Trận diệt đồn Thu Bồn trong kháng chiến chống thực dân Pháp là một trận đánh đẹp. Đẹp vì hạ được đồn mà hầu như ta không có thương vong. Là trận đánh được phối hợp nhịp nhàng giữa ba lực lượng quân - dân - chính, giữa ba mũi quân sự, chính trị và binh địch vận.
Ngày 7.6.1947, vừa mờ sáng, quân Pháp vượt sông Thu Bồn đặt chân lên đất đông và trung huyện Duy Xuyên. Năm ngày sau, sáng 12.6.1947, một mũi quân Pháp lên Vĩnh Trinh. Bị lực lượng vũ trang huyện và xã nổ súng tấn công, mũi quân thăm dò này lui xuống Diêm Sơn. Đây là thời điểm bà con ta ào ạt gồng gánh tản cư. Phần đông chạy lên truông Phường Rạnh, lên Trung Phước, Trung Lộc, Khánh Bình, Cà Tang... Một số gia đình, kẻ bồng người gánh con nhỏ, dắt trâu bò, chạy vào núi Mỹ Sơn, Thạch Bàn, Nà Thắng, Quảng Lai, một số theo sông Trường Giang vào đông Thăng Bình, Tam Kỳ...
Liên tiếp hai ngày quân Pháp cho máy bay ném bom vừa áp đảo tinh thần của ta, vừa phá hỏng công sự, chiến hào của quân dân dọc tuyến phòng thủ nam sông Thu Bồn. Đến rạng sáng ngày 22.6.1947, đại bác của Pháp từ Ái Nghĩa bắn cấp tập vào các thôn làng từ Kiểm Lâm đến Thu Bồn. Lực lượng quân Pháp tập trung tại Hòn Bằng, có máy bay và đại bác yểm trợ, theo đường núi tiến thẳng lên Vĩnh Trinh, La Tháp, đạp theo sườn núi phía Nam tiến lên Phú Nhuận thì một cánh quân Pháp từ Giao Thủy tiến qua sông Thu Bồn, chốt tại Kiểm Lâm. Trong lúc đó, cánh quân phía Nam tiếp tục tiến lên Thu Bồn, lên Phú Đa. Đến đây, quân Pháp bị quân dân các xã Thu Hòa, Phú Hòa chặn đánh. Địch lui xuống Thu Bồn chốt và bắt đầu xây dựng một đồn kiên cố: đồn Thu Bồn.
Tháng 3.1948, huyện Duy Xuyên tiến hành nhập xã lần thứ hai. Toàn huyện có 29 xã nhập lại còn 12 xã. Các xã Mỹ Phú, Mỹ Thạch, Thu Hòa, Phú Hòa nhập thành xã Duy Nhất. Chi bộ xã Duy Nhất có 15 đảng viên, lấy bí danh chi bộ Sông Lô. Nguyễn Văn Tuân làm Bí thư chi bộ, Trần Đạo làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính. Trụ sở xã đóng trong nhà dân tại xóm Ao Vuông, Mỹ Sơn. Trong chống Mỹ ông Trần Đạo làm đến Phó Trưởng ban Tuyên huấn Quảng Đà.
