A+ A A-

Duy Trinh quyết tâm về đích sớm

Chỉ mới bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy 2 năm nhưng xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên - địa phương vừa được UBND tỉnh chọn bổ sung làm điểm - đã đổi thay một cách nhanh chóng...
 


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Dẫn chúng tôi ra thăm các cánh đồng Sông Ngang, Bờ Thành, Gò Mới, Đò Gặp (thôn Phú Bông) rộng hơn 60ha, chuyên trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày, chị Trương Thị Hạnh - cán bộ khuyến nông xã Duy Trinh cho biết, cách đây 5 năm, diện tích này chủ yếu sản xuất lúa, nhưng do nước tưới bấp bênh nên năng suất thường đạt thấp. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua nông dân đã chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn theo hướng hàng hóa. Nhờ chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi, ứng dụng đại trà tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nên rất nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao.

Bộ mặt nông thôn của xã Duy Trinh ngày càng khởi sắc.
Bộ mặt nông thôn của xã Duy Trinh ngày càng khởi sắc.

Bà Lê Thị Đường - một người dân địa phương kể: “Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thu nhập của gia đình tôi khá hơn trước rất nhiều. Vụ hè thu vừa rồi, tôi trồng đậu xanh cao sản trên 4 sào đất, nhờ năng suất cao nên tổng sản lượng đạt 450kg đậu khô. Với giá bán bình quân 29 nghìn đồng/kg, tôi lãi ròng 10 triệu đồng. Đông xuân này trồng ớt và đậu cô ve, hy vọng hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”. Cách ruộng của bà Đường không xa, chị Phạm Thị Thu Ba cũng đang lom khom cuốc chân những sào đậu phụng. Chị Ba cho biết, năm 2009 trở về trước, 10 sào đất màu của chị quanh đi quẩn lại cũng chỉ trồng sắn, khoai lang làm thức ăn cho heo. Từ năm 2010 đến nay, chuyển hẳn sang trồng đậu phụng, thuốc lá, đậu cô ve... theo phương thức xen canh, gối vụ, gia đình chị không còn cảnh thiếu trước hụt sau. “Đông xuân năm ngoái, tôi trồng bắp xen đậu phụng, thuốc lá xen đậu cô ve cũng trên 10 sào đất ấy và thu lãi hơn 40 triệu đồng. So với cây sắn và khoai lang, giá trị kinh tế tăng 4 - 5 lần” - chị Ba chia sẻ.

Theo chị Trương Thị Hạnh, hiện nay Duy Trinh có 137ha đất màu, tập trung nhiều nhất ở thôn Đông Yên và Phú Bông. Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tưới tiêu, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã kéo 20km đường dây điện, lắp đặt hơn 150 công tơ, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước tưới. “Nhờ có công trình thủy lợi hóa đất màu nên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động bố trí luân canh, xen canh, gối vụ các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Bình quân mỗi năm 1ha đất sản xuất theo phương thức này cho nông dân mức lãi ròng 110 - 120 triệu đồng” - chị Hạnh nói.

Chú trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Gần 2 năm nay Duy Trinh cũng đặc biệt chú trọng đến công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đầu vụ hè thu 2013, chính quyền địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa 15ha đất lúa trên cánh đồng Đò Gặp của thôn Phú Bông. Qua đó, đã giảm từ 250 thửa ruộng bậc thang xuống còn 117 thửa, diện tích mỗi thửa 3.500 - 5.000m2, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu sản xuất. Đồng ruộng không còn manh mún, áp dụng hiệu quả các gói kỹ thuật canh tác mới nên năng suất lúa tăng 65 - 68 tạ/ha, trong khi đó số công lao động và chi phí đầu tư lại giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Duy Trinh cho biết, hiện địa phương có tổng cộng 196ha đất lúa. Trong năm 2014 này sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, xây dựng cánh đồng kỹ thuật với diện tích 35ha tại thôn Chiêm Sơn và Đông Yên. Đồng thời hỗ trợ nhiều khâu để nông dân thâm canh lúa theo hướng hàng hóa...

