Duy Phước là một trong số 3 xã được Ban chỉ đạo xây
dựng Nông thôn mới huyện Duy Xuyên chọn thực hiện điểm xây dựng Nông thôn mới
giai đoạn 2011-2015. Sau gần 3 năm bắt
tay vào xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Duy Phước đã đạt 13/19 tiêu chí tiêu
chí Quốc gia về nông thôn mới, diện mạo xã nông thôn mới dần tỏa sáng.
Theo
chân anh Trương Văn Lộc-cán bộ truyền thanh xã Duy Phước thăm cơ sở khắc chạm
gỗ của anh Nguyễn Tấn Quý, 35 tuổi, ở thôn Hòa Bình, Duy Phước. Cơ sở khá khiêm
tốn ẩn mình trong kiệt nhỏ, nhưng không gian cơ sở như rộng mở, bừng sáng bởi
những bức tranh gỗ, tượng gỗ được chạm khắc rất tinh xảo chưa bàn giao cho
khách. Nhìn anh Quý và 4 người thợ đều rất trẻ miệt mài chạm khắc bức tranh “
Rước Trạng nguyên về làng” quá tinh xảo ai cũng trầm trồ thán phục. Anh Nguyễn
Tấn Quý cho biết, nhờ được theo học lớp dạy nghề mộc mỹ nghệ do xã Duy Phước tổ
chức năm 2011, từ đó mà say mê với nghề chạm khắc gỗ nầy, “ tôi đang tìm đối tác liên kết để mở phòng trưng bày, giới thiệu sản
phẩm tại khu vực ngã ba Nam Phước để mở
rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm nhiều anh em bạn ở xã tâm huyết với nghề cùng làm ăn” - anh Quý
tâm sự.
Nguyễn
Tấn Quý chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp ở xã Duy Phước nhờ thông qua
các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn
mà có cơ hội thực hiện ước mơ xóa đói, giảm nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông
Nguyễn Thận-Chủ tịch UBND xã Duy Phước tâm sự! “Thời điểm được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Duy Xuyên chọn
làm điểm xây dựng xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới,
chúng tôi rất lo lắng, bởi vì đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Vì Duy Phước
có trên 3.550 hộ dân chủ yếu sống về nghề nông, chỉ quẩn quanh trên 600 ha đất
canh tác, trong đó đất lúa chiếm 515 ha. Tuy ổn định về lương thực, nhưng kinh
tế của nhân dân không cao, làm sao để thực hiện đạt các tiêu chí nông thôn mới
Chính phủ quy định”
Chọn 2 khâu đột phá.
Trăn trở, suy
nghĩ và quyết tâm, nên liền sau khi làm lễ phát động xây dựng xã nông thôn mới,
dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã Duy Phước cả hệ thống chính trị của địa phương
vào cuộc quyết liệt với phương châm “ Vì nông dân xây dựng nông thôn mới, nông
dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, và nông dân là đối tượng hưởng lợi từ
thành quả nông thôn mới”. Xác định con người là nhân tố quan trọng nhất trong
việc xây dựng nông thôn mới, xã Duy Phước chọn khâu đào tạo nghề cho lao động
nông thôn và huy động tổng lực xây dựng hạ tầng nông thôn làm then chốt.
Ban chỉ đạo
xây dựng nông thôn mới xã Duy Phước năng động liên kết với các đơn vị, ban
ngành liên quan trong 2 năm 2011-2012 tổ chức được 10 lớp đào tạo các nghề mộc, may mặt, may tre đan, dệt chiếu, trồng
và chế biến rau an toàn…cho gần 300 lao động nông thôn, và 13 lớp tập huấn
chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho 2.200 hộ nông
dân ở 8 /8 thôn toàn xã. Lao động sau đào tạo, dạy nghề được xã giới thiệu vào
làm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài địa phương( nhiều nhất tại
xí nghiệp may Ánh Sáng cơ sở ngay tại xã), đồng thời thành lập các tổ hợp tác
như Tổ sản xuất rau an toàn Lang Châu Bắc, được cấp có thẩm quyền cấp chứng
nhận tiêu chuẩn Viet Gap; Tổ hợp tác mây tre đan; Chi hội nông dân chăn nuôi gà
an toàn sinh học, Chi hội phụ nữ phát triển kinh tế v.v…Việc làm nầy chính là
trao cho nông dân chiếc cần câu và mồi câu để họ tự câu được cá, một hướng đi
mang tính bền vững nhất mang đậm tính nhân văn. Duy Phước được xem là địa
phương điểm của huyện Duy Xuyên thực hiện đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao
động nông thôn. Đến nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Duy Phước đạt trên 28 %
tổng số lao động của địa phương, trên 92 % lao động có việc làm thường xuyên.
