Hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ
lần thứ XIX về nông nghiệp - nông thôn và 3 năm triển khai thực hiện chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới, huyện Duy Xuyên đã thực hiện
thành công mô hình cánh đồng lớn. Mô hình này đã từng bước góp phần đem lại
những thành công, làm thay đổi quan trọng diện mạo nông thôn và cải thiện đời
sống của nông dân.
Xây dựng cánh đồng
lớn là một trong những nhiệm vụ then chốt nhằm chuyển dịch nền sản xuất nông
nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Để đạt được hiệu quả tối ưu là
phải đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa gắn với đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng, như kiên cố hóa giao thông nội đồng và kênh mương; đưa cơ
giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để
hình thành các cánh đồng lớn, liền vùng, liền thửa. Đồng thời kết nối nông dân sản
xuất nhỏ lẻ lại và liên kết với doanh nghiệp để phát huy tốt nhất tiềm năng,
lợi thế của từng địa phương. Đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng với sự
đồng thuận trong cán bộ và nhân dân, sự tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, dân chủ,
công khai nên công tác dồn
điền, đổi thửa trong những năm qua trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả
khá tốt. Tổng diện tích đã
thực hiện là 1.539 ha, diện tích đã được cải tạo, chỉnh trang là 724 ha. Từ 4,7
thửa/hộ và 570m2/thửa dồn điền, đổi thử lại còn 2,4 thửa/hộ và 1050m2/thửa;
kiên cố hóa được 76 km kênh mương và 25 km đường giao thông nội đồng, kéo đương
điện ra đồng dài 98 km, để nông dân đóng giếng phục vụ tưới đất màu. Trên địa
bàn huyện đã xây dựng được 11 cánh đồng kỹ thuật với 372 ha, chuyên sản xuất
lúa giống và cơ cấu sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao. Ba cánh đồng rộng 23
Ha ở xã Duy Phước, Duy Trung và Duy Hòa, chuyên sản xuất rau theo hướng an toàn.
Hai cánh đồng rộng 118 Ha ở thôn Lệ Bắc
và thôn Thanh Châu, xã Duy Châu, chuyên sản xuất cây công nghiệp hằng năm và
cây thực phẩm. Huyện ưu tiên nguồn kinh
phí hơn 23,5 tỉ đồng để xây dựng cánh đồng lớn, trong đó ngân sách tỉnh chiếm
17%, ngân sách huyện chiếm 38% và còn lại là ngân sách xã, hợp tác xã và nhân
dân đầu tư.
Quathực
tiển sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn đối với cây lúa
trên đồng đất Duy Xuyên cho thấy, đã đạt được 5
giảm: giảm lượng giống do ngâm ủ tập
trung và sạ bằng công cụ sạ hàng; giảm chi phí làm đất do phương tiện đảm bảo
liên hoàn; giảm số lần phun thuốc trừ sâu bệnh do công tác dự báo
kịp thời và phòng trừ đồng bộ; giảm chi phí nước tưới nhất là các trạm bơm
điện, tiết kiệm được nguồn nước từ hồ đập, đồng thời vừa giảm chi phí làm đất
và thu hoạch do đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, vừa giải phóng sức lao động
cho người nông dân. Và đạt được 2 tăng, tăng từ 10 - 15% năng suất lúa; lợi nhuận tăng từ 4 -8 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với cánh đồng lớn do các HTXNN: Duy Hòa 2, Duy Phước, Duy Thành, Duy Sơn 2 quản lý, điều hành, không
những luôn tăng về năng suất lúa (65- 80 tạ/ha) mà nông dân còn tăng thu nhập
ổn định do được liên kết, hợp tác sản xuất giống lúa và lúa, nếp thương phẩm
với các doanh nghiệp, giá bán tăng từ 15 - 20%.
