Huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có 33 xã, thị trấn. Xã Trường Sơn là một trong số 11 xã điểm của tỉnh Thanh Hóa về xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Xã Trường Sơn có diện tích tự nhiên 582 ha. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới toàn xã có 1.180 hộ với 4.883 nhân khẩu. Đây là vùng chiêm trủng, đại đa số sống về nông nghiệp, thương mại dịch vụ và một số nghề phụ như chằm nón lá truyền thống, mây tre đan. Cũng giống như nhiều địa phương của huyện Duy Xuyên chúng ta, khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới Trường Sơn có điểm xuất phát thấp, thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 8,7 %. Hệ thống giao thông nông thôn phần nhiều còn là đường đất, mùa mưa lụt lầy lún, đi lại khó khăn. Tuy nhiên đây là địa phương có hệ thống chính trị vững vàng, đảng bộ có 272 đảng viên, nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh. 8/8 nhà văn hóa làng của xã Trường Sơn đạt danh hiệu văn hóa các cấp, đây chính là nền tảng để xã Trường Sơn xây dựng nông thôn mới.
Phó bí thư- Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên Nguyễn Duy Quang trao tặng bức tranh di sản VHTG Mỹ Sơn
cho xã Trường Sơn, huyện Nông Cống
Đồng chí Phạm Minh Chính, tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Nông Cống và đồng chí Phạm Hữu Diện, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn trực tiếp đưa đoàn công tác huyện Duy Xuyên gồm 30 thành viên là là Bí thư, phó bí thư, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và trưởng, phó các ban ngành của huyện, do đồng chí Nguyễn Duy Quang-Phó bí thư thường trực huyện ủy, chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn đến thăm quan, tìm hiểu tình hình kinh tế xã hội, công tác xây dựng nông thôn mới tại xã Trường Sơn.
Sau khi tham quan toàn cảnh xã Trường Sơn, chúng tôi cảm nhận nét đẹp văn hóa làng ở xã Trường Sơn khá đặc sắc. Toàn bộ khuôn viên các nhà văn hóa làng có diện tích từ 2.000 m2 trở lên, rợp mát bóng cây xanh, có sân luyện tập thể thao; tất cả các nhà văn hóa làng đều được xây dựng rất khang trang, vị trí trang trọng nhất của nhà văn hóa có lăng tẩm thờ Thần Hoàng, có bia ghi danh thờ các liệt sỹ của làng. Đến với nhà văn hóa làng ở đây mọi dân đều cảm nhận sự tôn nghiêm, giao hòa giữa tâm linh và hiện đại. Hiện 8/8 làng đều có cổng làng được xây dựng theo phong cách cổ, với giá trị xây dựng mỗi cổng làng từ từ 200 triệu đồng đến trên 400 triệu đồng, hệ thống giao thông trong làng đều được lót bê tông rộng thoáng, phần lớn bằng sự đóng góp của nhân dân địa phương và ủng hộ của con em xa quê. Bí thư đảng ủy xã Trường Sơn Phạm Hữu Diện cho biết “ Nhờ UBND huyện Nông Cống vận dụng cơ chế của tỉnh Thanh Hóa, cho phép Trưởng Làng có quyền ký hợp đồng kinh tế có giá trị đến 1 tỷ đồng, đã tạo điều kiện cho các làng tạo được nguồn quỹ để đầu tư cơ sở hạ tầng của làng, đẩy nhanh được tốc độ xây dựng xã nông thôn mới ở đây”.
