Sau gần bốn năm phát động xây dựng xã
nông thôn mới(NTM), huyện Duy Xuyên đã đạt được kết quả tương đối toàn
diện, song trong đó nổi bật nhất là đã tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực, sự
đồng thuận của nhân dân và cả hệ thống chính trị để đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, triển khai quy hoạch, phát triển sản xuất,
chỉnh trang nhà vườn, ngõ xóm, tạo nên diện mạo NTM.
Đến nay, huyện Duy Xuyên đã
chọn 11 xã triển khai xây dựng NTM, trong đó có 4 xã gồm Duy Hòa, Duy Sơn, Duy
Trinh và Duy Phước triển khai điểm xây dựng mô hình NTM. Đây là thời cơ nhưng
cũng vừa là thách thức lớn đối với huyện, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo
quyết liệt hơn nữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền và phát huy dân chủ rộng rãi để
tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; mặt khác, xây dựng thành
công mô hình thí điểm NTM ở các xã được chọn sẽ góp phần quan trọng trong việc
xây dựng đề án mô hình NTM của huyện sau này. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của
huyện, các bộ phận như Ban quản lý, tổ điều phối xây dựng NTM lần lượt được
thành lập; ngoài ra huyện cũng đã kịp thời tăng cường cán bộ của huyện về giúp
xã. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tích cực phối
hợp, tạo mọi điều kiện giúp các xã Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Trinh và Duy Phước
triển khai thực hiện; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong
nhân dân về chủ trương xây dựng NTM, để người dân xác định mình là chủ thể và
chủ động tham gia xây dựng NTM... Từ thực tế của địa phương, các xã điểm đã
tiến hành xây dựng kế hoạch, thảo luận cụ thể với nhân dân để xác định thứ tự
ưu tiên cho từng tiêu chí để triển khai thực hiện. Cùng với nguồn phân bổ của
Trung ương và tỉnh, huyện Duy Xuyên đã ưu tiên cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ
đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, các thiết chế văn hóa- thể thao,
các công trình phúc lợi xã hội, chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực
cho cán bộ xã...
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM, Duy Xuyên xác định xây dựng cánh
đồng lớn là một trong những nhiệm vụ then chốt nhằm chuyển dịch nền sản xuất
nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Để đạt được hiệu quả tối ưu
là phải đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ
tầng, như kiên cố hóa giao thông nội đồng và kênh mương; đưa cơ giới hóa vào
đồng ruộng và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hình thành các
cánh đồng lớn, liền vùng, liền thửa. Đồng thời kết nối nông dân sản xuất nhỏ lẻ
lại và liên kết với doanh nghiệp để phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của
từng địa phương. Saugần 4 năm, Duy Xuyên đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện quyết liệt
khâu dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để
hình thành 12 cánh đồng lớn với tổng diện tích 385ha, chủ yếu ở các xã Duy
Vinh, Duy Phước, Duy Thành, Duy Sơn, Duy Trung, Duy Trinh, Duy Hòa, thị trấn
Nam Phước. Đặc biệt, đối với cánh đồng lớn do các HTXNN: Duy
Hòa 2, Duy Phước, Duy Thành, Duy Sơn 2 quản lý, điều hành, không những luôn
tăng về năng suất lúa (65- 80 tạ/ha) mà nông dân còn tăng thu nhập ổn định do
được liên kết, hợp tác sản xuất giống lúa và lúa, nếp thương phẩm với các doanh
nghiệp, giá bán tăng từ 15 - 20%. Trên cánh đồng lớn ở Duy Xuyên đối với cây
công nghiệp hằng năm, cây thực phẩm, như: cây ớt, cây dưa hấu, cây lạc, ngô,
rau sạch được cơ cấu luân canh, xen canh cho giá trị thu nhập bình quân trên
đơn vị diện tích từ 150 - 250 triệu đồng/ha, không ít hộ vươn lên thoát nghèo
và khá giả nhờ thu nhập trên chính mảnh đất quê.
