A+ A A-

Góp lửa với chiến trường Điện Biên Phủ

           Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, người dân quê hương ta hưởng độc lập tự do chưa được bao lâu, sáng ngày 9 tháng 6 năm 1947 quân Pháp đổ bộ vào Bàn Thạch, Triều Châu, Long Châu phối hợp quân đang ở Vĩnh Điện vượt cầu Câu Lâu tiến lên lần lượt chiếm ngã Ba Nam Phước, Bà Rén, chợ Chùa, cầu Chìm, rồi dần dần đến Trà Kiệu và khu Tây huyện Duy Xuyên. Mặc dầu cán bộ, du kích và người dân chúng ta chiến đấu rất ngoan cường chặn bước tiến của quân thù, nhưng vì quá chênh lệch về lực lượng nhất là vũ khí còn rất thô sơ, thiếu súng ống đạn dược nghiêm trọng nên nhiều cán bộ và du kích anh dũng hy sinh. Ngày nầy được xem như ngày đầu tiên toàn dân Duy An( thị trấn Nam Phước ngày nay) chúng ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

          

           Cụ Huỳnh Xứng, Khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước người tham gia trận đánh

          Tròn 6 năm sau ngày trực tiếp đối diện với quân xâm lược, tháng 5 năm 1953, nhân dân và các lực lượng vũ trang của địa phương đã trưởng thành vượt bậc về chất và lượng để phối hợp góp phần quan trọng với lực lượng chủ lực Liên khu V làm nên chiến thắng vẻ vang: Trận đánh quân viễn chinh Pháp trên đường 104( Đường ĐT 610, nay là quốc lộ 14 H).

          Trước sự vây lấn tấn công liên tục của quân và dân ta buộc địch phải dần dần chấp nhận dùng chiến thuật co cụm phòng ngự, đến đầu năm 1953 bọn quân đóng các đồn đò chợ Vạn (Bến đò phía bên Mậu Hòa, đối diện với trạm bơm Châu Hiệp hiện nay), Cầu Chìm (phía dưới), cây Bảng (Tấm bảng bằng xi-măng chỉ đường lên cầu Chìm do Pháp xây dựng. Vị trí nằm giữa khu vực Huyện đội và Trung tâm Văn hóa- Thông tin hiện nay), Mỹ Đô, cây Kén, Tiệm Định, chợ Chùa, ngã Ba Nam Phước đã lần lượt rút bỏ chạy. Như vậy ta đã làm chủ được đoạn đường từ cầu Chìm đến đường Quốc lộ tạo thế vô cùng thuận lợi cho trận đánh lịch sử trên đường 104.

          Chấp hành mệnh lệnh của ban chỉ huy chiến dịch, đêm 15 rạng sáng 16 tháng 5, tiểu đoàn 29 cùng đại đội 82 Duy Xuyên tập kích tiêu diệt Non Trược và đồn đầu cầu Chìm phía trên lần hai (lần thứ nhất vào rạng sáng ngày 12 tháng 4), pháo kích Hòn Bằng, đột nhập vào Trà Kiệu vũ trang tuyên truyền, lùng bắt bọn ác ôn .         Trước đó đã hình thành đội công tác đặc biệt do ông Lư Giang trưởng trung đoàn 108 trực tiếp chỉ huy gồm cán bộ trinh sát trung đoàn khoảng 10 người, lãnh đạo huyện Duy Xuyên phân công ông Trần Thận, chính trị viên huyện đội; đảng ủy xã Duy An phân công ông Huỳnh Xứng, thường vụ xã ủy và ông Nguyễn Thế Lương (Thoại), xã ủy cùng tham gia bộ phận nầy.

          

          Cụ Võ Tấn Thiệt, Khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước người tham gia trận đánh

       Việc điều nghiên thực địa chuẩn bị trận đánh tương đối dễ. Đội công tác thực hành ngay ban ngày, xem từng bụi cây góc ruộng, đôi khi đi bộ ngay trên mặt đường. Rõng rã gần mười hôm lội đồng băng vườn đến ngày 15 tháng 5 đã kịp hoàn thành phương án chiến đấu và xác định được hàng trăm vị trí ém quân, đào hầm độn thổ cho toàn bộ chiến sĩ 2 tiểu đoàn chủ lực sẽ phục kích địch.

