UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng
ở Duy Xuyên. Đây sẽ là cơ sở để Duy Xuyên tiến hành các bước đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới.
Việc quy hoạch vùng huyện Duy Xuyên là
vùng lưu trữ di sản văn hóa thế giới, di tích văn hóa lịch sử gắn với làng nghề
truyền thống làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ bền vững. Đồng thời là
một trong ba khu vực cấu thành cụm động lực phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Với mục
tiêu: Làm công cụ điều phối, kiểm soát quá trình phát triển đô thị, nông thôn
trên địa bàn toàn huyện. Làm cơ sở cho công tác lập quy hoạch đô thị và nông
thôn; xây dựng kế hoạch, triển khai đầu tư xây dựng trong khu vực đô thị, nông
thôn và các khu chức năng khác theo quy hoạch.
Theo qui hoạch, dự báo đến năm
2020 dân số toàn huyện đạt khoảng 153 ngàn dân. Trong đó,
dân số đô thị đạt khoảng 48 ngàn dân; dân số nông thôn đạt khoảng 105 ngàn dân. Đến năm 2020, tỉ lệ đô thị hoá dự kiến đạt khoảng 31,2%.
Huyện
Duy Xuyên được hình thành theo mô hình đa trung tâm. Trong đó, xác định kết nối
Đông - Tây là mối liên kết nội vùng và các mối liên kết Bắc – Nam là mối liên
kết ngoại vùng thông qua các tuyến giao thông liên vùng như: tuyến ven biển Việt
Nam đi qua vùng Đông của Huyện; tuyến Quốc lộ 1A đi qua vùng Trung của Huyện;
tuyến ĐT 609B nối từ Quốc lộ 14B qua cầu Giao Thủy kết nối tuyến ĐT610 đi qua
vùng Tây của Huyện và các huyện Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức.
Huyện
Duy Xuyên được phân chia theo 3 vùng: Vùng
Đông, vùng Trung và vùng phía Tây của Huyện. Vùng Đông, là khu vực Duy Nghĩa,
Duy Hải. Hình thành trung tâm đô thị với hướng phát triển Thương mại - Dịch
vụ - Du lịch. Với động lực phát triển dựa trên hiệu quả lợi thế cảnh quan
tự nhiên đặc trưng của bờ biển, hạ lưu sông Thu Bồn và vùng sinh thái khu rừng
dừa nước ngập mặn ven sông, việc khôi phục phát triển các làng nghề truyền
thống với các sản phẩm gắn liền với nguồn liệu khai thác từ vùng nông thôn.
Vùng Trung, là
khu vực Nam Phước, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Phước và phía Đông tuyến đường cao
tốc, thuộc các xã Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh. Hình thành vùng phát triển
tổng hợp. Với động lực phát triển dựa trên tuyến Quốc lộ 1A là trục đối
ngoại chính kết nối Hội An, Điện Bàn và khu vực phía Bắc huyện Thăng Bình; đô
thị Nam Phước là trung tâm Chính trị - Kinh tế - Văn hóa của huyện, cùng với
khu vực phát triển dịch vụ Trà Kiệu và các cụm công nghiệp Tây An,
Đông Yên, Làng nghề An Phước.
Vùng Tây, là
vùng phía Tây tuyến đường cao tốc, gồm các xã: Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Châu, Duy Hòa, Duy Phú, Duy Thu và
Duy Tân. Hình thành vùng phát triển theo hướng đặc thù gắn với không gian xanh,
không gian di tích, lễ hội, làng nghề. Với động lực là đầu mối giao thông
thông qua kết nối với Đại Lộc và TP Đà Nẵng về phía Bắc, với Nông Sơn, Quế
Sơn, Hiệp Đức về phía Nam. Định hướng quy hoạch phát triển khu vực Kiểm Lâm đạt
tiêu chí đô thị loại 5 trong giai đoạn sau của quy hoạch.
Trên
địa bàn huyện phát triển khoảng 6 cụm công nghiệp, bao gồm: cụm công nghiệp Tây
An; cụm công nghiệp Gò Dỗi; cụm công nghiệp Lang Châu Nam; Cụm công nghiệp Cồn
Đu; Cụm công nghiệp Gò Nô; Cụm công nghiệp Tây An, với tổng diện tích khoảng
156ha.
Phát
triển các làng nghề gắn với các điểm du lịch, theo hướng du lịch văn hóa- làng
nghề - sinh thái cộng đồng - du lịch biển. Trong đó có 3 khu vực chính: Khu vực
Mỹ Sơn và các điểm phụ cận, sản phẩm chính là du lịch di tích văn hoá, với điểm
nhấn là Di sản văn hoá Thế giới Mỹ Sơn; đồng thời phát triển khu vực hồ Thạch
Bàn thành khu du lịch sinh thái làm vùng phụ cận gần của Mỹ Sơn.
