A+ A A-

Vinh Cường đất lửa

    Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thúc Bá bảo: "Vinh Cường đã quen với mọi người, bởi đây là nơi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh. Nhưng có một Vinh Cường nữa với những con số rất ấn tượng có lẽ không nơi nào có trong chiến tranh". Nghe theo lời giới thiệu của người anh hùng, tôi phóng xe về Vinh Cường, trước đây là thôn, nay là tổ 14, thôn Phú Nhuận 3, xã Duy Tân, Duy Xuyên.

Vinh Cường - đất lửa 

 

     Xóm anh hùng

     Mới về đầu xóm đang dò hỏi thăm đường, chúng tôi gặp ngay cựu chiến binh Hồ Sĩ Tượng. Đúng là "ra ngõ gặp anh hùng", cuộc trao đổi chớp nhoáng đã cho những thông tin gây "choáng". Chỉ riêng gia đình ông Tượng đã có đến... 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có bà nội, 2 chị dâu, 2 thím dâu và một bác dâu của ông Tượng. Ông Văn Công Mịch, nguyên Bí thư Đảng ủy xã mang ra cuốn sổ ghi chép những con số "biết nói" về vùng đất này. Xóm có 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 70 liệt sĩ, 39 Mẹ Việt Nam anh hùng, 27 tù yêu nước, 6 xã đội trưởng, 5 bí thư Đảng ủy xã trong những năm chiến đấu. Đặc biệt ông Hồ Xuân có 2 vợ đều là Mẹ Việt Nam anh hùng và 8 người con là liệt sĩ.

   Thời chống Mỹ, thôn Vinh Cường ở bên hông sân bay An Hòa, ôm gọn vành đai Xuyên Phú (tức Duy Tân), lúc đông nhất là 46 hộ. Mặc cho địch đàn áp, suốt 21 năm chống Mỹ- ngụy, Vinh Cường không hề mất dân. Đây là chiếc nôi chở che, bảo vệ an toàn các đoàn cán bộ đi về. Là nơi đặt cơ sở mật của Đặc khu ủy, Mặt trận 4, Công an tỉnh. Các ông Võ Chí Công, Trần Thận, Hồ Nghinh, Hoàng Văn Lai đều về Vinh Cường chỉ đạo phong trào cách mạng và lực lượng địa phương. Không chỉ điện tín của tỉnh đặt tại thôn mà đội phẫu Mặt trận 4; các kho lương thực của tỉnh là K650, 655; đội thuyền thu mua lương thực ven sông Thu Bồn, điểm đổi tiền đô-la để mua gạo, mua thuốc tây cũng chọn Vinh Cường làm nơi đứng chân. Đường dây đi vùng B Đại Lộc cũng từ đây xuất phát. Một đại đội của Trung đoàn 36, quân Giải phóng đã về thôn, bố trí hỏa lực bên bờ sông đẩy lui cả tiểu đoàn Mỹ. Làng quê nghèo, nhưng sẵn sàng ăn khoai sắn, dành gạo nuôi bộ đội. Có thời điểm thương binh từ các chiến trường gần 100 ca đưa về thôn sơ cứu, nhà nào cũng nhận các anh về chăm sóc, bồi dưỡng lại sức trước khi chuyển lên hậu cứ.

   Sự bất khuất, kiên trung của người dân Vinh Cường khiến địch khiếp sợ và nể phục. Mẹ Trần Thị Hào đang giã bắp ngoài sân để tiếp tế cho cách mạng thì đêm hôm bọn Mỹ ập đến bất ngờ. Bà làm ầm ĩ lên, du kích trong nhà chạy thoát, phần bà nhận hy sinh. Hôm sau bà con khiêng bà xuống nỗng Bà Tình đòi bồi thường vì đã bắn dân. Bọn địch dồn nước cho khu Kỹ nghệ, ngăn không cho dẫn về đồng ruộng của thôn. Các lão thành tổ chức lực lượng đấu tranh chính trị, bắt tên quận trưởng Đức Dục phải ra lệnh tháo nước. Rồi chuyện ông Lê Hường cầm tối hậu thư của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam lên quận trưởng đòi ngừng bắn, chấp hành Hiệp định Paris cũng đã thành công vang dội. Hàng đêm chúng cài lựu đạn quanh đồn cầu Mỹ Lược, du kích xã dùng "gậy ông đập lưng ông", mở kíp, gạt hết dây cháy chậm và đặt lại chỗ cũ. Sáng ra chúng đi gỡ, vừa đụng vào đã nổ tung, nhiều tên địch bỏ mạng. Chúng xuống bờ sông đánh răng, du kích phục bắn tỉa, diệt luôn mấy thằng, làm chúng không còn dám đi lẻ.

  Vinh Cường - đất lửa 

AHLLVTND Huỳnh Thúc Bá và mẹ của mình. 

    Anh dũng cảm, em gan góc cũng là chuyện của Vinh Cường. Trong Nhật ký Chu Cẩm Phong có đoạn dài viết về tấm gương liệt sĩ Huỳnh Sáu tức Huỳnh Văn Long, xã đội trưởng, em của anh hùng Huỳnh Thúc Bá (người nhiều lần được gặp Bác Hồ). Hay du kích Hồ Hoa luôn sát cánh cùng anh trai là xã đội trưởng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Quyến diệt hàng chục lính Mỹ và cả hai đều đã hy sinh. Không làm được gì du kích, bọn địch trả thù hèn mạt người dân không có vũ khí tự vệ. Ngày 15-6-1968, một đại đội của trung đoàn 5 Mỹ đi càn quét, đốt nhà bắt dân tập trung sắp hàng rồi nã súng tàn sát 37 đồng bào ta trong đó có 16 cụ già, 21 trẻ em. Gia đình bà Quyên có 4 người ngã xuống. Sau vụ thảm sát đau thương, bà con Vinh Cường càng thêm căm thù giặc Mỹ, kiên quyết bám trụ, một tấc không đi, một ly không rời, làm chỗ dựa cho bộ đội, du kích đi về hoạt động cho đến ngày giải phóng. Năm 1998, một bia tưởng niệm, ghi dấu tội ác của quân xâm lược Mỹ được dựng tại đây.