          Nhận tin tình báo từ nội thành Đà Nẵng cho biết ngày 17 tháng 5 sẽ có đoàn xe tiếp viện vào Trà Kiệu, ban chỉ huy chiến dịch lệnh cho tiến hành ngay kế hoạch tác chiến.

           Cả ngày 16 tháng 3, dân quân du kích và nhân dân Tân Mỹ, Mỹ Long, Trung Lương, Mã Châu thuộc xã Duy An cùng với Mậu Hòa thuộc xã Duy Trung được chỉ đạo bí mật lo việc lắp ráp cầu phao vượt sông Bà Rén tại bến đò chợ Vạn, nhân dân khẩn trương lo đốn tre, đốn chuối, chẻ nan đan trục trịch sẵn sàng cho việc lắp đặt cầu phao.

          Đứng trưa hôm đó hai ông Huỳnh Xứng và Nguyễn Thế Lương nhận lệnh đột xuất của huyện đi ngay vào Nghi Hạ, Quế Sơn dẫn đường cho bộ đội chủ lực về xã ta đánh địch. Qua đèo cây Trao men theo núi An Thành, Duy Trung xuống Quế Xuân, gần 7 giờ tối toàn bộ đoàn quân đã về đến bãi cát trảng gò Dê thì bổng trời xuống giông đổ mưa rất to, đúng lúc đó lại nhận tin cầu phao chưa lắp đặt xong nên phải giản đội hình vừa tránh mưa vừa chờ một tiếng đồng hồ mới tiếp tục hành quân đến bến đò chợ Vạn để qua sông.

          Với thiết kế liên kết, dưới lấy chuối và tre làm phao, trên lắp trục trịch làm sàn, một chiếc cầu dã chiến dài đã an toàn đưa bộ đội qua sông. Xong cầu được tháo ra từng mảng đưa vào bờ ngụy trang chu đáo để chờ phục vụ bộ đội sau thắng lợi thu quân trở về.

          Vượt sông xong, đoàn quân theo đường đất làng Trung Lương ra đồng ruộng băng qua đường 104, vô đường kiệt sát bên cơ quan Huyện ủy bây giờ, trực chỉ ra Xuyên Tây.

          Riêng đại đội 217 của tiểu đoàn 50 vừa hoàn thành nhiệm vụ đánh bọn quân Pháp dùng ca-nô đổ bộ ở Duy Vinh xong liền được lệnh lên thẳng Duy An nhập ngay đội hình chiến đấu chứ không qua cầu phao.

           Nhằm bảo vệ tuyệt đối bí mật không để lại dấu vết khả nghi bằng cách dùng chiếu, chăn trải kín trên mặt đường 104 để bộ đội vượt qua; dưới ruộng do trận mưa vừa dứt, xã ủy Duy An phải đi mượn hơn 10 con trâu của dân dắt giẫm đạp lung tung để xóa hẳn dấu chân đoàn quân để lại.

          Lúc đó lực lượng được tạm thời phân bố: tiểu đoàn 50 đóng tại làng Xuyên Tây và tiểu đoàn 19 ở Mỹ Nga, Xuyên Đông, ông Nguyễn Thế Lương được bố trí ở với bộ phận chỉ huy cánh quân Xuyên Đông đóng tại nhà ông xã Tùy, Mỹ Nga (nơi ông Bồn, ông Nghinh, là con ông xã Tùy đang ở cách chợ Đình hiện nay khoảng 150 mét). Ông Huỳnh Xứng được bố trí ở với ông Trần Thận tại bộ phận tham mưu do ông Lư Giang trung đoàn trưởng trung đoàn 108 chỉ huy đóng tại nhà thờ Nguyễn Đức, Xuyên Tây (nhà thờ nầy nay được xây lại và ở nguyên vị trí cũ). Dây điện truyền tin được rải khắp làng xóm, đồng ruộng, đến những tổ trinh sát nằm sát đường số 1 từ Câu Lâu vô ngã ba Nam Phước, từ bến Giá đến Tây Hà vòng lại dưới cầu Chìm. 