Hiện bình quân thu nhập đầu người ở xã Duy Phước đạt 17 triệu đồng/người/năm,
tăng 1,24 lần so với bình quân chung toàn tỉnh.
Kinh tế xã hội phát triển đi lên đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ
nghèo vào thời điểm cuối năm 2013 xuống
còn 7,99 %, giảm 4,44 % so với cuối năm 2012 là minh chứng của hiệu quả đào tạo ngề, tạo việc làm cho
nông dân ở xã Duy Phước.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cho người dân về xây dựng xã nông thôn mới được thực hiện khá toàn diện cả
bề rộng lẫn chiều sâu. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, lồng ghép trong tất cả các
cuộc họpcủa các tổ chức, đoàn thể mỗi hộ nhân dân còn được cấp phát tờ bướm để
dán trên tường ở vị trí các thành viên trong nhà dễ thấy, dễ đọc, dễ nhớ nhất
tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư
gắn với xây dựng nông thôn mới”. Và đây cũng là địa phương đầu tiên của huyện
huy động sức dân chung tay, góp sức xây dựng hạ tầng nông thôn mới, bằng việc
vận động, thuyết phục được chị Võ Thị Hồng- người con quê hương tự nguyện hỗ
trợ trên 1 tỷ đồng, nhân dân 2 thôn Hà Nhuận và Mỹ Phước hiến trên 3.000 m2đất xây dựng hoàn thành cây cầu bê tông cốt thép An Phước vào năm 2011,
nối liền mạch giao thông 2 thôn Mỹ Phước và Hà Nhuận mà bao đời nay người dân
chưa làm được. Từ thành công nầy đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân
trong việc tích cực chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Thành quả xây dựng Nông thôn mới
Trên cơ sở đề án được phê duyệt, Duy Phước đi từng
bước chắn chắn, hiệu quả với việc đầu tư
mua sắm 23 máy làm đất, trong đó 9 máy cày 4 bánh công suất 18CV trở lên, có 8
máy gặt đập liên hợp, riêng năm 2013 mua được 4 máy cày và 4 máy gặt đập, có 98
công cụ sạ hàng. Thuận lợi cho nông dân áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông
nghiệp. Đẩy nhanh việc chỉnh trang đồng ruộng gắn dồn điền đổi trên 90,4ha đất
lúa tại 6 thôn; xây dựng cánh đồng chuyên sản xuất rau màu thực phẩm theo tiêu
chuẩn Viet Gap rộng 5,7 ha tại thôn Lang Châu Bắc, liên kết sản xuất tiêu thụ
sản phẩm với công ty Việt Thiên Ngân tại TP Đà Nẵng.. Lang Châu Bắc là 1 trong
2 tổ hợp tác sản xuất rau sạch đảm bảo
tiêu chuẩn Viet Gap đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Duy Phước chủ
công, linh hoạt trong điều hành sản xuất với việc đảm bảo các dịch vụ: điện,
thủy lợi, nước sinh hoạt, khâu thu hoạch, vật tư phân bón, sản xuất gạch, mây
nguyên liệu thúc đẩy xã viên phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2013, HTX
doanh thu trên 9,65 tỷ đồng tăng 71% so
với năm 2011.
3 năm qua Duy Phước tiếp tục
lót bê tông 6.400m đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; vận động nhân dân đắp đất mở rộng, cứng hóa 7km
đường giao thông nội đồng; xây dựng kiên cố hóa 4.500 mét kênh mương chính và
nhiều công trình cầu cống nhỏ chủ động tưới tiêu. Toàn bộ hệ thống điện được
nâng cấp theo chương trình hạ áp nông thôn giai đoạn 2 mở rộng REII nâng cao
chất lượng điện đảm bảo cho 100 % nhu cầu sử dụng của người dân. Hiện 99 % nhà
ở dân cư đạt tiêu chuẩn Bộ xây dựng dựng
quy định trở lên; trên 95% số hộ có 3 công trình vệ sinh; trên 70 % người dân
tham gia các loại hình bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 7%; Trạm
y tế xã liên tục 5 năm liền được công nhận đạt chuẩn y tế cơ sở; trên 94% gia
đình đạt gia đình văn hóa; 6/8 thôn văn hóa đạt thôn văn hóa. Duy Phước cũng là
địa phương đầu tiên xây dựng được mô hình điểm Tổ thu gom rác thải Đội 6 A thôn
Hòa Bình, được Ban dân vận Huyện ủy và Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện tổ
chức hội thảo rút kinh nghiệm nhân rộng ra toàn huyện. Hoạt động của người dân
trong việc phân loại rác thải, bảo vệ môi trường trong các thôn có tính tự giác
cao. Đến nay công tác bảo vệ môi trường khu dân cư và đồng ruộng tại Duy Phước
được đánh giá tốt nhất huyện.
