Chiều ngày 8.1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 5 năm qua từ 2018 đến 2022 cho thấy, trên địa bàn huyện Duy Xuyên, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và thu gom tăng dần. Từ năm 2018, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khoảng 90%, đến năm 2022 tỷ lệ thu gom đạt khoảng 98% và hiện tại rác thải ở 14/14 xã, thị trấn được thu gom. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh năm 2022 hơn gần 18.733 tấn, trong khi đó chất thải rắn sinh hoạt thu gom đạt 18.359 tấn. Thị trấn Nam Phước có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nhiều nhất, chất thải rắn sinh hoạt các xã có tỷ lệ thu gom tương đối cao.Nhưngvẫn còn một lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường mà không được thu gom đưa đi xử lý theo quy định. Qua tính toán số liệu cho thấy, huyện Duy Xuyên có khối lượng rác thải phát sinh được thu gom bình quân đầu người tương đối thấp, xã có bình quân thấp nhất là Duy Thành, khoảng 0,2kg/người/ngày, thị trấn Nam Phước bình quân cao nhất toàn huyện khoảng 0,45 kg/người/ngày, các xã còn lại bình quân khoảng 0,24-0,37 kg/người/ngày.
Nhiều ý kiến tham gia phản biện
Dự thảo đề án đã đưa ra những giải pháp cho chương trình phân loại, giảm thiểu rác thải; phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau khi phân loại phù hợp với từng đối tượng; phấn đấu đến cuối 2025 có 100% hộ dân và đơn vị trên địa bàn huyện được trang bị kiến thức về phân loại, quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 14 xã, thị trấn.Trên địa bàn các xã nông thôn, các khu vực tập trung tỷ lệ nhà có vườn cao triển khai việc phân loại theo hình thức sau khi phân loại được chủ nguồn thải tự xử lý bằng cách chất thải thực phẩm làm phân hữu cơ tại hố rác gia đình hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, theo đó chỉ còn loại chất thải rắn sinh hoạt khác phát sinh cần được thu gom, vận chuyển là các chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng thì chủ nguồn thải tự thu gom để bán phế liệu hoặc thu gom theo các mô hình giảm thiểu rác thải, gây quỹ tại địa phương. Đến năm 2030 khi hạ tầng kỹ thuật cho việc thu gom chất thải riêng biệt theo 2 loại được đáp ứng đảm bảo trên địa bàn huyện, sẽ triển khai công việc này trên khu vực các xã, thị trấn có tỷ lệ hộ không có vườn là chủ yếu Đối với thị trấn Nam Phước khoảng 80%, 13 xã còn lại khoảng 20% bao gồm hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thu gom, vận chuyển riêng biệt gồm chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác là các chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng thì chủ nguồn thải tự thu gom để bán phế liệu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn góp ý nhiều nội dung quan trọng của đề án. Xoay quanh việc thực hiện quy hoạch khu xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện, các đại biểu cho rằng cần nêu cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc triển khai đề án; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng và đến với các tầng lớp nhân dân; tổ chức thí điểm việc phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại một địa phương sau đó nhân rộng ra toàn huyện.
Ngoài ra, các đại biểu còn nêu một số khó khăn trong công tác quy hoạch bãi tập kết rác và việc thu phí môi trường tại địa phương và việc bất cập trong phân loại thu gom xử lý chất thải rắn giữa công ty môi trường với người dân ...; cần tổ chức khen thưởng động viên các khu dân cư, hộ gia đình làm tốt việc thu gom phân loại rác thải rắn tại nguồn; bên cạnh đó ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý trong việc triển khai thực hiện Đề án phân loại, thu gom vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện.
Đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã đã tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm đồng thời ghi nhận, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý, kiến nghị của các đại biểu và tổng hợp đầy đủ gởi cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện Đề án trình HĐND huyện thông qua trong kỳ họp đến.
Tuyết Mai