Từ năm 1948, giặc Pháp thường càn quét vào các làng Phú Nhuận, A Đông, Thạch Bàn, Mỹ Sơn, và bất ngờ cho từng tốp 3 tên bí mật lội vào sát ven núi truy lùng cán bộ, bộ đội. Để nắm được hành tung của giặc, cán bộ công an xung phong huyện cùng xã bám vào dân xây dựng được một số gia đình nòng cốt quanh đồn Thu Bồn như: bà Biện Mãng, bà Bán, bà Phước, bà Lịch, Hai Xoa, Hồ Thị Mân, Năm Cầm, Năm Nhàn; các ông Võ Tòa, Hồ Phồn, Thái Xúy... Cán bộ công an xung phong nắm được hai hương chức trong hội tề Thu Bồn là Lương Chầu và Trần Mai. Trong số người Việt theo Tây ta nắm được Cai Sáu (người xã Đại Cường), Cai Chí (người xã Đại Thắng, Đại Lộc). Tổ chức được một số chị em là cán bộ, cơ sở hợp pháp thường xuyên tiếp cận lính các đồn Kiểm Lâm, Giao Thủy, làm quen, nói chuyện, lôi kéo giác ngộ được 3 lính Âu Phi và một lính người Việt mang súng về với kháng chiến. Ở đồn Thu Bồn có đội Chư làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp. Ngày 19.9.1947, đội Chư dẫn địch càn vào thôn Phú Nhuận 3 bị lực lượng dân quân tự vệ nổ súng, đánh mõ báo động cho dân biết chạy tránh giặc. Bọn chúng tiến vào thôn Phú Nhuận 2, bắn chết 37 người gồm cụ già, trẻ em, người đau ốm không chạy kịp. Không lôi kéo được đội Chư, Chính trị viên Huỳnh Đẩu lên kế hoạch bắt sống đội Chư tại chợ Thu Bồn. Bị lộ, đội Chư thoát chết chạy vào đồn Thu Bồn.
Ông Lương Chầu năm nay tuổi 90, là nhân chứng trận diệt đồn Thu Bồn mà tôi gặp được. Để đánh đồn Thu Bồn, tỉnh, huyện Duy Xuyên và xã Duy Nhất có một bước chuẩn bị công phu: Dân nhận việc giấu quân ém sát đồn. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của trận công đồn bất ngờ giữa ban ngày. Cán bộ về xây dựng một số gia đình cơ sở tốt, họ hứa giữ bí mật đến phút cuối cùng với khẩu lệnh: “Kín miệng là cứu nước’’. Đội trinh sát nắm chắc lực lượng và bố trí lực lượng trong đồn. Nhiệm vụ vô cùng quan trọng này phải dựa vào cơ sở nội tuyến của công tác binh địch vận. Vì địch đông, chốt điểm trong công sự kiên cố, vũ khí hiện đại so với vũ khí vô cùng thô sơ và ít của ta. Như vậy, phải có phương án “điệu hổ ly sơn’’. Và, để đảm bảo trận đánh chắc thắng, Đại đội 7 và Đội Công an xung phong huyện được điều lên làng Đại Bường cùng 1 đại đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 39 của Liên khu V tập luyện.
Đêm 17 rạng sáng ngày 18.8.1949, các gia đình cơ sở quanh đồn chuẩn bị đón bộ đội về nhà mình. Võ Thành Công (người sau năm 1954 bị địch dìm xuống lòng hồ Vĩnh Trinh) trực tiếp giao nhiệm vụ cho Lương Chầu. Với chức Hương Kiểm kiêm xếp vẽ, được quan đồn cho phép tự do ra vào đồn để nhận nhiệm vụ thông qua Lý trưởng, thường là bắt dân đi phục dịch, cả việc huy động dân trong làng họp chợ gần đồn, dựng quán rượu và tổ chức nhà chứa để phục vụ lính Tây. Nhân đồn cho làm lán trại cho lính, Lương Chầu cử người đi đốn tre. Đây là dịp để điều một số lính ra khỏi đồn. Dặn ai đốn tre thì đem về để ở đầu dốc, ai vác tre thì vác tre, không được nói chuyện. Rựa chặt tre cũng là vũ khí chiến đấu. Tre cưa làm đòn tay nhà cũng sẽ là đòn khiêng chiến lợi phẩm, khiêng thương binh, tử sĩ... Là cơ hội tốt nhất để đưa người vào nắm tình hình trong đồn, đưa lựu đạn vào đồn...
