A+ A A-

Tình biển

     26 chủ tàu ở làng Trà Đông, xã Duy Vinh  thành lập tổ đoàn kết vươn khơi bám biển...

   Tình biển

Ngư dân làng Trà Đông chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi bám biển   

   Từng ấy con người chung sức vượt qua những tai ương giữa biển cả. Cũng tại ngôi làng này, tổ đoàn kết đứng ra quyên góp tiền của xây dựng lăng cá ông, cầu mong những chuyến biển thuận buồn xuôi gió.

    Đoàn kết vươn khơi

   Cuối năm, chúng tôi về làng Trà Đông, bên dòng sông Thu Bồn tàu thuyền đang khẩn trương ra khơi.       Một không khí tất bật với hàng chục tàu và hàng trăm lao động đang vá lưới, vận chuyển nhu yếu phẩm lên tàu. Tại đây, ông Trần Đạo, chủ tàu Qna 92033 cùng các thuyền viên sắp nhổ neo hành nghề, tôi hỏi: Mưa gió thế này, đánh bắt gặp nhiều rủi ro mà tàu vẫn vươn khơi sao?

    Ông hồ hởi: “Giờ không lo lắm chú ơi! Từ ngày có tổ đoàn kết rồi, mình có gặp hoạn nạn thì được đồng đội hỗ trợ. Mỗi lần vươn khơi không chỉ mình tôi mà có 4 tàu khác đi cùng. Những ngày đánh bắt trên biển, mọi người trong tổ sẽ hỗ trợ cho nhau từ việc tu sửa máy móc đến ngư trường đánh bắt. Ở làng này, cả chục năm nay tổ đoàn kết đi vào hoạt động, từng ấy năm không có tai ương xảy ra”.

    Theo ông Đạo, với những ngư dân như ông, việc tàu thuyền hư hỏng trên biển thường gặp phải. Từ thực tế đó, những ngư dân ở thôn Trà Đông được chính quyền địa phương trợ giúp thành lập tổ đoàn kết đánh cá C10. Tổ hỗ trợ các ngư dân rất hiệu quả.

   Ông Đỗ Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ đoàn kết C10, cho hay nghề biển - nghề đối diện với hiểm nguy rất cao, mỗi khi gặp nạn nếu không có sự trợ giúp thì tính mạng con người và tài sản sẽ không còn. Nhưng đã làm nghề thì “buôn có bạn, bán có phường”, do đó phải hợp sức mới đem lại thành quả cao.

   Tình biển

Bốn ngư dân tổ đoàn kết C10 khởi công đóng tàu vỏ thép   

   Năm 2005, có 30 chủ tàu thuyền ở Trà Đông thành lập tổ đoàn kết (nay còn 26 người, 4 người bán tàu chuyển qua ngành nghề khác) C10, với mục đích chia sẻ, giúp đỡ nhau vươn khơi. Theo đó, mỗi lần đi biển, họ đi từ 5 tàu thành một nhóm, khoảng cách giữa các tàu 1 hải lý. Từ ngày đi vào hoạt động, mỗi khi tàu nào không gặp may thì các tàu khác ứng cứu, vượt qua cơn hoạn nạn.

     Tôi hỏi: Thế tổ đã giúp được bao tàu gặp nạn trên biển rồi? Ông Tiến đáp: Nhiều lắm, tôi không nhớ hết. Mới đây, tàu ông Trần Chín, một thành viên trong tổ đang đánh bắt trên biển thì bị hư đề, máy không nổ được, lênh đênh trên biển. Sau đó, ông phát tín hiệu thì lập tức 4 tàu trong tổ có mặt. Tại đây, các thuyền ra sức sửa chữa nhưng do không có đồ thay thế, do đó đội lên kế hoạch dùng tàu ông của Huỳnh Văn Lắm, mang số hiệu Qna 03939 lai dắt tàu ông Chín vào bờ.

    Sau một ngày, họ tương trợ lẫn nhau, tàu ông Chín cập bờ an toàn. Tôi hỏi tiếp: Mỗi chuyến ra khơi tiền phí tốn hết gần 100 triệu, trong khi chưa đánh bắt được nhiều hải sản mà phải lai dắt tàu ông Chín, như vậy chắc chắn bị lỗ nặng?

    Ông Tiến cho hay: Biết lỗ cũng giúp chú ạ! Đấy mới là tổ đoàn kết. Sau khi vào bờ, các thành viên trong tổ góp tiền để giúp tàu ông Lắm một ít chi phí dầu, nhớt... Còn lỗ bao nhiêu tàu ông Lắm chịu tất, ông Chín mua chai rượu, gói thuốc mời mọi người để cảm tạ.