    Ân tình với nhà văn Chu Cẩm Phong

  Nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, người con của Hội An được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2010. Trước đó ông đã được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật tác phẩm "Nhật ký chiến tranh". Cuốn Nhật ký dừng ở ngày 27-4-1971 tại mảnh đất Vinh Cường này.

   Ông Lê Yến, lúc đó là chính trị viên xã đội (sau này là Chủ tịch UBND xã), người cùng hầm với nhà văn Chu Cẩm Phong không quên một chi tiết nào ngày đồng đội mình hy sinh: "Anh Phong đã quá quen thuộc với Vinh Cường. Anh hay đi về đây hoạt động và sáng tác. Thường là anh ở nhà anh Hồ Phong, Bí thư Đảng ủy xã, sau này anh Phong bí thư hy sinh, anh hay ở nhà anh Mịch. Tối hôm địch càn, anh còn ở lại họp chi bộ với chúng tôi bàn chuyện diệt ác. Từ sáng sớm ngày 1-5-1971, địch dội pháo từ Kiểm Lâm - Xuyên Hòa lên rồi chúng cho tàu bay đầu tròn trinh sát. Biết là địch sắp đổ quân, mọi người tìm cách đối phó. Anh Phong bảo: "Tôi không ở nhà, cho tôi đi chiến đấu". Máy bay quần thảo mỗi lúc một gần, có lẽ bằng cách nào đó, chúng đã "đánh hơi" thấy mục tiêu. Chúng tôi chui vội xuống hầm, lúc này đã rất đông người gồm tôi, anh Phong, Ngọc là du kích; hai cô Ca, Ta là người của Ban lương thực Quảng Đà. Khoảng 8 giờ sáng, anh Nguyễn Tiềm, Nguyễn Đình Nguyên, Ban An ninh huyện, Mai Văn Mai, Ban lương thực huyện cùng chạy lên do hầm của các anh ở dưới Xuyên Hòa bị lộ. Như vậy là hầm nhỏ có đến 8 người ẩn nấp".

   Sau khi đổ quân, địch dùng chất nổ bứng tung bụi tre, lộ dây kéo nắp hầm, từ đây chúng thả lựu đạn vào. Hai cô ngồi ngay nóc bị thương nặng. Anh Phong nói: "Các đồng chí! Tài liệu phải được hủy. Mình chiến đấu đến cùng chứ không được tự sát nghen". Rồi anh xé tài liệu, cuốn nhật ký anh vùi trong đất (sau này người lính ngụy trong trận hôm ấy đã tìm thấy, giữ đến ngày giải phóng và trao lại cho ta). Anh khuyên cô Ta và cô Ca cố gắng chịu đựng vết thương và chụm anh em lại bàn cách chiến đấu. Cứ nghĩ anh tỉnh táo vậy là không hề hấn gì nhưng sau mới biết anh không chỉ bị toác ở bắp đùi mà còn bị một vết sâu chỗ thắt lưng, máu chảy đẫm chiếc xách và bộ ka-ki vàng. Anh nắm tay tôi và nói lời cuối cùng: "Chắc tôi hy sinh, các anh cố gắng trả thù cho tôi". Sau trận càn, địch kéo 4 liệt sĩ là anh Phong, anh Tiềm, hai cô Ta, Ca xuống khe nước. Khi chúng rút đi, ông Mịch, lúc đó là Trưởng ban tiền phương của xã cùng các đồng chí của mình đã chôn cất các anh sát bờ khe, đánh dấu thứ tự trong trí nhớ. 3 tháng sau, chúng cho hàng chục máy cày nát khu vực này nhưng nhờ chôn chỗ thấp mà may mắn mộ các anh còn nguyên vẹn. Năm 1980, khi mẹ nhà văn Chu Cẩm Phong đến đây tìm, nhờ nắm kỹ địa hình nên mọi người đã chỉ đúng mộ để gia đình đưa hài cốt nhà văn về nghĩa trang Hội An.

   Trong nhà ông Mịch, có bàn thờ nhà văn Chu Cẩm Phong với di ảnh thời thanh xuân. "Anh Phong với gia đình chúng tôi thân thiết lắm. Khi ảnh mất, tôi cứ như thấy anh vẫn đang bên cạnh. Hòa bình rồi, cứ chiều tối tôi lại đến chỗ các anh hy sinh để thắp hương. Cứ lọ mọ như vậy, sau tôi nghĩ ra làm cái trang này, mua nồi hương về thờ tự hàng ngày. Năm 2000, khi có bia tưởng niệm nhà văn Chu Cẩm Phong và các đồng chí hy sinh do Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam đứng ra vận động xây dựng, anh Phong thêm chỗ hương khói..."- ông Mịch xúc động...

   Những câu chuyện về đất lửa Vinh Cường có lẽ vô tận... Chợt nghĩ, đâu phải ngẫu nhiên nhà văn Chu Cẩm Phong đã về đây và mảnh đất này đã ôm ông vào lòng trong những năm tháng ác liệt nhất.

Hồng Vân

 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19799819
Hôm nay
Hôm qua
3940
10160