Sau 3
năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới,
huyện Duy Xuyên đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tạo
sự chuyển biến lớn trong nhận thức của các tầng lớp nhân
dân, mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, và đã tạo
bước chuyển biến đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh
tế-xã hội tại địa phương
Chung tay góp sức xây dựng giao thông nội đồng
Có thể khẳng định chặng đường 3 năm triển khai thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, Duy Xuyên đã đạt được
nhiều thành tựu to lớn. Trước hết là nâng cao được nhận thức của nhân dân nói
chung và nông dân nói riêng về nông thôn mới là nhân dân chung tay xây dựng
nông thôn mới và nhân dân là người đầu tiên hưởng lợi từ nông thôn mới. Nên sau
xã khi phát động xây dựng nông thôn mới thì hầu hết nhân dân ở địa phương đều
hồ hởi, phấn khởi bắt tay vào thực hiện.
Điều nầy được minh chứng là vào thời điểm cuối tháng
10/2010, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
huyện được thành lập, đã tập trung công tác tuyên truyền bằng nhiều hình
thức nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân. Bên cạnh việc mở 3 lớp bồi
dưỡng nghiệp vụ về chuyên đề xây dựng nông thôn mới, nghiệp vụ thực hành
xây dựng Đề án, và Đề án quy hoạch nông thôn mới cho gần 400 cán bộ chủ chốt ở
cơ sở. Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện ký kế hoạch
liên tịch với Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện, và các tổ chức: Hội nông
dân, Hội liên hiệp phụ nữ và Đoàn thanh niên huyện mở các lớp đào tạo, tập huấn
chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, và vận động cán bộ, hội viên cùng chung
tay, góp sức xây dựng nông thôn mới với gần 19.000 lượt người tham gia. Qua đó
đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và sự hưởng ứng tích cực trong cán bộ, đảng
viên và nhân dân về chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.
Nhờ vậy, 3 năm qua toàn huyện tiếp tục đầu tư lót bê
tông hàng chục km đường xã, đường thôn, đường liên thôn; nâng tổng số đường
nông thôn được lót bê tông lên 230 km, chiếm tỷ lệ 93,9 % chiều dài các tuyến
giao thông trên địa bàn huyện. Đường trục chính giao thông nội đồng được cứng
hoá trên 10 km, nâng tổng số đường nội
đồng được bê tông lên 25 km, chiếm 9,4 % tổng số đường giao thông nội đồng.
Trong tổng số 72 công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ trên địa bàn
huyện, đến nay đã có 16 công trình đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới. 3 năm gần đây
đã xây dựng, nâng cấp được 28 km kênh mương, nâng lên 83,4 km kênh mương loại 3
đã được xây dựng kiên cố. Trong tổng số
11 xã phát động xây dựng nông thôn mới có 39 điểm trường 4 cấp học đã có
22 điểm trường đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Trong số các chợ nông thôn trên
địa bàn hiện có 2 chợ đạt yêu cầu chợ nông thôn mới, đó là chợ Trà Kiệu xã Duy
Sơn và chợ Cổng số 5 xã Duy Phú. Về hệ thống điện, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân, với 100 % số xã có điện lưới quốc gia, 96 %
tổng số hộ sử dụng điện. Theo kết quả đánh giá của tỉnh: huyện ta có 5 xã đạt
tiêu chí quốc gia về hệ thống điện.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn
mới toàn huyện đã vận động hỗ trợ xây
dựng nâng cấp được trên 1.000 ngôi nhà tạm, với tổng số tiền đầu tư hàng chục
tỷ đồng, như vậy đến nay toàn huyện đã có 11.368 / 19.500 ngôi nhà ở của nhân
dân đạt chuẩn nhà nông thôn mới, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng
khang trang. Tuy chưa có kết quả điều tra cụ thể, nhưng thu nhập bình quân nhân
khẩu ở các xã xây dựng nông thôn mới 3 năm gần đây tăng lên rõ rệt, trong đó 3
xã điểm nông thôn mới đạt mức thu nhập bình quân 17,7 triệu đồng/ người/ năm;
tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương giảm nhanh từ 22 % xuống còn 16 % ; hình thức
lao động sản xuất ở các địa phương được tổ chức khá phong phú, tạo thêm nhiều
việc làm cho người lao động; mạng lưới y tế được tăng cường; các hoạt động văn
hoá, thể dục, thể thao được chú trọng phát triển cả nội dung và phương thức
hoạt động ngày càng đa dạng, đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu tinh thần của nhân dân.
Quang cảnh nông thôn mới
Trong tiến trình thực hiện các tiêu chí quốc gia về
nông thôn mới, đến nay Duy Xuyên có 9/11
xã xây dựng được phương án dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch sản
xuất, đặc biệt xã Duy Phước- một trong 3 xã điểm của huyện đã xây dựng
được tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, từng bước
xác lập được thương hiệu rau an toàn Lang Châu Bắc, Duy Phước. Đồng thời huyện
đã xây dựng được 8 cánh đồng mẫu lớn ở Duy Vinh: Duy Sơn: Duy Phước, Duy Trinh,
Duy Thành, Duy Trung và Duy Hoà với quy mô 326 ha; Bên cạnh việc đẩy mạnh công
tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 98 nhóm hộ về các chuyên đề
trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, tổ chức được nhiều
lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Tỉnh và Huyện đã hỗ trợ cho các địa
phương mua được hàng chục máy cày, máy gặt đập liên hợp, 1 máy sấy lúa từng bước
hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã đầu tư 210
tỷ 414 triệu đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó năm 2013 chiếm 51 tỷ
150 triệu đồng. Gồm các nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu chiếm 14 tỷ
630 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình chiếm 160 tỷ đồng; nhân dân
đóng góp trên 22 tỷ 300 triệu đồng và các tổ chức khác đầu tư gần 5,5 tỷ đồng.
Càng khẳng định thêm sức mạnh lòng dân về thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà
nước và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới.
Phát huy thành quả đạt được, Ban chỉ đạo thực hiện
chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới huyện đề ra nhiệm vụ
năm 2014 và năm 2015 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chủ
trương, chính sách của Đảng, nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục
tiêu, nội dung, phương pháp xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành xuất
sắc các chỉ tiêu cơ bản, gồm: Tất cả 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới là Duy
Hòa, Duy Sơn và Duy Phước hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn
mới vào năm 2015; các xã còn lại phải hoàn thành từ 2 đến 3 tiêu chí xã nông
thôn mới nhằm tạo cơ sở về đích nông thôn mới sớm, trước năm 2020./.