 Tình biển 

Nhiều bộ xương cá ông được ngư dân làng Trà Đông thờ cúng   

  “Đấy là tình của làng biển Trà Đông mà nhiều làng biển khác không có. Mình có giúp nhau thì mới vươn khơi bám biển được, chứ giữa đại dương mênh mông, một mình lẻ loi không biết xoay xở thế nào. Hãy tự cứu mình trước khi người khác đến cứu mình mà. Bản thân tôi đã không ít lần lai dắt các tàu bị hư hỏng trên biển đưa vào bờ. Mình thiệt một tý nhưng giúp được đồng đội an toàn, đó chính là niềm vui. Đặc biệt, mình giúp họ thì hôm sau họ giúp lại mình”, ông Tiến bộc bạch.

     Nhờ sự đoàn kết nên trong 10 năm quan mỗi chuyến đi biển, tất cả thành viên tổ đoàn kết C10 không ai trắng tay trở về. Một khi phát hiện có đàn cá thì kêu gọi đồng đội đến đánh bắt. Hay tàu nào khoang đầy cá thì để lại xăng dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm cho các tàu còn lại tiếp tục bám trụ.

   Để nghề biển tăng thêm thu nhập, tổ đoàn kết C10 chú trọng đầu tư công nghệ vào sản xuất. Năm 2009, biết tin nghề lưới rê 3 lớp ở tỉnh Bạc Liệu đánh bắt có hiệu quả, tổ cử người vào tận nơi học hỏi, sau đó về áp dụng cho các thành viên trong tổ. Hiện 100% thành viên hành nghề này. Ngoài ra khi máy dò ngang được áp dụng, các thành viên trong tổ mạnh dạn đầu tư để trang bị cho tàu của mình.

   Hiện tổ có 26 thành viên thì tạo công ăn việc làm cho gần 300 người. Tính bình quân các lao động có thu nhập từ 60-100 triệu đồng, còn chủ tàu thu từ 300-500 triệu đồng/năm.

   Mới đây, khi Nghị định 67 của Chính phủ triển khai, có 4 người trong tổ mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ thép. Hiện các tàu đã khởi công, dự tính tháng 2/1016 đưa vào sử dụng. Tổng vốn đầu tư mỗi con tàu hết 16 tỷ đồng, trong đó Nhà nước cho vay 15,2 tỷ đồng, với công suất 850CV.

     Chịu tang cá ông

   Tình biển

Khu lăng ông được người dân góp vốn xây dựng   

    Ngôi làng Trà Đông cách bờ biển Cửa Đại khoảng 3 hải lý nhưng có lăng thờ cá ông bề thế bên bờ sông Thu Bồn.

     Dẫn chúng tôi tham quan, ông Tiến chia sẻ: Thủa trước, mỗi lần gặp cá ông (cá voi) lụy bờ thì mọi người đưa vào đây mai táng trên bãi đất này để thờ cúng. Cha ông kể lại, cá ông chính là thần Nam Hải. Tuy nhiên, miếu thờ chưa được xây dựng, thế nên đầu năm 2015, tổ đoàn kết C10 đứng ra kêu gọi xây lăng. Sau một thời gian đã huy động được 500 triệu đồng.

   Lăng cá ông nhìn phía ngoài được xây bằng xi măng giống như một con tàu. Trên đó có bàn thờ, tại đây rất nhiều xương cá ông được đặt lên. “Mỗi khi ông dạt vào, bà con chôn cất phía trước lăng. Ông to hay nhỏ thì sau 1-3 năm người dân làm lễ cải táng đưa xương lên bàn thờ. Ở Trà Đông, hằng năm dân làng chọn ngày “ông lụy” vào tháng 2 làm lễ cúng giỗ theo nghi thức nghinh ông.

Với những ngư dân, họ hết sức sùng kính cá ông, nếu ai phát hiện ông chết dạt vào bờ hoặc kiệt sức thì người đó có trách nhiệm tổ chức mai táng. Người đó phải đứng chịu tang, còn việc mai táng cho cá ông thì mọi người trong làng thực hiện, với nghi thức hết sức tôn nghiêm.

    Người dân có câu “Thấy ông vào làng như vàng vào tủ”. Do đó, nếu cá ông lụy và trôi dạt vào làng nào thì làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Sau khi chôn cất, lập mộ 3 ngày, người phát hiện ra cá ông làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu. Trong 3 năm, người chịu tang còn phải kiêng cữ một số hành vi đạo đức giống như cách thức chịu tang cha mẹ.

 “Ông nào lụy vào đây trong lúc hấp hối thì chúng tôi thay nhau chăm sóc. Có một điều lạ là có nhiều ông lụy bờ, chúng tôi đưa ra xa mấy hải lý nhưng rồi ông cũng bơi vào, không đi ra. Đấy là điều lạ lùng nhất đối với cá ông. Ngư dân Trà Đông mỗi khi ra khơi, mọi người đều đến thắp hương mong ông giúp đỡ những chuyến đi trời yên, biển lặng bình an trở về”, ông Tiến tâm sự.

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799682
Hôm nay
Hôm qua
3803
10160