Dù kinh phí do tỉnh cấp không nhiều nhưng nhờ
biết lồng ghép các nguồn vốn khác, đặc biệt là huy động được sức mạnh toàn dân
nên hơn một năm qua xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) đã thực hiện đạt hiệu quả khâu
xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh và hỗ trợ phát triển sản xuất. Đây là
những phần việc hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới...
Những ngày này, tranh thủ trời nắng ráo nhân dân thôn Trà Kiệu Tây (Duy
Sơn) hối hả đổ bê tông xi măng trên 2 tuyến đường chính với chiều dài hơn
1.200m. Ông Lưu Văn Ân – Trưởng thôn Trà Kiệu Tây cho biết, trước đây con đường
từ nhà thờ tộc Dương đến nổng bà Xíu và từ ngả bà Nhựt vào hội trường thôn đã
được bê tông hóa nhưng chỉ với bề ngang 4,5m. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
việc đi lại, xã Duy Sơn vừa quyết định nới chiều rộng của 2 tuyến đường này lên
6m với tổng giá trị đầu tư 850 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ một nửa,
còn lại nhân dân đóng góp. Theo ông Ân, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên
nhiều người dân trong thôn đều ủng hộ chủ trương trên. Điều đáng mừng là có đến
150 hộ dân xung phong chặt phá cây cối, đập bỏ nhiều tường rào đã xây dựng kiên
cố, hiến gần 2.000m2 đất cho việc thi công kịp tiến độ, đúng thiết kế. Ông Ân
nói: “Nếu lòng dân không thuận thì không dễ gì mở rộng được 2 con đường này bởi
theo ước tính sơ bộ số tiền đền bù thiệt hại về đất đai, vật kiến trúc đã lên
đến 260 triệu đồng”.
Nhìn bức tường rào vừa tháo dỡ còn ngổn ngang, ông Phan Văn Thu – một
người dân thôn Trà Kiệu Tây chia sẻ: “Tuy có thiệt hại về vật chất nhưng tinh
thần của tui và bà con nơi đây đều rất phấn khởi. Việc mở rộng đường sá chắc
chắn tạo ra bộ mặt nông thôn mới, sẽ phục vụ lợi ích cho đời mình cũng như thế
hệ mai sau”. Thời gian qua, Chi bộ cùng Ban nhân dân thôn Trà Kiệu Tây còn vận
động con em địa phương đang sinh sống, làm việc xa quê hỗ trợ 125 triệu đồng để
xây dựng hệ thống cống thoát nước và đắp hàng nghìn mét khối đất vào 2 tuyến
đường trên.
Ông Trần Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, từ ngày phát động
xây dựng nông thôn mới (31.5.2011) đến nay, nhờ kết hợp nhiều nguồn vốn hỗ trợ
và tích cực huy động sức dân nên địa phương đã bê tông hóa được 13km đường giao
thông nông thôn với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn xã
còn hiến 40 sào đất, đóng góp 1.500 ngày công để mở các tuyến giao thông nội
đồng với tổng chiều dài hơn 8,5km. Ông Ba nói: “Trong số 35,2km đường giao
thông nông thôn thì đến thời điểm này Duy Sơn đã kiên cố hóa được 60%. Thời
gian tới, nếu được sự tiếp sức từ phía Nhà nước thì chắc chắn nhân dân sẽ chung
tay góp sức thi công dứt điểm trước năm 2014”.
Do đưa vào sử dụng đã quá lâu nên đến nay chợ Trà Kiệu đã xuống cấp
nghiêm trọng. Trước tình trạng trên, ngoài số tiền 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của
chương trình xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2011 huyện Duy Xuyên quyết định
đầu tư thêm 7,6 tỷ đồng giúp xã Duy Sơn xây mới khu phố chợ Trà Kiệu. Hiện nay
các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, dự kiến trong
một tháng nữa khu phố chợ Trà Kiệu sẽ hoàn thành. Công trình này đi vào hoạt
động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa
giữa nhân dân Duy Sơn với các địa phương lân cận. Chợ đầu mối này bố trí hơn
200 gian hàng, chủ yếu là các loại nông sản chủ lực và những nhu yếu phẩm phục
vụ đời sống dân sinh…
Duy Sơn có tổng cộng 503ha đất canh tác lúa. Để chủ động nguồn nước tưới
phục vụ cho nông dân sản xuất, thời gian qua ngành nông nghiệp và chính quyền
địa phương rất chú trọng đầu tư cho thủy lợi. Chỉ tính riêng từ giữa năm 2011
đến nay, ngoài việc đầu tư gần 25 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa hồ chứa Phú
Lộc, xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng kiên cố hóa 2km kênh mương chính tại khu vực
đồng Cả (thôn Trà Châu) và đồng Vườn (thôn Phú Nham Đông). Theo thống kê, đến
thời điểm này có hơn 85% diện tích lúa của địa phương đảm bảo nước tưới cả 2 vụ
sản xuất.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn ở
huyện, xã Duy Sơn cũng tích cực giúp nông dân đưa những loại giống lúa có chất
lượng cao, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của địa
phương vào gieo cấy đại trà. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn
nhằm chuyển giao rộng rãi quy trình canh tác mới cho nhà nông. Ông Trần Thịnh -
Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi: “Thời gian qua nhờ được đầu tư đồng bộ
nhiều khâu nên hàng loạt cánh đồng lúa trên địa bàn Duy Sơn liên tục được mùa.
Nếu năm 2008 trở về trước, năng suất lúa bình quân toàn xã chỉ đạt 52 tạ/ha thì
nay đã tăng lên 58 tạ/ha”.
Không chỉ vậy, hiện Duy Sơn cũng đã tạo dựng được rất nhiều mô hình sản
xuất giống lúa hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Chủ
nhiệm Hợp tác xã Duy Sơn 2 cho biết, từ năm 2010 đến nay vụ nào đơn vị cũng
liên kết với các doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ 280 hộ dân thôn Trà Kiệu Tây và
Kiệu Châu sản xuất 40ha giống lúa thuần hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn
bộ đầu ra của sản phẩm với cách quy đổi 1kg hạt giống bằng 1,2kg thóc thịt. Ông
Nguyễn Quang Lực – một người dân ở thôn Trà Kiệu Tây hồ hởi: “Nhờ sản xuất
giống lúa mà bình quân mỗi vụ một sào đất cho mức thu nhập tăng thêm 600 - 800
nghìn đồng. Trong khi đó, công chăm sóc và chi phí đầu tư cũng tương đương như
làm lúa thương phẩm.
Nguồn VPUBND Tỉnh