Ngày 18.8.1949 - ngày hành động. Đúng 12 giờ trưa ta bố trí bộ đội đóng vai cu ly bí mật vào nhà bà Biện Mãng, đến 1 giờ thì nhập vào đồn. Trước đó, Lương Chầu nhờ Cai Sáu nói giùm quan đồn cho Lương Chầu sửa cái nhà và được quan đồn cho phép - thật ra là lấy cớ để bố trí người đốn tre tập trung tại nhà, cũng là bằng chứng ngoại phạm để quan đồn không nghi ngờ. Vì vậy, hôm đó trong nhà Lương Chầu có cả chục lính Âu Phi, Việt Nam, cả lính Ê Đê, lính Partisan. Lương Chầu rất sợ, cố giữ bình tĩnh song người cứ run. Ai mà không run khi phải đưa quả lựu đạn trong đống ruột trọng tre ở góc sân vào giao tận tay anh bộ đội - đóng vai cu ly trong đồn. Khi được ông Hoàng Đại Hải, bấy giờ là Trung đội trưởng, nói giọng Huế, giao nhiệm vụ đưa ba bộ đội vào làm trong đồn, Lương Chầu yêu cầu ba bộ đội đó phải là người Quảng Nam, chứ nói giọng Huế thì Cai và quan đồn sẽ nghi ngờ. Đến ngày hành động, Lương Chầu lấy quả lựu đạn mỏ vịt bỏ vào túi áo, cầm cái đàn vừa đi vào đồn vừa gãy từng tưng cho có vẻ chịu chơi và bớt run, đồng thời Trung đội trưởng Hoàng Đại Hải đóng vai cu ly cùng tổ trinh sát đi vào trong đồn “làm xâu’’. Đưa được quả lựu đạn cho anh bộ đội đang lom khom quét dọn, Lương Chầu vội vàng ra khỏi đồn. Đúng 4 giờ chiều ngày 18.8.1949 - giờ hiệp đồng chiến đấu điểm. Mục tiêu của quả lựu đạn là hầm chỉ huy của đồn trưởng - cũng là phát nổ khai hỏa. Trung đội trưởng Hoàng Đại Hải rút chốt quả lựu đạn thực hiện nhiệm vụ khai hỏa. Tức thì, bên trong, các chiến sĩ cu ly nội công, cùng các chiến sĩ trinh sát đóng vai làm xâu vừa đột nhập dùng rựa, mác, dao, chặt tay bọn lính, cướp súng địch, diệt lính gác, chiếm lô cốt, giữ cổng đồn... Bên ngoài, dân quân du kích đóng cổng chợ ngăn bọn lính bị các chị dụ xuống chợ ăn chơi, tán gái không có đường về đồn... Tên đồn trưởng chết ngay trong phòng chỉ huy từ quả lựu đạn khai hỏa. Bộ đội và dân quân xung phong tràn vào đồn diệt địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Bên ngoài, dân quân du kích và nhân dân chặn đường bắt trói những tên lính ăn nhậu, tán gái ngoài chợ đang tìm đường chạy về đồn. Bà con bên ngoài lập tức nổi lửa đốt rơm rạ hun khói mù trời nhằm che mắt địch ở các đồn lân cận chi viện để bộ đội rút quân an toàn. Toàn bộ lính Âu Phi, Ê Đê (người Tây Nguyên), Partisan trong đồn Thu Bồn chết, bị thương, bị bắt sống, thu toàn bộ vũ khí, chiến lợi phẩm. Ngay cả mấy tên lính đưa cu ly qua bên kia sông đốn tre chạy về cũng bị mấy người đưa đò cạnh chợ Thu Bồn dùng dầm chèo ghe đập què chân, trẹo cổ.
Triệt hạ đồn Thu Bồn làm rung chuyển cả hệ thống đồn bốt ở tây nam Đà Nẵng, đẩy quân Pháp ở đây vào thế bị động, lúng túng. Các đồn Kiểm Lâm, Phú Thuận, Gò Vàng, An Bằng bị cô lập, du kích thừa thắng bao vây uy hiếp buộc các đồn này phải rút chạy. Chiến công xuất sắc hạ đồn Thu Bồn là món quà đẹp, đầy ý nghĩa của quân và dân Duy Xuyên, chào mừng 5 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày Tết Độc lập 2.9.1949. Từ đây, tây Duy Xuyên, vùng phía nam Đại Lộc được hoàn toàn giải phóng, nối liền vùng tự do phía nam của tỉnh.
HỒ DUY LỆ