Những ngày qua, cùng với việc ra quân diệt chuột và vệ sinh đồng
ruộng, nông dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn nỗ lực thực hiện công tác
dồn điền đổi thửa (DĐĐT) để kịp đưa vào gieo sạ vụ lúa đông xuân 2014 - 2015.
Dân hưởng ứng tích cực
Mấy ngày nay, dù trời mưa lạnh kéo dài nhưng hàng trăm nông dân ở
thôn Hòa Nam (Duy Trung, Duy Xuyên) vẫn hăng hái ra đồng cải tạo mặt ruộng và
đắp bờ vùng, bờ thửa. Nghỉ tay một lát, lão nông Lê Chín - một người dân địa
phương cho biết, gia đình ông có 8 sào đất lúa trên cánh đồng Đồng Của nhưng
phân tán nhỏ lẻ với tổng cộng 14 thửa ruộng. Bây giờ, thực hiện DĐĐT, 8 sào
ruộng này được gom lại 6 thửa, bình quân mỗi thửa rộng 670m2.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quốc Khanh - Trưởng thôn Hòa Nam
cho hay, từ trước đến nay phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương đều
nằm dọc theo các triền suối. Do đất đai manh mún, phân tán ở nhiều cánh đồng
khiến khâu tưới tiêu gặp không ít khó khăn. Cạnh đó, hệ thống giao thông nội
đồng xuống cấp nghiêm trọng nên không đảm bảo cho việc vận chuyển các loại vật
tư sản xuất và đưa nông sản sau thu hoạch về nhà. Trước tình trạng đó, đầu vụ
đông xuân 2014 - 2015 Ban dân chính thôn tiến hành thực hiện công tác DĐĐT đối
với toàn bộ 56,6ha đất lúa. Theo ông Khanh, nếu như trước đây chừng đó diện
tích chia ra làm 2.188 thửa, bình quân mỗi thửa chỉ rộng gần 259m2 thì
sau khi DĐĐT đã giảm xuống còn 750 thửa, mỗi thửa có diện tích 600 - 800m2.
Cùng với việc chỉnh trang đồng ruộng, nhân dân nơi đây đã đào đắp
47 tuyến giao thông nội đồng với chiều dài 7,2km, chiều rộng nền đường 4 - 6m.
Ngoài ra, còn xây dựng 6 tuyến kênh trọng yếu, trong đó có 2 tuyến từ đập Thổ
đến cầu Làng nhằm điều tiết nước tưới cho các thôn Hòa Nam, An Trung, Trung
Đông và từ Bàu Mía đến kênh chính bắc Phú Ninh để khắc phục tình trạng thiếu
nước thường xuyên trong vụ hè thu. Tổng kinh phí thực hiện các phần việc này là
gần 542 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 353 triệu đồng, còn lại từ
nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước và hợp tác xã. Ông Khanh nói: “Khi địa
phương thông báo chủ trương thực hiện DĐĐT, bà con nông dân hết sức phấn khởi
và tham gia rất nhiệt tình. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư thâm canh,
ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như đưa cơ giới hóa
vào đồng ruộng phục vụ các khâu sản xuất, nhất là việc làm đất và thu hoạch”.
Nhiều địa phương khác ở huyện Duy Xuyên cũng tích cực huy động
nhân dân ra quân cải tạo đồng ruộng và thực hiện DĐĐT. Ông Phạm Đình Xuân – Phó
phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, sau khi thu hoạch vụ hè thu 2014 đến nay
toàn huyện tiếp tục DĐĐT hơn 350ha đất lúa, nâng tổng diện tích đã thực hiện
xong lên gần 1.900ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy
Trung, Duy Tân, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước.
Theo ngành nông nghiệp,
trong năm 2014, nhất là từ thời điểm thu hoạch xong vụ hè thu đến nay nông dân
toàn tỉnh triển khai DĐĐT 2.178ha đất lúa, tăng 523ha so với năm 2013. Bên cạnh
đó, các đơn vị liên quan cũng tiến hành đo đạc và cấp đổi lại giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho nông dân đối với 2.456ha đất lúa đã DĐĐT trong những năm
trước…
Hiệu quả thiết thực
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Phú Bông (Duy Trinh, Duy Xuyên) cho
biết, nhờ DĐĐT xong nên từ đầu vụ hè thu 2013 đến nay nông dân địa phương đã
xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 15ha đất lúa. Bà Hạnh
chia sẻ: “Đồng ruộng không còn manh mún, áp dụng hiệu quả các gói kỹ thuật canh
tác mới nên năng suất lúa tăng từ 62 tạ/ha lên 68 tạ/ha, trong khi đó số công
lao động và chi phí đầu tư lại giảm mạnh”. Theo ông Phạm Đình Xuân – Phó phòng
NN&PTNT huyện Duy Xuyên, thời gian qua việc thực hiện DĐĐT đã tác động rất
tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, từng bước
khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, hình thành những cánh đồng mẫu lớn cho
hiệu quả kinh tế cao. Ông Xuân nói: “Nhờ làm tốt công tác DĐĐT nên khoảng một
năm trở lại đây nông dân Duy Xuyên đã hình thành được 11 cánh đồng mẫu lớn với
diện tích khoảng 220ha. Đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp ở
trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa theo phương thức bao
tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ đó, giá trị kinh tế mà người nông dân thu về tăng 30
- 35% so với canh tác lúa thương phẩm. Đây được xem là một trong những hướng mở
đối với lĩnh vực trồng trọt của huyện”.
HOÀI NHI