          Chín giờ tối, trước giờ xuất quân chiếm lĩnh trận địa phục kích, toàn bộ đội đã được nhân dân Xuyên Tây và Xuyên Đông hăng hái tự nguyện lo bữa cơm chu đáo tại 1 địa điểm gần giếng Năm Lai và 1 địa điểm tại vườn nhà ông xã Tùy ở Mỹ Nga. Mỗi nơi đều cơm canh đầy đủ, có làm thịt thêm mấy con heo để vừa ăn tại chỗ vừa rang mặn dùng để ngày hôm sau ăn với cơm gói cho no bụng đủ sức chiến đấu. (Tại giếng Năm Lai, nhân dân đã tự tháo hơn 2 giàn bí lấy tre làm củi mới đủ nấu cho bữa cơm hôm ấy!).

          Sau bữa cơm khuya, toàn bộ đội hình mang đầy đủ vũ khí và cơm nước quay lại hướng đường 104, vào vị trí, chuẩn bị công sự ngụy trang ẩn nấp chu đáo chờ đợi giờ nổ súng.

        Lực lượng bộ binh được phân công như sau: Tiểu đoàn 50 trách nhiệm vùng ven đường cái của Xuyên Tây, đại đội 217 của tiểu đoàn là bộ phận khóa đuôi dược bố trí từ cây Bảng đến sát cầu Chìm; tiểu đoàn 19 cho 1 đại đội rải quân cánh Mã Châu, Trung Lương, còn lại phối hợp với đại đội 82 Duy Xuyên bố trí ven đường cái từ Phụng Tây đến Long Xuyên và Xuyên Đông.

          Bốn giờ sáng ngày 17 tháng 5, đã hoàn tất việc bố trí ém quân trong các nhà dân, hào tre, ruộng lúa .... cách vài trăm mét phía bắc đường 104 từ Xuyên Tây, Mỹ Thành , chợ Chùa, Long Xuyên đến sát ngã ba Nam Phước. Bộ phận xung kích cảm tử độn thổ ở dưới vô số hầm và ngụy trang cẩn thận kể cả giữa đồng ruộng phải dùng đất cục che bên trên ở sát mép đường phía nam có nơi khoảng cách chỉ gần 5 mét, trải dài từ dưới cầu Chìm đến dưới chợ Chùa. Một bộ phận tiểu đoàn 79 đã hoàn thành tốt việc đào đường đặt hàng chục quả mìn, lấp đất ngụy trang chống địch phát hiện bằng mắt thường và chống cả từ tính.

           Gần 7 giờ sáng, chiếc máy bay trinh sát "Bà già" Moral từ Đà Nẵng bay vào rất thấp theo quốc lộ 1 rồi vòng theo đường 104 lên Hòn Bằng sau đó quay xuống lại cứ thế rất nhiều lần, lượn cao lượn thấp nghiêng qua nghiêng lại đưa mắt cú vọ xoi mói khắp nơi để tìm mục tiêu khả nghi. Đồng thời đạn pháo ca-nông từ Hội An, Vĩnh Điện bắn lên rơi nổ rải rác vào sâu trong các xóm dọc hai bên đường 104.

          Cũng vào lúc đó, 1 đại đội ngụy từ Phú Bông (Gò Nổi) lội sông qua bến đò Gặp ở Duy Trinh tiến xuống sục sạo khu vực phía trên sông cầu Chìm, ta có 1 trung đội của đại đội 82 huyện bố trí ở đó nhưng nhận lệnh không được nổ súng và giữ tuyệt đối bí mật không lộ lực lượng cho địch phát hiện để bảo đảm kế hoạch chung.

          Đến 8 giờ, 2 xe GMC chở quân ngụy từ Câu Lâu vô Quốc lộ 1 rồi chậm chậm tiến theo đường 104 lên cầu Chìm, cứ khoảng cách 5, 10 mét thì dừng, bỏ 1 tên xuống để bảo vệ an toàn cho đoàn xe chở quân sắp vào. Từ nhà thờ Nguyễn Đức, qua ống nhòm có thể nhìn bao quát toàn bộ tình hình từ cống Định lên cây Bảng, ông Lư Giang cùng ban chỉ huy trận đánh hết sức hồi hộp và lo lắng cho tình huống nầy. Theo kế hoạch ta sẽ nổ súng khi đoàn xe quay xuống trở về Đà Nẵng, e rằng bọn quân nầy đi sục sạo rất dễ phát hiện dấu vết khả nghi của quân ta đang mật phục rất gần lề đường. May thay, có lẽ do quá sợ hầm chông, mìn, lựu đạn ..... nên bọn chúng thằng nào cũng tìm một chỗ ngồi yên hoặc thỉnh thoảng đi lại lên xuống nhưng không rời khỏi mặt đường.

