Trận lũ vừa xảy ra ngày 16 và 17/11 tuy không lớn, mới
trên mức báo động cấp III là 0,43 mét,
mực nước thấp hơn trận lũ năm 2009, không gây thiệt hại về người đối với Duy Xuyên
nhưng nước lũ chảy xiết đã làm hư hại nhiều công trình giao thông, thuỷ
lợi, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp từ các xã khu Tây đến vùng Đông, ước
tính tổng thiệt hại trên 55 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến sản xuất, nhân các địa
phương lại phải tập trung khắc phục hậu quả thiên tai đẩy nhanh tiến độ xây
dựng nông thôn mới.
Nước lũ từ
thượng nguồn đổ về sông Thu Bồn rất nhanh, dâng cao hơn 1,5 mét so với tuyến
đường ĐH 10 qua xã Duy Tân, cường suất lũ chảy xiết đã phá tan hoang hơn 240
mét tuyến đường này, từng mảng bê tông vỡ ra, đất đá bồi lấp kênh mương thuỷ
lợi, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới cho 65 ha lúa thôn Thu Bồn Đông vụ
đông xuân sắp đến. Người dân xã Duy Tân và xã Duy Thu rất lo lắng về nguy
cơ con đường chính này bị nước lũ tiếp tục tàn phá trong trong mùa mưa lũ năm
nay. Trao đổi với chúng tôi đồng chí Nguyễn Tiến – Chủ tịch UBND xã Duy Tân, lo
lắng: “ Nước lũ không lớn lắm, so với năm 2010 vẫn còn thấp hơn 0,1 mét, so
với năm 2009 thấp hơn 0,4 mét, nhưng nước dâng rất nhanh, chảy rất xiết đã làm
xói lở trầm trọng nhiều công trình hạ tầng như đường giao thông, kênh mương
thủy lợi của địa phương, không dễ một sớm một chiều khắc phục xong”
Khi nước lũ rút, nhiều đoạn đê chắn sóng, kè ven sông
các xã vùng Đông như Duy Phước, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Nghĩa v.v.. dần lộ ra
nhiều đoạn sụt lún. Kè Đông Bình xã Duy Vinh được đầu tư xây dựng từ năm 2009,
tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng cũng đang trong tình trạng nguy cấp, 300 mét mái
ngoài của tuyến kè đang tụt xuống sông, tình trạng sụt lún đe doạ trực tiếp đến
cuộc sống 350 hộ dân khu vực này.
Ông Nguyễn Thanh Ba ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh chứng
kiến nước lũ cuồn cuộn chảy qua làng mình, rồi tận mắt nhìn thấy bờ kè tụt dần,
ông Ba tỏ ra rất hoang mang: “ Thôn Đông Bình vốn đã cách trở, thời tiết bình
thường việc đi lại dựa vào cây cầu phao đã xuống cấp, nay lũ lụt cầu hư, nhà bị
xói lở, việc đi lại của nhân dân càng thêm khó khăn. Mấy ngày nay các cháu học
sinh phải nghỉ học, nhìn cảnh nầy thật buồn”
Trao đổi nhanh với chúng tôi trong chuyến kiểm tra
tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra tại các xã vùng Đông, Phó bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Công Dũng
nói: “ Hết bão rồi xảy ra cơn lũ nầy nên
nhiều công trình hạ tầng nông thôn ở các xã, thị trấn hư hại khá nhiều, Huyện
đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ một phần
kinh phí cùng tập trung khắc phục, nhưng trước mắt Duy Xuyên phải nỗ lực khắc
phục tạm thời để ổn định việc đi lại, giao lưu và nhất là làm mọi cách để tổ
chức sản xuất rau màu vụ đông và vụ sản xuất đông xuân 2013-2014 kịp thời vụ,
hết diện tích, đảm bão kỹ thuật. Bởi vụ đông xuân là vụ sản xuất chính của năm
nông nghiệp 2014”
.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Duy Xuyên cho
biết: đợt lũ lụt vừa rồi đã làm xói lở nghiêm trọng các tuyến đường giao thông
với 15 ngàn mét khối đất đá, các tuyến đê ngăn mặn tại các xã Duy Phước, Duy
Thành, Duy Vinh cũng bị hư hại nặng với 12 ngàn khối đất đá, bê tông trôi xuống
sông, nhiều tuyến kênh và công trình thuỷ lợi bị bồi lấp ảnh hưởng đến sản xuất
vụ đông xuân sắp đến. Thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Duy Xuyên ước tính hơn 35
tỷ đồng. Với những thiệt hại nghiêm trọng các công trình giao thông, thuỷ lợi
đã làm cho bà con nông dân lo lắng về vụ mùa khó khăn sắp đến. Do vậy, việc trước
mắt là lãnh đạo các xã, thị trấn; Chủ nhiệm các HTX nông nghiệp cần khẩn trương
tìm cách khắc phục, để bà con nông dân thuận lợi trong việc tổ chức sản xuất vụ
đông xuân kịp thời vụ hết diện tích, phấn đấu giành thắng lợi năm nông nghiệp
2014 ngay từ đầu vụ đông xuân 2013-2014 ./.