Duy Thành tạo đột phá thực hiện thí
điểm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng 3 năm
qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao
của nhân dân, bộ mặt nông thôn xã Duy Thành ngày càng khởi sắc…
Chú trọng phát triển sản xuất
Theo chân ông Nguyễn Văn Hiểu - Trưởng thôn Nhơn Bồi (xã
Duy Thành), chúng tôi ra thăm cánh đồng Thọ Ông, Biền Dừa, Ô Ngựa thuộc đội sản
xuất số 12 - nơi được chọn làm điểm triển khai dồn điền đổi thửa với diện tích
23ha đất lúa. Lúc trước, những cánh đồng này có tổng cộng 686 thửa ruộng, sau
khi dồn điền, giảm xuống còn 350 thửa, diện tích mỗi thửa từ 200 - 300m2 tăng
lên 500 - 800m2. Ông Phạm Tư - một người dân địa phương cho biết, trước đây ông
có 14 thửa ruộng nằm rải rác trên nhiều cánh đồng, bây giờ số thửa đã giảm gần
một nửa và được bố trí gần nhau nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu, cơ giới
hóa các công đoạn sản xuất. Ông Tư chia sẻ: “Dồn điền đổi thửa mang lại nhiều
cái lợi cho nhà nông. Đồng ruộng không còn manh mún, những vụ gần đây người dân
quê tôi mạnh dạn đầu tư sắm các loại máy móc phục vụ khâu làm đất, thu hoạch
lúa nên giảm đáng kể số công lao động. Đặc biệt, nhờ chủ động nước tưới, ứng
dụng hiệu quả gói kỹ thuật canh tác mới nên năng suất lúa tăng từ 300kg lên
370kg/sào”.
Từ sự thành công trên, chính quyền xã Duy Thành tiếp tục
hỗ trợ nông dân triển khai dồn điền đổi thửa 22ha đất lúa ở một số vùng khác
thuộc thôn Nhơn Bồi và tại đội 3 của thôn Vân Quật nhằm sớm hình thành những
cánh đồng mẫu lớn. Ông Trần Thanh Thư - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trong
quá trình thực hiện địa phương gặp nhiều vướng mắc, một số hộ dân muốn giữ lại
ruộng, không chịu hợp tác tổ chức dồn đổi. Trước tình trạng đó, UBND và các
hội, đoàn thể ở xã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu
được ý nghĩa thiết thực của công tác này. Cạnh đó, xã cũng trích ngân sách hơn
100 triệu đồng hỗ trợ tiền thuê máy cày, tiền công lao động để nông dân nhanh
chóng chỉnh trang đồng ruộng. Sau vụ hè thu 2013, các đơn vị liên quan lại tiếp
tục dồn điền đổi thửa 22ha đất lúa thuộc đội sản xuất số 10 của thôn An Lạc.
Hiện nay, việc phân lô đang gấp rút thực hiện, đảm bảo giao lại ruộng đất cho
nông dân vào cuối tháng 11 tới để gieo sạ lúa đông xuân 2013-2014 theo đúng
khung thời vụ.
Toàn xã Duy Thành có 470ha đất nông nghiệp, trong đó đất
sản xuất lúa khoảng 352ha. Thời gian qua, nhờ tập trung đầu tư đồng bộ nhiều
khâu nên người dân nơi đây liên tục được mùa. Nếu năm 2010 trở về trước năng
suất lúa bình quân chỉ đạt 55-60 tạ/ha thì nay tăng lên 65-70 tạ/ha. Bên cạnh
cây lúa, những vụ gần đây nông dân Duy Thành cũng tổ chức sản xuất nếp cao sản
trên các chân ruộng cao ráo, mang lại hiệu quả cao. Ông Lê Trung Thưởng - cán
bộ khuyến nông xã cho biết, hiện mỗi vụ Duy Thành có hơn 110ha đất sản xuất
nếp. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nguồn giống chất lượng, kỹ năng canh tác
không ngừng nâng cao nên vụ nào nông dân cũng bội thu. Ông Thưởng nói: “Nhờ
liên tục được mùa, giá bán sản phẩm luôn ở mức cao nên những năm qua nhiều gia
đình có nguồn thu nhập rất lớn từ nếp cao sản. Đây là hướng mở để nông dân
nhanh chóng làm giàu”. Ba năm trở lại đây nông dân Duy Thành cũng đã xây dựng
được hàng trăm mô hình canh tác đậu xanh, bắp nếp, đậu phụng và một số cây
trồng cạn chủ lực khác theo hướng hàng hóa tập trung với diện tích gần 40ha.
Bình quân mỗi năm 1ha đất này cho thu nhập 50-70 triệu đồng. Nhờ vậy, nếu cuối
năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của xã xấp xỉ 30% thì đến nay giảm xuống còn 21%...
Tập trung xây dựng hạ tầng giao thông
Tranh thủ trời nắng ráo, nhân dân thôn An Lạc (Duy Thành)
tiến hành ra quân phát quang cây cối, dỡ bỏ tường rào, cổng ngõ, mở rộng hành
lang trên tuyến đường chính của thôn theo tiêu chí NTM, đoạn từ cầu đập Ba Ra
đi xã Bình Giang (Thăng Bình) với tổng chiều dài 1.500m, rộng 7m để đến đầu năm
2014 thực hiện việc bê tông hóa. Ông Dương Văn Quang - Trưởng thôn An Lạc cho
biết, để mở rộng tuyến đường này, 36 hộ dân ở các tổ đoàn kết số 21, 22, 26 tự
nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ở, đất vườn và tháo dỡ nhiều tường rào cổng
ngõ, chặt bỏ cây cối với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Việc mở rộng tuyến
đường chính này sẽ quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, buôn
bán, vận chuyển nông sản từ địa phương lên trung tâm huyện, xuôi về Thăng Bình
và đến các nơi khác.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 3 năm qua
xã Duy Thành tiếp tục bê tông gần 5km đường giao thông nông thôn, tập trung ở
thôn Vân Quật và Thi Thại, nâng tổng số đường liên xã, liên thôn, liên xóm được
kiên cố hóa lên 33km, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Ngoài ra, tại các vùng thực hiện
công tác dồn điền đổi thửa, nhân dân đã góp công, góp sức làm hơn 1,1km đường
giao thông nội đồng. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn vốn của Chương trình 257 dành
cho các xã bãi ngang, địa phương cũng vừa đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng hoàn
thiện cầu bê tông cốt thép dài 56m, rộng 2,3m, nối liền thôn Thi Thại (Duy
Thành) với xã Quế Phú thuộc huyện Quế Sơn...
Ông
Lê Trung Xuân - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, từ xuất phát điểm chưa đạt
tiêu chí nào, đến nay địa phương đã hoàn thành 9/19 tiêu chí quốc gia về xây
dựng NTM gồm: hệ thống điện, trường học, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống
chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội, hình thức tổ chức sản xuất, quy
hoạch. Ngoài ra, hiện nay các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, giao thông đã đạt
hơn 60%. Ba năm qua bằng nhiều nguồn kinh phí huy động xã đã đầu tư hơn 18,8 tỷ
đồng để thực hiện chương trình này, trong đó nhân dân đóng góp gần 2 tỷ đồng.
Trong năm 2014, Duy Thành phấn đấu thực hiện hoàn thành 2 tiêu chí gồm cơ sở
vật chất văn hóa và nhà ở dân cư. Đến năm 2015, tiếp tục hoàn thành tiêu chí về
môi trường, bưu điện và quyết tâm trở thành xã NTM vào cuối năm 2018.
MAI NHI
- PHI THÀNH