Đối
với khu vực bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh- Chăm Pa và các điểm phụ cận, sản phẩm
chính là du lịch văn hoá- sinh thái- làng nghề, với các điểm đến là bảo tàng
văn hoá Sa Huỳnh- Chăm Pa, khu du lịch sinh thái Duy Sơn và các làng nghề trồng
dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa: Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai- Phú Bông.
Làng du lịch
sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu và các điểm phụ cận, sản phẩm chính của khu vực
này là du lịch sinh thái sông nước, gắn với làng nghề. Với các điểm tham quan,
du lịch: tượng đài Vĩnh Trinh; Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu; Văn miếu Hàng Huyện;
Tượng đài chiến thắng Thu Bồn; Làng nghề dâu tằm Duy Trinh; Khu du lịch sinh
thái Duy Sơn; Bãi tắm Duy Hải; Làng du
lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu; Làng nghề gốm sứ La Tháp; Lăng mộ Bà Đoàn
Quý Phi; Đồi 45; Làng nghề tơ lụa Mã Châu; Thành Trà Kiệu; Bảo tàng Văn hoá Sa
huỳnh – Chămpa; Di tích lịch sử Đồn Hòn Bằng; Khu du lịch sinh thái Đồng Lớn;
Khu di tích lịch sử cách mạng Hòn Tàu
Hình
thành mạng lưới thương mại và dịch vụ về cơ bản dựa trên mạng lưới đô thị, các
điểm dân cư tập trung trên địa bàn. Nâng cấp xây dựng các trung tâm thương mại
tại đô thị Nam Phước, thị tứ Trà Kiệu, đô thị Kiểm Lâm hình thành các trung tâm
thương mại đa ngành, là đầu mối cung cấp hàng hoá trong vùng.
Xây
dựng các hệ thống trung tâm dịch vụ tiểu vùng tại các trung tâm xã, để hỗ trợ
phát triển các đô thị vừa và nhỏ, các cụm công nghiệp và cung cấp các dịch vụ
cần thiết cho khu vực nông thôn.
Xây
dựng chuỗi đô thị vùng đông bao gồm hai xã Duy Nghĩa và Duy Hải, Trung tâm
thương mại, dịch vụ, du lịch và hậu cần nghề cá cung cấp lao động và nguyên
liệu thủy- hải - sản cho khu vực Nam Hội An. Dự kiến dân số đạt 50.000 người;
mật độ dân số khu vực nội thành, nội thị trên 6.000 người/km2.
Đối
với vùng trung của huyện, xây dựng đô thị Nam Phước, có diện tích khoảng 14,5
km2. Đây là, trung tâm tổng hợp, có vai trò là trung tâm Hành chính, Chính trị,
Kinh tế và Văn hóa của huyện. Dự kiến quy mô dân số trên 35.000 người; mật độ
dân số khu vực nội thị hơn 5.000 người/km2. Nam Phước sẽ trở thành đô thị loại
4 giai đoạn 2015-2020.
Đối
với vùng tây của huyện xây dựng đô thị Kiểm Lâm, thuộc xã Duy Hòa, là trung tâm
tổng hợp, có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH của khu vực phía Tây vùng huyện.
Dự kiến xây dựng Kiểm Lâm trở thành đô thị loại 5 với quy mô dân sốt 10.000
người. Đến năm 2020, xây dựng thị trấn Nam Phước trở thành đô thị loại 4.
Theo
qui hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, khu vực vùng Đông, gồm trung tâm xã Duy
Vinh, Duy Phước, Duy Thành. Trong giai đoạn dài hạn (2020-2030) phát triển
trung tâm xã Duy Thành, Duy Vinh kết nối với khu vực Bàn Thạch hình thành trung
tâm cụm xã khu vực vùng Đông của huyện Duy Xuyên; định hướng phát triển dọc
theo sông Bàn Thạch và tuyến ĐH6.
Đối
với vùng Trung, gồm trung tâm xã Duy Trung, Duy Sơn, Duy Vinh. Trong giai đoạn
dài hạn (2020-2030) phát triển các trung tâm xã vùng trung kết nối với khu vực
Trà Kiệu hình thành trung tâm cụm xã vùng Trung huyện Duy Xuyên; định hướng
phát triển dọc theo tuyến ĐT610 và mở rộng về phía Nam tuyến ĐT610 kết nối cụm
công nghiệp Tây An.
Đối
với vùng Tây, gồm các trung tâm xã Duy Châu, Duy Hòa, Duy Tân, Duy Thu, Duy
Phú. Trong giai đoạn 2015-2020 phát triển trung tâm xã Duy Hòa kết nối khu vực
Kiểm Lâm hình thành trung tâm cụm xã vùng Tây của huyện Duy Xuyên. Trong giai
đoạn 2020-2030 phát triển khu vực này đạt tiêu chí đô thị loại 5; định hướng
phát triển dọc sông Thu Bồn và mở rông về phía Nam tuyến ĐH10 dọc theo tuyến
ĐT609B.
Hoàng Thơ