Ở tuổi 87, bà Nguyễn Thị Như Mai, 70 năm tuổi Đảng (hiện ở tại 143/7 Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng) vẫn giữ được vóc dáng khỏe khoắn và trí tuệ minh mẫn. Cuộc đời cách mạng của bà gắn liền với trang sử oai hùng của quê hương Duy Nghĩa (H. Duy Xuyên, Quảng Nam). Nơi đây, 55 năm trước, có nữ bí thư chi bộ xã lãnh đạo nhân dân làm nên đồng khởi bằng súng bẹ dừa.
Trở về từ cõi chết
Bà Nguyễn Thị Như Mai, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng trước đây), ở một mình trong căn nhà cấp 4 đơn sơ. Hỏi vì sao cống hiến cho đất nước đến vậy lại sống giản dị thế kia, bà cười thật hiền: "Mình đi làm cách mạng chớ có làm chi đâu mà ở nhà cao cửa rộng". Vậy là câu chuyện của bà cứ rỉ rả về chuyện "làm cách mạng" từ thời thanh niên.
Bà Nguyễn Thị Như Mai và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà (2017).
To cao, lanh lợi, giọng nói đầy sức thuyết phục, bà đã sớm bộc lộ tố chất thủ lĩnh. Cưới nhau được 3 ngày thì chồng đi tập kết, bà vừa là đảng viên vừa là vợ cộng sản nên nằm trong tầm ngắm của địch. Chúng truy bắt ráo riết, trao thưởng cho ai chặt được đầu Như Mai. Thấy không xong, ông Nguyễn Dững, cha của bà đưa con gái xuống thuyền, chạy ra Cù Lao Chàm. Tại đây bà được ông Nguyễn Đào, lúc này là Bí thư chi bộ xã Duy Nghĩa cho người đón về để vượt vĩ tuyến 17 ra Bắc. Thật không may, thuyền vừa đến Thừa Thiên thì gió chướng nổi lên. Bà cùng anh em bám vào cánh buồm để mặc sóng trôi dạt. Một số đồng chí trong đó có Bí thư Nguyễn Đào bị địch bắt tra tấn, hy sinh. Khai man là dân buôn đường, nhưng vì vóc dáng đẹp đẽ, bọn địch không tin, tra tấn bà khốc liệt sau đó đày về nhà lao Hội An. Trận cuối cùng đối chất với tên phản bội, chúng đánh dữ, rồi tưởng chết, đem bà bỏ nhà xác. Cơ sở mật báo với gia đình. Cha bà dẫn theo họ hàng khiêng con gái xuống bến thuyền, từ đó đưa về quê. Để hợp pháp, cha phải lên trình diện với hội đồng xã. Chúng cho người đến nhà thì thấy bà con đang lo hậu sự. Người cha cam kết nếu con còn sống sẽ không cho làm Việt Cộng nữa, ngược lại sẽ nộp hết tài sản của mình.
Nhờ cha mẹ tận tình thuốc men, họ hàng bồi bổ, Như Mai dần hồi sinh. Huyện ủy Duy Xuyên cử cán bộ đến bắt liên lạc, hỏi bà có dám tiếp tục nhiệm vụ cách mạng không? Một cái gật đầu không do dự. Vậy là bà bước vào cuộc đấu tranh mới. Tránh tai mắt địch, bà cạo trọc đầu, ăn chay, thành đạo hữu chùa An Hồ. Trong màu áo lam, bà đi khắp nơi, vận động phật tử đấu tranh, xây dựng cơ sở cách mạng từ Duy Xuyên ra đến Hội An. Đây là thời kỳ địch khủng bố trắng, cách mạng ở Duy Nghĩa chịu tổn thất lớn. Cán bộ huyện về nằm vùng lần lượt bị phát hiện, bắn chết, đưa ra chỗ đông người để thị uy. Có lần, một đồng chí bị bắt có mặc áo len do bà Mai đan tặng, chúng nghi ngờ hỏi cơ sở lai lịch chiếc áo. Mọi người biết nhưng dù chấp nhận tra tấn vẫn bảo vệ bà đến cùng. Vậy là bà vẫn sống và tung hoành ngay giữa vòng vây của kẻ thù và trong bao bọc yêu thương của nhân dân.