           Hơn 9 giờ, chiếc máy bay trinh sát "Bà già" rè rè bay thấp dẫn theo một đoàn xe 22 chiếc từ Quốc lộ 1 rì rầm rẽ theo đường 104, khoảng cách giữa hai chiếc khá xa, từ từ bò lên hướng Hòn Bằng. Đi đầu là xe rà mìn đến xe bọc thép, xe chỉ huy, xe thông tin dẫn theo 18 xe chở đầy lính Lê-dương ở trần trùng trục, mặt mày lấm lét giương súng sẵn sàng đối phó.

          Qua được đoạn đường chúng nghĩ là nguy hiểm nhất, đoàn xe an toàn đổ trên Gò Dỗi, để tiếp tế súng ống đạn dược và lương thực thực phẩm cho đồn Non Trược và Hòn Bằng.

           Gần trưa, bọn ngụy gác đường được 2 chiếc GMC chở lên lúc sáng quay lại đón hết xuống đường Quốc lộ về lại Câu Lâu, cả ban chỉ huy ở nhà thờ Nguyễn Đức nhìn thấy như trút được gánh nặng trên vai suốt từ sáng.

          Đến 13 giờ đoàn xe từ Gò Dỗi quay đầu về Đà Nẵng chạy đến cầu Chìm, tuy tin tưởng đường sá đã an toàn, lại có máy bay "Bà già" theo sát trên đầu dẫn đường, nhưng chúng vẫn còn rất cảnh giác, di chuyển với đội hình thưa thớt thứ tự như khi chúng đi lên.

          Khỏi cầu Chìm, xuống cây Bảng rồi tiệm Định, chợ Chùa ....., những chiếc hộ tống đi đầu đã gần đến đường số 1, chiếc GMC theo sau vừa qua cây cột mốc (10) ranh giới làng Phụng Tây và Long Xuyên, một loạt đạn 12ly7 từ trên cây da Miễu Phường cách phía bắc đường 104 chưa đầy 200 mét, quét thẳng vào đoàn xe, báo hiệu lệnh trận quyết chiến bắt đầu, lập tức hàng loạt quả mìn trên mặt đường 104 từ cây Bảng trở xuống đồng loạt nổ rung chuyển lòng đất. Chiếc GMC nói trên đã bị hất nhào lăn lóc ngay trên mặt đường.

          Hàng trăm chiến sĩ xung kích như những chiếc lò xo bị nén từ lòng đất bung nắp hầm nhảy lên dùng lựu đạn, thủ pháo và lưỡi lê tràn vào đánh xáp lá cà với quân địch. Từ các nơi bố trí, tiếng xung phong như sấm vang lên, bộ đội tràn ngập mặt đường, SKZ, ba-dô-ka, cối 60, đại liên, trung liên nhả đạn yểm trợ như mưa bão vào quân địch.

          Ngay phút mở màn, toàn bộ đội hình đoàn xe đã bị xé tan, chiếc cháy tại chỗ, chiếc ngã kềnh trên đường, chiếc lăn xuống lề nằm ngữa chổng gầm lên trời.

          Bọn Lê-dương hoảng loạn, số đông đã chết ngay từ đầu theo số phận của xe, số sót lại nhảy xuống quờ quạng tìm nơi chống cự, nhưng phần lớn bọn nầy đã làm mồi cho mã tấu, dao găm, tiểu liên ... của hàng loạt chiến sĩ xung kích độn thổ vừa mới xông lên.

