A+ A A-

Nỗ lực phát triển kinh tế hộ

    Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu được đông đảo hội viên nông dân ở huyện Duy Xuyên hưởng ứng rất tích cực. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho mức thu nhập cao, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới…

Tiếp sức

     Theo ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duy Xuyên, ngoài việc phối hợp với trung tâm dạy nghề của tỉnh mở nhiều lớp đào tạo nghề dệt vải, mây tre đan, trồng nấm, làm chổi đót, nuôi trồng thủy sản cho hơn 1 nghìn hội viên thì 2 năm qua các cấp hội trên địa bàn cùng ngành liên quan luôn chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đưa nông dân đi tham quan, học tập những mô hình hay, cách làm mới trong phát triển kinh tế ở một số địa phương như Điện Bàn, Tiên Phước, Hội An. Đồng thời tích cực vận động xây dựng nhiều tổ hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất kinh doanh và tập trung triển khai hàng loạt chương trình, dự án nhằm giúp nhà nông có điều kiện tiếp cận, ứng dụng mạnh mẽ các gói kỹ thuật mới. Trong đó, hiệu quả nhất là chương trình “3 cùng” (cùng giống, cùng trà, cùng chế độ thâm canh) trong sản xuất lúa ở xã Duy Phước, Duy Sơn; mô hình trồng tiêu tại xã Duy Thu, Duy Phú; mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại và an toàn sinh học ở Duy Châu, Duy Thành… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân huyện Duy Xuyên đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh cho 800 lượt hộ được vay ưu đãi với số tiền 14 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 33 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã có 82 hộ nông dân được hỗ trợ hơn 2,6 tỷ đồng mua sắm 37 máy gặt đập liên hợp, 44 máy cày loại lớn, 1 máy sấy nông sản.

 alt

     Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, những năm qua các cấp hội nông dân ở Duy Xuyên cũng đã tổ chức nhiều chương trình vận động, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như trao tặng 32 con bò giống, 84 con heo giống, hỗ trợ xóa 4 ngôi nhà tạm và tặng 21 chiếc xe đạp cho học sinh là con em nông dân nghèo với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. “Mặc dù những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn nhưng chúng tôi đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần bà con nông dân trong hành trình vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có 8.924 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tăng 1,4% so với năm 2012, trong đó cấp trung ương có 20 hộ, cấp tỉnh 211 hộ, còn lại cấp huyện và xã, thị trấn” - ông Nguyễn Chí Công nói.

Nhiều điển hình

    Trong giai đoạn 2012 - 2014, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Duy Xuyên có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng với nhiều mô hình sản xuất được duy trì, phát triển bền vững và liên tục xuất hiện những cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là nông dân Đỗ Văn Phú ở thôn Vĩnh Nam (xã Duy Vinh) với mô hình sản xuất chiếu cói bằng máy. Ông Phú cho biết, thời gian gần đây, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống của địa phương có xu hướng giảm cả về số hộ lẫn diện tích đất trồng cói. Trước thực trạng này, ông trực tiếp vào tỉnh Long An - nơi nổi tiếng sản xuất chiếu bằng máy để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2012, ông đầu tư mua 3 máy dệt chiếu, 1 máy may bìa và nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Qua hơn 1 năm, nhận thấy thị trường tiêu thụ ổn định, ông đầu tư thêm máy móc và xây dựng kho xưởng. Hiện nay, ông Phú đang có 8 máy dệt chiếu, bình quân mỗi ngày sản xuất 21 đôi chiếu, doanh thu hằng năm đạt khoảng 1,2 tỷ đồng.

      Thấy các loại giống cây trồng cạn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lại có lợi thế vùng đất cao, dễ vận dụng sản xuất trái vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường nên ông Nguyễn Xuân ở thôn Phú Bông, xã Duy Trinh tự tìm đến các địa phương lân cận như xã Điện Phong, Điện Trung (huyện Điện Bàn) và TP.Hội An học hỏi cách chọn giống, gieo trồng, chăm sóc cây bồ ngót. Trước mùa mưa lũ năm 2011, ông Xuân bắt đầu trồng thử nghiệm 6 sào rau bồ ngót. Chỉ sau vài tháng, ông thu về tổng cộng 60 triệu đồng. Từ thành công đó, năm 2013 ông mở rộng diện tích lên gấp đôi và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ dân khác muốn tham gia trồng loại cây bồ ngót này… Ngoài ra, ông Xuân còn cải tạo và thuê thêm đất để trồng 4 sào ớt, 12 sào dưa hấu ven bãi bồi sông Thu Bồn. Bên cạnh việc tập trung sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực, ông Xuân còn tận dụng nguồn cỏ tự nhiên để nuôi 7 con bò lai theo phương thức thâm canh. Hiện nay, bình quân một năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu về gần 110 triệu đồng tiền lãi.
     Ngoài 2 hộ điển hình vừa nêu, Duy Xuyên hiện còn rất nhiều mô hình kinh tế cho giá trị cao như cơ sở sản xuất bánh kẹo của ông Huỳnh Tấn Ánh ở thôn An Lạc, xã Duy Thành; mô hình trồng nấm rơm - dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp của ông Trương Hồng trú thôn Mỹ Phước, xã Duy Phước; mô hình chăn nuôi gà của ông Nguyễn Công Chức ở thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân; mô hình nông nghiệp đa canh của ông Nguyễn Đình Chín, thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn… Mỗi năm, 1 mô hình cho lãi ròng 100 - 150 triệu đồng.

HOÀI NHI

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19810201
Hôm nay
Hôm qua
5574
8748