Trên cánh đồng lớn ở
Duy Xuyên đối với cây công nghiệp hằng năm, cây thực phẩm, như: cây ớt, cây dưa
hấu, cây lạc, ngô, rau sạch được cơ cấu luân canh, xen canh cho giá trị thu
nhập bình quân trên đơn vị diện tích từ 150 - 250 triệu đồng/ha, không ít hộ
vươn lên thoát nghèo và khá giả nhờ thu
nhập trên chính mảnh đất quê nhà.
Điều quan trọng và
có nhiều ý nghĩa nhân văn hơn là người nông dân ngày càng gắn bó, đoàn kết,
thắm đượm tình làng nghĩa xóm, làm quen dần với sản xuất hàng hóa theo cơ chế
thị trường, biết tôn trọng chữ tín trong liên kết với doanh nghiệp và các loại
hình hợp tác, hài hòa lợi ích với bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Tuy nhiên, việc phát
huy và mở rộng mô hình cánh đồng lớn, làm điểm nhấn quan trọng trong tái cơ cấu
lại ngành nông nghiệp trong thời gian đến còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề lớn
đặt ra hiện nay là công tác dự báo thị trường, định hướng sản xuất, giải pháp
về mối liên kết 4 nhà : “Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”,
mà cốt lõi là mối liên kết, hợp tác giữa nhà nông và doanh nghiệp trong sản
xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nhằm, làm cho các bên tham gia đều hưởng
lợi ích cao nhất còn nhiều trục trặc. Nếu giải quyết rốt ráo những vấn đề này
thì sẽ chấm dứt điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đối với nhà nông.
Một vấn đề
đáng quan tâm nữa là, lâu nay các cơ chế chính sách, công tác quản lý nông nghiệp,
khuyến nông, hướng dẫn sản xuất của các cơ quan chức năng cũng chỉ chủ yếu tập
trung đầu vào của sản phẩm nông nghiệp, như hỗ trợ vốn, hỗ trợ sau đầu tư, trong
khi đó đầu ra còn bỏ ngỏ. Như vậy, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững,
ngoài sự nỗ lực, chủ động của các địa phương tìm kiếm đối tác để liên kết, hợp
tác, Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế chính sách cho chế biến và tiêu thụ
nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời có
chế tài xử phạt thích đáng đối với tất cả chủ thể vi phạm hợp đồng để bảo vệ
lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.
Mặt khác, thực tiễn
cho thấy, ở đâu có tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã thì ở đó có điều kiện
liên kết với doanh nghiệp để đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm, chẳng hạn
như HTX NN Duy Hòa 2, Duy Sơn 2, Duy Thành, Duy Tân và Duy Phước. Do đó, việc
hình thành sự liên kết ngang giữa nông dân với nhau là hết sức quan trọng nhằm
tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối với nông dân thông qua tổ chức
kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Chủ trương xây dựng và đổi mới triệt để các loại
hình hợp tác ở nông thôn là góp phần thực hiện chỉ tiêu nông thôn mới về hợp
tác sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư làm ăn với nông dân và
bao tiêu nông sản, nhất là trên các cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật.
Tuy vậy, để thực hiện chủ trương xây dựng cánh
đồng lớn ở Duy Xuyên một cách bền vững rất cần đến các mối liên kết nhằm tạo
động lực thúc đẩy thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì thế, việc
làm hết sức cấp thiết trong thời gian đến là phải tạo nhận thức mới cho nông
dân về các hình thức liên kết, hợp tác và giải quyết hài hòa giữa các lợi ích
của người nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trong
chuỗi giá trị. Vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở là hết sức quan
trọng trong công tác vận động, tuyên truyền cho người nông dân nâng cao nhận
thức tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã và tạo thói quen làm ăn
với doanh nghiệp một cách thủy chung.
Phát triển cánh
đồng lớn trên địa bàn huyện trong những năm tới không chỉ dừng lại ở những con
số về cánh đồng, diện tích, cây trồng mà nó còn đòi hỏi phải có sức lan tỏa
trên nhiều lĩnh vực sản xuất khác trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo
bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thực hiện thành công Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Duy Xuyên./.
Văn
Bá Năm