Xác định công tác đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh
tế - xã hội ở địa phương, 4 năm qua huyện Duy Xuyên đã chi hơn 1,5 tỷ đồng mở
36 lớp với 7.500 lao động được đào tạo nghề theo Đề án 1956 của Chính phủ. Đồng
thời tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyển giao các tiến bộ của khoa học - công
nghệ cho 350 nhóm hộ, chủ yếu xoay quanh khâu trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản…. Đặc biệt, những năm gần đây huyện Duy
Xuyên đã thu hút 96 doanh nghiệp đến đầu tư vào các cụm công nghiệp và làng
nghề, giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương
với mức thu nhập bình quân 2,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng trong năm
2014 tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Duy Xuyên đạt
2.182 tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2013.
Chương trình xây dựng NTM đã tạo
diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn với kết cấu hạ tầng kinh tế
- xã hội được tập trung đầu tư đồng bộ; hình thức tổ chức sản xuất ở khu vực
nông thôn được đổi mới. Trong 4 năm qua tổng nguồn vốn thực hiện
chương trình xây dựng xã nông thôn mới ở 11 xã hơn 2338 tỉ đồng. Trong đó vốn
ngân sách Trung ương và tỉnh 920,5 tỉ đồng, chiếm gần 40%; vốn của ngân sách xã
410 tỉ đồng, chiếm 17,5%, đặc biệt là vốn của doanh nghiệp đã đầu tư hơn 749 tỉ
đồng, chiếm 32%; nguồn vốn lồng ghép, vốn nhân dân đóng góp, vốn chương trình
mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác 334 tỉ đồng. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế và cơ sở vật
chất văn hóa. Đến nay, Duy Xuyên đã đầu tư mới 64,5 km đường xã, đường thôn,
xóm; nâng số đường trục giao thông xã, liên xã được thảm nhựa hoặc bê tông lên
114 km, đạt 90 %; đường thôn đã bê tông 110 km, đạt 94 %; xây dựng 265 km đường
trục chính nội đồng, trong đó đã bê tông hóa 28 km. Hệ thống thửy lợi được đầu
tư đồng bộ. Toàn huyện đã đầu tư kiên cố hoá 43 km kênh mương loại 3, nâng tổng
số đã kiên cố hóa lên 92 km, đạt 42% so với tổng số kênh mương tuyến chính cả
huyện (219km). Bên cạnh đó, Duy Xuyên đã tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ
các chương trình, đầu tư nâng cấp các hồ chứa Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc,
đập Bầu Trai, đập Cây Sơn và xây dựng mới trạm bơm Vạn Buồng, trạm bơm Vân Quật.
Nhờ vậy, cơ bản đáp ứng yêu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, với
diện tích 14.200/15.900 ha gieo trồng chủ động tưới, đạt tỉ lệ gần 90%. Ngoài ra, các tiêu
chí về trường học, nhà văn hoá, điện thắp sáng, bưu điện, nhà ở dân cư đều được
đầu tư đồng bộ tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn. Chương trình xây dựng
NTM làm cho đời sống nhân dân, kinh tế và tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn
được đổi mới. Các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có bước phát triển
mạnh về quy mô và cơ cấu sản xuất. Đến cuối năm 2014,
4 xã điểm xây dựng nông thôn mới: Duy Hòa đạt 15 tiêu chí; Duy Trinh đạt 18
tiêu chí; Duy Sơn đạt 16 tiêu chí và Duy Phước đạt 17 tiêu chí. Bốn xã này phấn
đấu đến giữa năm 2015 đạt các tiêu chí còn lại để về đích xã nông thôn mới.
Riêng 7 xã còn lại: Duy Thu, Duy Tân, Duy Phú, Duy Châu, Duy Trung, Duy Thành
và Duy Vinh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí để đến năm 2020
đạt xã nông thôn mới.
Những kết quả đạt được qua 4 năm xây dựng xã NTM
ở huyện Duy Xuyên chưa phải là nhiều nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng để huyện
xác định hướng đi mới cho mình nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị
trí địa lý, đất đai và đặc biệt là sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân để xây
dựng thành công huyện NTM, đưa Duy Xuyên hòa chung nhịp phát triển với các
huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Nam.
Phan Xuân Cảnh
Phó Chủ tịch Thường
trực UBND huyện Duy Xuyên