Khu Trung tâm của xã Trường Sơn được quy hoạch rất tốt, đường giao thông 2 làn xe có vạch phân cách cứng, giữa trồng cây xanh, nhà văn hóa của xã đang xây dựng đồ sộ sắp hoàn thành với giá trị đầu tư trên 8,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh, huyện đầu tư 3,5 tỷ đồng, phần còn lại do xã tự lo. Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã và Ban công tác mặt trận làng được huyện đánh giá là thực hiện xuất sắc công tác vận động các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vậy, đến tháng 5/2013 theo kết quả kiểm tra của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Nông Cống, xã Trường Sơn đạt 19/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó tiêu chí về bình quân thu nhập đạt trên 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5 %, nhà ở nông thôn đạt chuẩn của Bộ xây dựng trên 80 %; đề nghị Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh hóa phúc tra công nhận trong tháng 7 tới đây.
Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Trường Sơn Phạm Hữu Diện cho biết thêm: “ Ở xã Trường Sơn vào những dịp lễ, tết cán bộ xã đến cán bộ làng đều không ăn tết ở nhà. Ngày mùng một Tết các làng đều tổ chức lễ cúng Thần Hoàng, dâng hương liệt sỹ tại Nhà sinh hoạt làng, sau đó họp mặt bà con của làng làm ăn xa về thăm quê hương, báo cáo kết quả làm ăn của làng năm qua, kiểm điểm trách nhiệm của làng những việc chưa làm được, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm đến, xin ý kiến đóng góp của bà con, đề nghị mọi người cùng chung tay góp sức thực hiện. Và vào ngày mùng hai Tết là cán bộ xã họp mặt với con em làm ăn xa về thăm quê, cũng phương thức làm như ở các làng, nhưng ở tầm cao hơn. Cán bộ xã từ Bí thư Đảng ủy đến Chủ tịch UBND xã thông báo tất tật công việc của xã từ thuận lợi đến khó khăn, sẵn sàng nhận khuyết điểm với bà con về những việc năm trước chưa thực hiện được, và đề nghị bà con ai có khả năng bao nhiêu thì cố gắng giúp đỡ cho quê hương bấy nhiêu với tinh thần cầu thị, minh bạch, công khai. Nhờ vậy, địa phương đã huy động tối đa được nguồn lực, trí tuệ của bà con xa quê đóng góp xây dựng nông thôn mới”
Đoàn đại biểu huyện ủy Duy Xuyên Quảng Nam đặt vòng hoa, thắp hương tại đền liệt sỹ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
Đồng chí Phạm Hữu Chính, Tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Nông Cống tâm sự “ Qua kiểm tra, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Nông Cống xét thấy xã Trường Sơn đạt 19/19 tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới từ năm ngoái, nhưng còn chần chừ vì trục đường chính của xã Trường Sơn là tuyến đường Quốc lộ 25 chạy qua đang xuống cấp, tuy không thuộc trách nhiệm của huyện, của xã song chưa thấy thỏa mãn, nên liên tục làm tờ trình UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư nâng cấp, và năm nay tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư 16 tỷ đồng nâng cấp đoạn đường nầy, chúng tôi mới chính thức đề nghị Ban chỉ đạo nông thôn mới tỉnh phúc tra công nhận xã Trường Sơn đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới”
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, giữa xã Trường Sơn, huyện Nông Cống và các xã của Huyện Duy Xuyên chúng ta có đặc điểm riêng biệt, nhưng tất cả cùng hướng về điểm đích đến là đạt 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhưng xã Trường Sơn, huyện Nông Cống đến đích trước 2 năm, nhờ vào công tác quy hoạch bài bản, thực hiện quy hoạch bài bản, và tác nhân quan trọng nhất mà mọi người tâm đắc chính là phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên sự đồng thuận đóng góp công sức, tiền của trong nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp của những người con làm ăn xa quê hướng về cội nguồn xây dựng nông thôn mới rất mạnh mẽ, và vai trò của Trưởng, phó làng và các đoàn thể của làng, của Tộc họ trong làng tham gia xây dựng nông thôn mới được phát huy cực đại.
Đấy sẽ là kinh nghiệm quý đối với lãnh đạo các địa phương của huyện Duy Xuyên trong tiến trình xây dựng nông thôn mới thời gian đến./.
Quang Giác