Đất bùn, súng bẹ dừa vào trận
Từ Đảng bộ đông hơn ngàn đảng viên, sau Hiệp định Genève, số đi tập kết, người bị thảm sát hay lưu lạc đến năm 1963, Duy Nghĩa chỉ còn 3 đảng viên hoạt động liên tục. Huyện ủy về tổ chức phục hồi chi bộ Đảng, giao cho đồng chí Nguyễn Nhị Như Mai làm bí thư chi bộ cùng với 2 đảng viên khác là Nguyễn Đinh, Nguyễn Hồ. Một năm sau, từ chi bộ nòng cốt đã phát triển thêm 15 đảng viên và hàng trăm du kích mật, cơ sở nòng cốt. Đầu năm 1964, Bí thư Mai được triệu tập lên căn cứ học tập kinh nghiệm khởi nghĩa ở Bến Tre.
Phải làm được như bà Nguyễn Thị Định, mệnh lệnh này thôi thúc Như Mai nghĩ cách lãnh đạo nhân dân đồng khởi. Lúc này du kích Duy Nghĩa đã tiến hành đột nhập nhiều đợt diệt ác phá kèm làm bọn tề ngụy hoang mang dao động, thuận lợi cho ta. Một sự cố lớn xảy ra ảnh hưởng đến cục diện đang đà thắng lợi của Duy Xuyên. Đó là cuộc họp do Huyện ủy triệu tập tại một cơ sở chuẩn bị cho đồng khởi cả 3 khu trong huyện thì bị địch khui hầm. Đồng chí Huyện ủy viên và nhiều cán bộ khác hy sinh. May mà bà Mai đã kịp rời đi trước đó. Không nhụt chí, Bí thư Mai cùng chi bộ tiếp tục chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân nổi dậy, củng cố lực lượng du kích mật, xây dựng gia đình cơ sở cốt cán, đào hầm bí mật ở nhiều nơi. Bà xin được huyện vài cây súng và một tiểu đội chủ lực làm nòng cốt. Nhằm tạo thế áp đảo, bà Mai và chi bộ đưa du kích mật và cơ sở ra giữa đám dừa nước huấn luyện, dùng cây chuối cắt từng đoạn, bọc ni-lông giả làm mìn, tập nói tiếng miền Bắc để tung tin bộ đội, công an về rất đông. Bà còn cho người chặt bẹ dừa nước giả làm súng, lấy đất sét nặn thành lựu đạn giả mang vào thắt lưng, ban đêm cứ thế khuếch trương.
Thanh thế đồng khởi nghĩa lan rộng khiến địch khiếp sợ, tưởng bộ đội chủ lực về cả tiểu đoàn. Khi thấy xã Bình Dương bên cạnh đã giải phóng, biết rằng cơ hội đã chín muồi, Duy Nghĩa bắt đầu hành động. Ông Nguyễn Dững, cha bà Mai tổ chức đội chiến thuyền chờ sẵn để chở quân. Cơ sở các chùa vận động đạo hữu nổi dậy. Cờ đỏ sao vàng được may khẩn trương. Lúc này, hai đại đội bảo an của xã sắp rút về quận lỵ Duy Xuyên, bà Mai cùng chi bộ chớp thời cơ quyết định đồng khởi vào ngày 20-9-1964. Đúng 5 giờ, lực lượng của ta đồng loạt nổ súng. Bọn tề và dân vệ vốn đã hoang mang qua đợt nghi binh hù dọa lần trước nay bị đánh bất ngờ nên tan rã nhanh chóng. Nhân dân đồng loạt nổi dậy dùng dao rựa, gậy gộc truy bắt địch. Ngay tối hôm 20-9, xã tổ chức mít-tinh với hơn 5.000 đồng bào tham dự.
Bị thất bại nặng nề trước cuộc nổi dậy của Duy Nghĩa, sau ba ngày, địch điên cuồng phản ứng, dùng trực thăng, tàu thủy đổ quân trên không, ngoài biển, đốt phá nhà cửa, bắn chết đồng bào. Bà Mai và lãnh đạo xã đã kịp thời tổ chức cho nhân dân đấu tranh, đòi bồi thường thiệt hại. Địch chỉ càn quét mấy ngày rồi phải rút quân, không chiếm đóng được. Sau đó một phiên tòa xét xử những kẻ gây nợ máu gây tiếng vang lớn. Từ thắng lợi của đồng khởi, xã từng bước xây dựng làng chiến đấu, tuyến phòng thủ, địa đạo củng cố vùng giải phóng và giữ được thành quả cho đến năm 1970. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến đây học tập kinh nghiệm, Duy Nghĩa trở thành niềm tự hào của cả huyện lúc bấy giờ.
HỒNG VÂN