Khi Nhà nước có chủ trương nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, hàng chục hộ dân ở thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã tình nguyện hiến đất ở, vườn của gia đình để sớm bàn giao mặt bằng thi công.
Xe múc san ủi mặt bằng đường bê tông ở thôn Hà Mỹ. Ảnh: N.Q
Những ngày này về thôn Hà Mỹ, chúng tôi thấy người dân đang khẩn trương xây dựng lại tường rào, cổng ngõ sau khi hiến đất làm đường nông thôn. Để có đủ diện tích mở rộng tuyến đường nông thôn từ 2,5m lên 7,5m, mỗi hộ dân ở đây đã tình nguyện hiến bình quân khoảng 200m² đất và tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, chặt bỏ nhiều cây cối các loại.
Tuyến đường bê tông cũ với chiều dài hơn 300m đã được xe múc san ủi bằng phẳng, bề mặt vật kiến trúc dọc hai bên tuyến đường này đã được thu dọn thông thoáng; dọc đường chỉ còn hàng trụ điện thắp sáng đang chờ ngành điện lực di dời vào bên trong.
Đáng nói, khi làm lại tường rào cổng ngõ mới rất tốn kém chi phí, song nhiều hộ dân trong thôn không đòi hỏi Nhà nước bồi thường, hỗ trợ kinh phí mà tự bỏ tiền túi ra đầu tư xây dựng. Cạnh đó, họ còn tình nguyện nộp thêm 6 - 7 triệu đồng để thuê xe múc san ủi, mua cát, sạn, xi măng để chuẩn bị làm đường.
Bà
Ba đã hiến hàng trăm mét vuông đất đế mở rộng đường. Ảnh: N.Q
Điển hình như hộ gia đình bà Võ Thị Ba (thôn Hà Mỹ) là một trong những hộ tiên phong và hiến nhiều đất nhất cho việc mở rộng, nâng cấp đường nông thôn. Bà Ba cho biết, gia đình bà có truyền thống cách mạng, cha hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà nội là mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sống độc thân nuôi mẹ già hơn 90 tuổi, điều kiện kinh tế gia đình tạm ổn định.
Khi chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất, bà đã thuê thợ tháo dỡ tường rào, cổng ngõ bằng bê tông kiên cố và hiến hơn 200m² đất. Ngoài ra, bà còn đóng góp thêm 6 triệu đồng để có kinh phí làm đường khi chính quyền thôn vận động.
“Tuyến đường liên thôn đi qua nhà tôi quá hẹp, mùa mưa hay bị ngập lụt, ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Nay, Nhà nước có chủ trương mở rộng, nâng cấp đường nông thôn, tôi thấy mừng lắm vì được hiến phần đất của gia đình để mở rộng con đường” – bà Ba chia sẻ.
Nhiều hộ dân đang làm lại tường rào cổng ngõ mới. Ảnh: N.Q
Tương tự, ông Nguyễn Tấn Thiết (SN 1972, thôn Hà Mỹ) cho hay, khi chính quyền thôn thông báo việc mở đường và phân tích thấu đáo về lợi ích mang lại của nông thôn mới, gia đình ông nhất trí lùi tường rào vào trong để mở rộng lòng đường.
Ông Thiết nói: “Để hiến đất mở đường, gia đình tôi đã phá bỏ toàn bộ tường rào cổng ngõ với chiều dài khoảng 22m. Làm lại các công trình nói trên khá tốn kém tiền bạc và ngày công, nhưng để đồng hành góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nên người dân rất đồng tình ủng hộ với chủ trương của xã, của thôn. Đặc biệt, trong quá trình tháo dỡ, xây mới, bà con trong thôn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau nên các phần việc đều được triển khai nhanh chóng”.
Ông Nguyễn Nở - Bí thư Chi bộ thôn, kiêm Trưởng thôn Hà Mỹ cho biết, toàn thôn có 473 hộ/1.815 nhân khẩu. Hiện nay, thôn đang nâng cấp, mở rộng 2 tuyến đường nông thôn với chiều dài 377m, có 37 hộ tình nguyện hiến đất. Nhà nước hỗ trợ kinh phí 60% mặt đường bê tông, còn Nhân dân tự nguyện hiến đất, đối ứng 40% kinh phí để giải phóng mặt bằng, đổ cấp phối…
Theo ông Nở, 2 tuyến đường bê tông trên được đổ bê tông kiên cố, song nhiều năm sử dụng, mưa lụt khiến mặt đường xuống cấp, đi lại khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, bà con ai cũng phấn khởi tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền với mong muốn con đường mới thay đổi diện mộ nông thôn.
"Vừa qua, thôn Hà Mỹ phát động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đã hoàn thiện 9/10 tiêu chí; nâng cấp, mở rộng đường nông thôn cũng là một trong những tiêu chí quan trọng” – ông Nở nói.
Còn ông Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh thông tin, năm 2019 xã về đích nông thôn mới. Năm 2022 - 2023, hai thôn Vĩnh Nam và Hà Mỹ mở rộng, nâng cấp đường nông thôn, một số thôn khác còn khó khăn về kinh phí chưa nên chưa thực hiện. Những trụ điện đang nằm trên tuyến đường ở thôn Hà Mỹ, chính quyền xã cũng đã đề xuất với ngành điện lực di dời trong thời gian tới.
NGUYỄN QUỲNH