Những ngày cận tết, về làng dệt Duy Trinh, đâu cũng nghe rộn vang tiếng máy. Chị Đoàn Thị Dư ở thôn Thi Lai hồ hởi cho biết: “Bây giờ dệt bằng máy sướng lắm. Hiện tôi có 4 máy dệt, bình quân mỗi tháng tạo ra hơn 4 nghìn mét vải, sau khi trả tiền điện, nguyên liệu, lãi ròng 4 - 5 triệu đồng”. Bà Nguyễn Thị Thoại - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt may Duy Trinh cho biết, năm 2013, đơn vị đầu tư mua thêm 64 khung cửi sắt, nâng tổng số máy dệt hiện có lên 319 máy. Tổng sản lượng vải tiêu thụ trong năm qua gần 1,3 triệu mét, đạt doanh thu 18,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, hơn 70 hộ dân tham gia dệt vải cho hợp tác xã có nguồn thu nhập ổn định.

Phấn đấu về đích trước 5 năm
Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Duy Trinh đã giảm xuống còn 8,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm, trong số 46km đường liên xóm, liên thôn, liên xã, đã có hơn 85% được bê tông hóa. Nhờ cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng đồng bộ, chất lượng dạy học không ngừng nâng cao nên cả 3 ngôi trường trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia. Được biết, qua gần 2 năm triển khai, đến nay xã Duy Trinh đã hoàn thành 11/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch, giao thông, trường học, hệ thống điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, nhà ở dân cư, tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự. Tổng nguồn vốn thực hiện hơn 12,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 10,7 tỷ đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Theo kế hoạch, năm 2014 Duy Trinh sẽ hoàn thành thêm 4 tiêu chí: thu nhập, chợ nông thôn, môi trường, cơ cấu lao động và phấn đấu trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2015, về đích trước 5 năm so với kế hoạch.

Tại thôn Chiêm Sơn - nơi có nghề làm chổi đót, chổi sương, không khí lao động cũng diễn ra rất khẩn trương. Thời điểm này, dù đã thuê thêm 10 nhân công nhưng cơ sở sản xuất chổi đót của ông Nguyễn Nhất Tuấn vẫn không cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường. Ông Tuấn cho biết, cơ sở của ông làm rất nhiều loại chổi, từ chổi bện mây truyền thống đến chổi quấn dây thép hoặc dây cước, cán thân đốt hoặc cán nhựa bắt vít... tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Còn bà Lưu Thị Tám - người gắn bó với nghề làm chổi đã hơn 4 năm nay nói: “Nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập cũng khá, bình quân 1 tháng cơ sở của tôi làm ra 12 nghìn sản phẩm các loại, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các địa phương trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng. Sau khi trả tiền công cho 5 lao động với tổng mức 12 - 15 triệu đồng và trừ chi phí, tôi lãi ròng không dưới 10 triệu đồng”. Ông Đoàn Công Vân - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, nghề làm chổi phát triển mạnh trong mấy năm qua đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo. Được biết, chính quyền xã Duy Trinh đang đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, hướng dẫn lập hồ sơ công nhận làng nghề truyền thống chổi đót Chiêm Sơn.

Thời gian qua, lãnh đạo xã Duy Trinh cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Công ty Sedo Vinako (Hàn Quốc) đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, gia công may lều, dụng cụ cắm trại, đồ chơi, túi xách tại địa phương. Nhà máy hiện thu hút 1.500 lao động của xã Duy Trinh và các vùng lân cận vào làm việc với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế và lao động, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2013 của xã đạt gần 359 tỷ đồng, tăng hơn 190% so với chỉ tiêu đề ra...
                                                                                                                                               V.S- P.T
 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19812138
Hôm nay
Hôm qua
7511
8748