng danh làng đều được thờ ở bàn “Tiền bối”.

          

            Phát hiện đá móng Đình làng Mỹ Xuyên

         Ban Văn thư làng đang sưu tầm các mẩu chuyện hoặc văn thơ dân gian ở địa phương, nghiên cứu thần tích miếu xóm, gia phả, văn tế, văn bia cổ, họ tên các trưởng làng qua các thời kì, thống kê số tộc hiện có,… Ban trị sự làng đã cho xây Cụm bia và một Đài đá tri ân Tiền nhân trong vườn đình để bảo tồn và trực quan. Phòng Văn hóa- Thông tinhuyện Duy Xuyên đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Quảng Namxếp hạng di tích cấp tỉnh cho Đình Tiền hiền Mỹ Xuyên Tây.

  Trần Văn Hảo 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19805891
Hôm nay
Hôm qua
1264
8748