A+ A A-

Công sự trong lòng dân - Điểm tựa của cách mạng

         Có một khu vực tại xã Xuyên Mỹ - nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên - ghi dấu nhiều kỷ niệm khó quên trong ký ức của những người từng tham gia phong trào đấu tranh cách mạng những năm 1969 - 1975. Đây cũng là vùng trọng yếu, giao nhau với nhiều địa điểm quan trọng và góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang trong chống Mỹ. Đó là khu vực xóm Đình Long Xuyên, nơi có nhiều hầm công sự (hầm bí mật) mà mỗi lần họp mặt, các đồng chí lão thành cách mạng vẫn thường nhắc lại để nhớ về một thời oanh liệt đã qua.

          Ví trí hầm bí mật tại nhờ thờ tộc Nguyễn do ông Nguyễn Trừng quản lý. Ảnh: PHAN VINH

Ví trí hầm bí mật tại nhờ thờ tộc Nguyễn do ông Nguyễn Trừng quản lý. Ảnh: PHAN VINH             

         Những ngày đầu tháng 9.2019, chúng tôi trở về xóm Đình Long Xuyên, xã Xuyên Mỹ (nay là khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước) để tìm hiểu về những căn hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ.

            Những công sự đầu tiên

          Bà Phạm Thị Thanh một trong những người tham gia đào hầm bí mật ở xóm Đình kể, khoảng năm 1968, chồng bà là ông Nguyễn Công Thanh được bầu giữ chức Bí thư xã Xuyên Mỹ. Lúc bấy giờ, trong nhà mỗi hộ dân đều có một hầm tránh bom mìn, nhà bà Thanh cũng vậy. Nhưng vì công việc của một Bí thư xã, căn nhà ông Thanh thỉnh thoảng là nơi tổ chức các cuộc họp và cũng là nơi lui tới thường xuyên của các đồng chí cán bộ huyện, nên bên trong căn hầm tránh bom mìn, vợ chồng ông Thanh đào thêm một hầm bí mật để các đồng chí cán bộ tránh lúc nguy cấp, và là nơi đầu tiên trong xóm Đình Long Xuyên đào hầm bí mật làm nơi ẩn nấp cho cán bộ.

          Vì là “hầm trong hầm” nên căn hầm bí mật rất rộng, sau ngày giải phóng bà Thanh cho xây dựng lại nhà mới, lấp căn hầm cũ với diện tích vừa đủ làm gian nhà dưới có bếp ăn (rộng khoảng 50m2). Lần đáng nhớ nhất khi nhắc về hầm bí mật, bà Thanh kể rõ chi tiết về những sự kiện năm 1969. Thời điểm ấy, sau cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch ra sức càn quét nhằm lấy lại địa bàn và “dằn mặt” quân cách mạng. Căn cứ làm việc của chính quyền cách mạng 2 xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu (đều thuộc thị trấn Nam Phước ngày nay) nằm tại xóm Tân Tây - khu vực phía bên kia sông Bà Rén thuộc địa phận xã Xuyên Mỹ nhưng trong vùng giải phóng cùng với các xã Phú Duyên, Phú Thạnh là xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn) ngày nay.

          Căn cứ này bị địch thường xuyên đánh phá bằng ca-nông và tấn công trực diện. Chính vì vậy, các đồng chí cán bộ của 2 xã Xuyên Mỹ và Xuyên Châu cùng lực lượng du kích địa phương phải bơi qua sông, vào xóm Đình Long Xuyên để tránh tổn thất lực lượng. Có một lần, dưới căn hầm bí mật của nhà bà Thanh đã có 3 cán bộ và 15 du kích ẩn náu. Một số du kích trú tại các hầm bí mật của nhà ông Nguyễn Văn Phiến và nhà thờ tộc Nguyễn do ông Nguyễn Trừng quản lý. Nhờ có 3 hầm bí mật này mà sau một số đợt càn quét của địch, cán bộ và du kích địa phương cơ bản được bảo toàn lực lượng.

          Ngoài ra, những lần họp Chi bộ, Đảng bộ vào giai đoạn 1969 - 1970, những căn hầm bí mật ở xóm Đình Long Xuyên cũng phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ nuôi giấu cán bộ cấp huyện lúc bấy giờ. Trong đó, thường xuyên lui tới có các đồng chí Nguyễn Văn Dương, Đoàn Văn Lộc (nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên) và đồng chí Vương Bông (nguyên cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Duy Xuyên).

          Chết cũng không khai!

          Sau nhiều đợt càn quét nhưng vẫn không “xóa sổ” được căn cứ Tân Tây, địch bắt đầu đặt nhiều nghi vấn rằng cán bộ và lực lượng du kích địa phương đã ở đâu? Và xóm Đình Long Xuyên, khu vực hoang vắng giáp với xóm Tân Tây là nơi địch nhắm đến đầu tiên. Chính vì vậy, đầu năm 1970, chúng tổ chức nhiều đợt truy lùng, lục soát những căn nhà ở khu vực xóm Đình. Nhà nào chúng cũng xới tung, người nào chúng cũng gặng hỏi. Đối với những ai nghi ngờ, chúng dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man để tìm câu trả lời.

          Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Công Thanh đã hy sinh vào cuối năm 1969 và bà Phạm Thị Thanh không nằm ngoài danh sách bị chúng nghi ngờ. Bà kể, lần đó, bà bị địch bắt đi vì cho rằng gia đình bà có liên quan đến cách mạng. “Chúng tra hỏi không thành rồi bắt đầu dùng những đòn tra tấn. Ban đầu, chúng dùng thanh cây lớn, đánh liên tục vào người tôi đến lở da và lấm máu. Sau đó, chúng hòa bột xà-bông và ớt bột vào một xô nước rồi đổ vào miệng tôi, bắt tôi phải khai ra nơi chứa cán bộ. Nghĩ là đường nào cũng chết khi đã rơi vào tay địch nên tôi mặc kệ. Chúng tiếp tục dùng thân ghế dài đè lên bụng tôi và 2 thằng đứng 2 bên nhún nhảy. Tôi đau đớn, cứng đờ như xác chết, vậy mà chúng cũng không dừng. Đến khi tôi ngất đi thì chúng mới đưa tôi về nhà” - bà Thanh kể.

          Sau khi đưa bà Thanh về nhà, địch bắt đầu đặt mìn xung quanh nhà bà nhằm gài bẫy cán bộ cách mạng có thể lui tới đây. Kể từ đó, những căn hầm bí mật của bà Thanh, ông Phiến, ông Trừng không còn phát huy công năng được nữa vì đã bị lộ. Đây cũng là lý do khép lại giai đoạn 1 phân kỳ lịch sử về những căn hầm bí mật ở xóm Đình Long Xuyên.

PHAN VINH

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19805722
Hôm nay
Hôm qua
1095
8748