Nông - lâm kết hợp
Nhìn 2 sào dưa leo trĩu trái trên cánh đồng Bảy Mẫu, ông Nguyễn
Văn Bình ở thôn Mậu Hòa phấn khởi: “Thời gian gần đây, trời lạnh kéo dài khiến
cây dưa phát triển chậm hơn mọi năm nhưng nhờ chăm sóc kỹ lưỡng theo hướng dẫn
của ngành chuyên môn nên năng suất dưa đạt khá cao. Gần một tháng nay, tôi hái
4 đợt thu được 630kg quả. Với giá bán bình quân 8 nghìn đồng/kg, thu được hơn 5
triệu đồng. Từ nay đến cuối tháng Chạp sẽ hái 10 đợt dưa nữa, có tệ mấy cũng
thu thêm 20 triệu đồng”. Đâu riêng ông Bình, nhiều hộ dân khác cũng có nguồn
thu nhập đáng kể từ việc canh tác cây trồng cạn vụ đông. Bà Đoàn Thị Nhân – Phó
ban Nông nghiệp xã Duy Trung cho biết, địa phương hiện có khoảng 30ha đất
chuyên canh các loại cây trồng như dưa gang, dưa leo, rau, đậu… tập trung chủ
yếu ở các thôn Mậu Hòa, An Trung. Bình quân mỗi vụ 1ha mang lại cho nhà nông 60
triệu đồng, cá biệt một số nơi lên đến 150 - 180 triệu đồng. Bà Nhân nói: “Ngày
trước, toàn bộ diện tích nêu trên đều trồng lúa nhưng kém hiệu quả. Từ thực tế
đó, chính quyền địa phương vận động người dân chuyển sang trồng rau, đậu, dưa.
Một năm, người nông dân làm 3 vụ mang lại nguồn thu nhập cao gấp 5 - 7 lần so
với trồng lúa. Chúng tôi xác định đây là hướng mở trong phát triển kinh tế nông
nghiệp và dự kiến trong thời gian đến sẽ tăng diện tích lên 50ha”.
Ngoài việc chú trọng phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng
hàng hóa, những năm qua xã Duy Trung cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân
dân tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Cạnh đó, tạo mọi
điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế rừng. Ông Phạm Sa - cán bộ
lâm nghiệp xã cho biết, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp của địa phương là
hơn 1.000ha, rải đều ở các thôn Nam Thành, Cẩm An, An Trung, Hòa Nam và đã được
phủ xanh bởi những rừng keo lá tràm bạt ngàn. Ông Sa nói: “Năm 2014 vừa qua,
nhân dân trên địa bàn xã khai thác 230ha rừng keo lá tràm, đạt tổng doanh thu
9,2 tỷ đồng. Sau khi khai thác, người dân liền bắt tay vào việc phát dọn thực
bì, cải tạo đất trồng mới rừng nguyên liệu để 4 - 5 năm tới lại thu hoạch”. Được
biết, năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp xã Duy Trung ước đạt 35
tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với năm 2013.
Chuyển dịch cơ cấu lao động
Do đất canh tác ít, thu
nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao nên cách đây mấy năm chị Võ Thị Thu Huyền
(thôn Nam Thành) ra Đà Nẵng xin làm công nhân ở một công ty may mặc. Đến giữa
năm 2014, chị Huyền trở về quê nộp đơn và được nhận vào làm tại Công ty May Hòa
Thọ đóng chân trên địa bàn thôn Trung Đông của xã Duy Trung với mức lương cơ
bản 3,5 triệu đồng/tháng. Chị Huyền nói: “Ở quê bây giờ nhiều công ty, xí
nghiệp mở ra đang cần tuyển lao động. Trong khi đó, lương hàng tháng cũng khá
cao, lại được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, hơn nữa chi phí đi lại, ăn uống ít
tốn kém thì cớ gì mình phải bôn ba nơi đất khách quê người. Hiện tại, tôi đang
nghỉ thai sản và được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định nên thấy vui lắm”.
Ông Nguyễn Như Tiền - Chủ tịch UBND xã Duy Trung cho biết, đến
thời điểm này địa phương đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới,
gồm: quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, cơ cấu lao
động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống tổ chức chính trị xã
hội, an ninh trật tự. Từ tháng 8.2012 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương
trình hơn 25 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 20,6 tỷ đồng, còn lại nhân dân
đóng góp và huy động các kênh khác. Theo kế hoạch, năm 2015 Duy Trung sẽ hoàn
thành thêm 2 tiêu chí là hộ nghèo, văn hóa và phấn đấu cán đích vào cuối năm
2018, trước 2 năm so với lộ trình đề ra
Ông Lê Đình Thu – cán bộ Văn phòng UBND xã Duy Trung cho hay, hiện
trên địa bàn có 2 cụm công nghiệp là Tây An và Gò Dỗi, thu hút 12 doanh nghiệp
đến đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động ở
trong và ngoài xã, bình quân thu nhập dao động từ 2,8 đến 4 triệu
đồng/người/tháng. Cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch
vụ tiếp tục ổn định và phát triển, nhất là dịch vụ ăn uống, nhà trọ, quầy bách
hóa phong phú chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cũng theo ông Thu, năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trên
toàn xã đạt 22,7 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và tỷ lệ hộ nghèo
còn 7,22%, giảm 3,67% so với năm 2013. Nếu như năm 2011 giá trị sản xuất ngành
công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Trung đạt 19,3 tỷ đồng thì năm 2014
tăng lên 75,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,76% trong cơ cấu kinh tế. Cùng với đó,
cơ cấu lao động trong các lĩnh vực cũng có chiều hướng thay đổi tích cực. Đến
cuối năm 2014, lao động trên lĩnh vực nông nghiệp chiếm 55% (giảm 15%), công
nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 33% (tăng 10%), thương mại - dịch vụ là 12%
(tăng 5%) so với thời điểm năm 2011.
Hoài Nhi