          Tại cống Định, 3 chiếc GMC chở đầy lính trúng đạn Ba-dô-ka nhào đầu xuống đáy đìa sâu, chưa kịp trúng đạn, bọn chúng đã bị xác xe đè uống nước chết gần hết. (đìa cống Định nầy đối diện cửa hàng xăng dầu nay, ngày xưa lớn và rất sâu, năm 1962 cũng một chiếc GMC của quân đội Sài Gòn chạy quá trớn mất lái rơi xuống nằm lật ngửa chỉ ló một phần lốp lên trên mặt nước, khi cẩu lên thì tên lính lái xe và tên ngồi bên đã chết ngộp nước trong ca-bin).

          Sau mấy phút giao tranh đầu tiên, vài chiếc GMC thoát chết liều lĩnh tăng ga vượt lên xác đồng bọn chạy xuống Quốc lộ, liền bị quân ta phục sẵn chặn đường, chúng hoảng hốt bẻ lái chạy trên mồ mả cồn Trước, sát trên cồn Tiên (khu vực trường Tiểu học số 3 nay), định băng đồng thoát về Câu Lâu. Nhưng không vượt được địa hình, chúng phải bỏ xe, bỏ súng chạy bộ ra đồng ruộng Long Xuyên, tha hồ để dân quân du kích và một bộ phận của đại đội 82 huyện chờ sẵn tiêu diệt và bắt sống. Cũng như thế, phía nam đường 104 từ trên cây Bảng xuống Vĩnh Lại, Phụng Tây, Long Xuyên, bọn chúng như bầy vịt bị rắn vồ hụt chạy bán sống bán chết, lọt vào lưới lửa của một bộ phận của tiểu đoàn 19 và đại đội 82 huyện cùng dân quân du kích, chúng chết như rạ, số còn sót phải chấp nhận cúi đầu giơ tay xin hàng.

           Phía đuôi đoàn xe, sót lại 3 chiếc vừa đến gần cây Bảng chưa lọt vào trận địa ta, quá hoảng hốt liền tìm đường sống, vội quay đầu định chạy lên cầu Chìm về Trà Kiệu. Nhưng đâu có kịp, đại đội 217 của tiểu đoàn 50 đã đón đợi, từ trong xóm bên đường xông ra, mặc dù bị bọn ngụy đóng lô-cốt bên kia cầu Chìm bắn rát để chi viện làm bên ta có vài chiến sĩ bị thương ngay từ đầu, nhưng với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch, ta đã diệt gọn cả xe và người.

          Chiếc "Bà già" nhìn xuống thấy đoàn xe đang bị băm vằm tan nát, nhìn chung quanh thấy Hòn Bằng, Non Trược, Bà Rén, Câu Lâu mịt mù khói đạn pháo của ta áp chế, tỏ ra tức tối vì vô phương cứu chữa lại sợ làm mồi cho đạn đại liên 12ly7, đành lượn vật vờ về phía sông Bà Rén, nhưng ngờ đâu cùng chung số phận với đoàn xe, đã hứng trọn một loạt trung liên, ngọn lửa trùm lên, chúi đầu xuống khe gần chợ Gò, Phú Diên; mấy tên ngồi trong máy bay chết cháy đen như những cục than hầm.

           Bọn chỉ huy ở Đà Nẵng hoàn toàn bất lực bó tay không cách gì giải cứu, đành cam chịu thất bại để cho ta mặc sức làm chủ chiến trường. Trên 300 dân công hỏa tuyến cùng dân quân du kích các xã Duy An, Duy Trung, Quế Xuân thu dọn toàn bộ chiến lợi phẩm và truy bắt tàn quân suốt buổi chiều sau trận chiến, kéo dài cả đêm 17 tháng 5 năm 1953 cho đến ngày hôm sau. Ta bắt thêm được gần 1 tiểu đội chúng chui rúc trong các đám khoai, ruộng lúa; thu thêm 1 cối 60, 2 trung liên và 6 súng trường.

          Để đánh lạc hướng đường lui quân, một số đông dân công được lệnh ra sức đẩy chiếc xe jeep còn lăn bánh được của địch băng đồng vô Trung Lương, ra bờ sông Bà Rén, phía dưới trạm bơm Châu Hiệp bây giờ.