Mặc cho
trời mưa lạnh, ông Dương Đình Dũng-Bí thư Chi bộ thôn Câu Lâu Đông đưa chúng
tôi đồng bằng xe máy trên tuyến giao thông nội đồng dài gần cây số đã được lót
bê tông phẳng lỳ ra thăm cánh đồng mẫu của thôn rộng 35,6 km đã được dồn điển,
đổi thửa, bờ vùng bờ thửa thẳng tắp như ô bàn cờ, trên 2.400 mét kênh mương nội
đồng được xây dựng kiên cố, chủ động việc cấp nước cho đồng ruộng đúng thời
điểm phương tiện cơ giới đang làm đất chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, tiếng máy
nổ dòn vang làm ấm lòng người tiết mùa Đông. Đẩy lùi ký ức của người dân nơi
đây về vùng quê gần bờ sông Câu Lâu bao
đời bị bùn lầy vào dĩ vãng. Sau 3 năm
được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới bộ mặt thôn Câu Lâu Đông đã có sự đổi
mới khá toàn diện, với 100 % tuyến giao thông nông thôn được lót bê tông, nhân
dân các xóm sâu tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng mặt đường bê
tông đủ 4 mét, thuận tiện cho xe ô tô tải đến tận sân. Đã có gần 40 khu vườn
được nhân dân đầu tư cải tạo, lập mới theo mô hình nông thôn mới. Theo kết quả
kiểm tra mới đây của xã Duy Phước, thôn Câu Lâu Đông đạt 16/19 tiêu chí nông
thôn mới, có nhiều khả năng cán đích nông thôn mới vào thời điểm giữa năm 2014.
Không riêng thôn Câu Lâu Đông, hầu hết các thôn của xã Duy Phước đều đạt kết
quả cao trong phong trào thi đua “ xây dựng nông thôn mới” của xã Duy Phước
phát động.
3 năm
qua, Duy Phước đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó 30 %
là của nhân dân đóng góp, hãy còn khá khiêm tốn, nhưng Duy Phước đã hoàn thành
13/19 tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Gồm: Quy hoạch; Điện; Bưu điện; Hình thức tổ chức sản xuất; Giáo dục; Y tế;
Văn hóa; Hệ thống chính trị xã hội vững mạnh; Nhà ở dân cư; Môi trường; : Thu nhập; Cơ cấu lao động.
Quyết tâm về đích đúng hẹn
Trao đổi
với chúng tôi, bí thư Đảng ủy-Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Duy
Phước Lê Trung Bê cho rằng “ Thực hiện bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới giống
như trồng cây, 13 cây ( 13 tiêu chí) đã trồng được chúng tôi tiếp tục nuôi
dưỡng, chăm sóc để cây sum sê cành lá, đơm hoa, lớn quả. Những tiêu chí chưa
đạt thì tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5 % trở xuống là trong tầm tay của xã;
các tiêu chí còn lại như Hệ thống giao thông, thủy lợi, Cơ sở vật chất trường
học đạt chuẩn, Nhà văn hóa và khu thể thao; Chợ nông thôn là những tiêu chí cần
nguồn kinh phí đầu tư lớn để xây dựng, rất cần sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước,
ngành liên quan cấp trên. Về phía địa phương, chúng tôi tiếp tục huy động mọi
nguồn lực để thực hiện bằng được trong thời gian đến, quyết tâm về đích xã nông
thôn mới đúng hẹn vào năm 2015, chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần
thứ XX”
Xuân của
đất trời đơm hoa tỏa sắc hương, dâng trái ngọt cho đời, xuân của lòng người Duy Phước rạo rạo rạo rực niềm tin tỏa sáng
trên khắp nẻo đường nông thôn mới ./.
=QG