          Trận đánh chính thức diễn ra quá nhanh và kết quả ngoài dự kiến: sau hơn 30 phút chiến đấu anh dũng, quân và dân ta loại khỏi vòng chiến đấu ngay tại trận 482 tên, phần lớn là lính Lê-dương, trong đó có gần 120 tên bị bắt sống, đặc biệt trong số nầy có tên La Thọ Cương, tiểu đoàn trưởng của ngụy quân, thu 2 pháo 37 ly, 2 cối 81 ly, 8 cối 60 ly, 7 đại liên, 12 trung liên, và hơn 200 súng trường, tiểu liên các loại; bắn rơi 1 máy bay trinh sát "Bà già" Moral, phá hủy 19 xe GMC và Jeep.

           Đêm tối trời đầu tháng tư âm lịch, xa hàng chục cây số vẫn trông thấy ánh sáng chập chờn trên đoạn đường 104 quê mình như những đóm lửa ma trơi của xe địch đang còn cháy.

          Về phía lực lượng ta, chỉ có 6 đồng chí bộ đội trung đoàn  anh dũng hy sinh được đưa về an táng ở chân núi Đất, Quế Xuân.

          Trận đánh kết thúc, thương binh phía bắc đường 104 được dân công chuyển ra trạm xá dã chiến đào sẵn bên hàng tre ven sông dưới bến Giá. Đại bộ phận hơn 2 tiểu đoàn chủ lực lui về và ổn định tại vị trí xuất phát ở Xuyên Tây và Xuyên Đông, số tù binh bị trói gom tập trung lúc nhúc dưới giàn bí trong vườn ông xã Tùy ở Mỹ Nga.

           Khi mặt trời sắp lặn cũng là lúc toàn bộ bộ đội chủ lực được lệnh rút quân dẫn theo tù binh đi trở lại theo con đường đã đi đêm hôm trước, nhân dân lắp đặt lại cầu phao chắc chắn, đoàn quân ta hiên ngang quay về căn cứ tại Nghi Hạ làm lễ mừng chiến thắng, liên hoan và củng cố lực lượng chuẩn bị những trận đánh tiếp theo của chiến dịch. Tại buổi lễ, ông Huỳnh Xứng vinh dự được trung đoàn trưởng Lư Giang, trực tiếp chỉ huy trận chiến, trao tặng khẩu Colt 45 chiến lợi phẩm, lúc về lại địa phương, ông Xứng xin nộp nhưng lãnh đạo huyện và xã Duy An để ông Xứng toàn quyền sử dụng. Vật vô giá nầy được ông luôn mang theo cho đến ngày tập kết ra Miền Bắc. 

          Ngoài số ít chiến sĩ bị thương được đưa xuống bệnh viện dã chiến Chợ Đụn, Quế Sơn điều trị, trung đoàn 108 lại tiếp tục chiến dịch, trở ra vượt sông Thu Bồn cùng bộ đội địa phương đánh chiếm lô-cốt Túy La, Điện Hồng, pháo kích thị trấn Vĩnh Điện, Ái Nghĩa .....

          Về phía địch do bị đánh bất ngờ và quá thảm bại, 3 ngày sau mới hoàn hồn, chúng dùng máy bay trinh sát, pháo binh yểm trợ tối đa cho 1 trung đoàn Lê-dương Bắc Phi mở cuộc hành quân lớn vào hai xã Duy Phước và Duy An để giải tỏa khu vực và giải quyết hậu quả chiến trường. Một bộ phận của đại đội 82 huyện cùng dân quân du kích 2 xã vẫn dũng cảm quần bám kìm chân địch. Kết quả đã có trên 20 tên bị diệt bởi hầm chông, mìn gài sẵn và bắn tỉa.           Thị trấn Nam Phước chúng ta đã có một trận đánh quân viễn chinh xâm lược nhà nghề quy mô và thành tích vô cùng to lớn như vậy, một trận đánh mà toàn địa bàn xã Duy An là một chiến trường, một trận đánh mà hầu như toàn bộ lãnh đạo, du kích và nhân dân xã Duy An vào trận, trực tiếp tham gia đóng góp quyết định cho thắng lợi.

 Trịnh Đình Nghĩa( Khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước)

           

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

19806049
Hôm nay
Hôm qua
1422
8748